1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Dương:

Theo chân “hiệp sĩ” săn bắt cướp

(Dân trí) - Cướp giật đường phố luôn gieo nỗi kinh hoàng, bức xúc cho người dân bởi sự liều lĩnh, manh động của bọn chúng. Đến thời điểm hiện nay, khắc tinh của bọn tội phạm này có thể kể đến chính là các hiệp sĩ săn bắt cướp (SBC) tỉnh Bình Dương.

Địa bàn tỉnh Bình Dương là nơi tập trung khá đông người tạm cư, chính vì vậy công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội là vấn đề khá phức tạp. Đóng góp đáng kể vào sự bình yên cho người dân là chiến công thầm lặng của các “hiệp sĩ” SBC.

(Thực hiện Video: Trung Kiên - Xuân Hinh)

“Giăng lưới” bắt trộm

Một ngày tháng 10/2014, chúng tôi có mặt tại một quán cà phê bình dân trên đường Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một) để gặp gỡ nhóm “hiệp sĩ” SBC Bình Dương. Quán cà phê này như một “căn cứ” họp bàn kế hoạch của các “hiệp sĩ” trước khi lên đường tuần tra. Ly cà phê của các “hiệp sĩ” chưa kịp tan đá thì chuông điện thoại của anh Nguyễn Thanh Hải – Đội trưởng CLB PCTP phường Phú Hòa vang lên.

Các hiệp sĩ trên đường truy lùng bọn trộm cướp
Các "hiệp sĩ" trên đường truy lùng bọn trộm cướp

Cuộc điện thoại gọi đến “hiệp sĩ” Thanh Hải là của một người dân cầu cứu về việc bị kẻ gian phá cửa nhà trọ trộm mất chiếc xe tay ga, ngay lập tức nhóm hiệp sĩ chạy thẳng đến hiện trường để ghi nhận thông tin, đồng thời hướng dẫn cho người dân trình báo cơ quan công an địa phương để cùng truy bắt “đạo chích”.

“Chúng tôi hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục cần thiết để trình báo mất trộm, sau đó sẽ thu thập thông tin về đặc điểm, biển số chiếc xe bị mất. Theo đó, anh em chia ra những điểm quan trọng để đón lõng tại các hướng mà bọn trộm có thể tẩu thoát. Muốn phát hiện và bắt được đối tượng nghi vấn cần phải có con mắt quan sát, mưu trí và dũng cảm” - “Hiệp sĩ” Thanh Hải chia sẻ.

Nhóm “hiệp sĩ” khi nhận lệnh của đội trưởng Thanh Hải đã lập tức lên đường. Tuy nhiên, không phải lần nào cũng thành công, dù nỗ lực truy tìm nhưng đến cuối ngày, các “hiệp sĩ” vẫn chưa phát hiện nghi vấn. Tiếp tục tuần tra trên những cung đường khác, “hiệp sĩ” được người dân chào đón như những người thân trong gia đình. 

“Có nhiều người nói các anh ấy ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng chúng tôi thì rất quý mến tinh thần hiệp nghĩa của nhóm hiệp sĩ. Họ xông xáo, không ngại nguy hiểm, hễ gặp chuyện bất bình liền ra tay tương trợ người dân. Ở đây ai cũng nắm rõ số điện thoại của các anh ấy như số đường dây nóng vậy” – Bà Đặng Kim Mùi (61 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một) tâm sự.

Tinh thần “hiệp sĩ”

Hiệp sĩ ghi chép lại thông tin về các đối tượng khả nghi mà người dân cung cấp
"Hiệp sĩ" ghi chép lại thông tin về các đối tượng khả nghi mà người dân cung cấp

Từ nhiều năm nay, hình ảnh các hiệp sĩ len lỏi từ con phố lớn đến hẻm nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã trở nên quen thuộc với người dân. Bất cứ ai phát hiện nghi vấn hoặc muốn cung cấp thông tin về các đối tượng khả nghi đều được các hiệp sĩ ghi chép đầy đủ trong cuốn nhật ký hoạt động của nhóm.

Tất cả các hiệp sĩ đều có xuất thân khác nhau, người kinh doanh vật liệu xây dựng, người chạy xe ôm, người là sinh viên…nhưng tất cả đều có chung máu hiệp sĩ “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Dù bị nhiều người cho rằng các “hiệp sĩ” đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng tất cả đều bỏ ngoài tai. Điều các hiệp sĩ mong muốn duy nhất là mang lại sự yên bình trên các tuyến phố.

Ngày này sang tháng khác, cứ như vậy các hiệp sĩ đã đặt dấu chân trên khắc các nẻo đường. Không quản ngại khó khăn, hiểm nguy khi truy bắt tội phạm, hiệp sĩ săn bắt cướp Bình Dương luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần đến họ. Để đến với nghiệp săn bắt cướp, không ít hiệp sĩ đã gặp phải sự ngăn cản kịch liệt từ gia đình, người thân. Nhưng rồi, niềm đam lại trỗi dậy khiến họ tự tìm đến nhau, cùng nhau trên những cung đường tìm kiếm, truy bắt trộm cướp.

Sau mỗi cuộc săn lùng ấy, các hiệp sĩ lại lặng lẽ trở về với cuộc sống thường ngày, với gánh nặng cơm áo mưu sinh.

Trao đổi với Dân trí Thượng tá Hà Văn Thanh – Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (PV28) Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hoạt động của các “hiệp sĩ” SBC chính là "cánh tay" nối dài của ngành Công an, góp phần đáng kể vào công tác giữ gìn anh ninh trật tự, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình kinh tế - xã hội càng phát triển. Các hiệp sĩ SBC Bình Dương đang trở thành khắc tinh của tội phạm cướp giật trên phố.

Trung Kiên