1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thầy giáo bị giam oan thắng kiện hiệu trưởng

Một thầy giáo bị bắt giam oan 275 ngày rồi bị hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Tòa sơ thẩm bác đơn kiện của ông nhưng tòa phúc thẩm khẳng định quyết định kỷ luật của trường là trái pháp luật...

Ngày 27-9, TAND tỉnh Phú Yên đã xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Sông Hinh, tuyên hủy toàn bộ quyết định của hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) về kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Tống Văn Thọ (giáo viên của trường). Tòa cũng buộc hiệu trưởng trường này nhận ông Thọ trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ trong thời gian ông Thọ không được làm việc.

Quyết buộc thôi việc người bị oan

Ông Thọ là người được Công an huyện Sông Hinh đình chỉ điều tra bị can sau 275 ngày tạm giam mà Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh. Đây là một trong ba vụ án có dấu hiệu oan ở Phú Yên đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rút hồ sơ để giám sát.

Theo hồ sơ, tháng 7-2012, ông Thọ bị Công an huyện Sông Hinh bắt tạm giam để điều tra về hành vi cưỡng dâm. Tháng 1-2013, TAND huyện Sông Hinh phạt ông Thọ hai năm tù về tội danh trên. Sau khi ông Thọ kháng cáo kêu oan, tại phiên tòa phúc thẩm tháng 5-2013, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy bản án sơ thẩm do chưa đủ cơ sở để kết tội, giao hồ sơ cho VKSND huyện Sông Hinh điều tra lại.

Tháng 9-2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh ra kết luận điều tra lại, kết luận “hành vi của ông Tống Văn Thọ đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm”. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, công an huyện ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thọ với lý do người bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án.

Ông Tống Văn Thọ (phải) cho rằng quyết định kỷ luật của hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol là không có căn cứ. Ảnh: T.LỘC
Ông Tống Văn Thọ (phải) cho rằng quyết định kỷ luật của hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol là không có căn cứ. Ảnh: T.LỘC

Trong khi ông Thọ đang khiếu nại, yêu cầu bồi thường oan, tháng 1-2014, UBND huyện ra quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông. Sau khi ông Thọ khiếu nại, tháng 5-2014, UBND huyện ra quyết định hủy quyết định kỷ luật trên vì việc kỷ luật không đúng thẩm quyền, không đúng quy định.

Đến tháng 10-2014, hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Thọ. Lý do buộc thôi việc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì khám chữa bệnh trái phép và có hành vi cưỡng dâm.

Ông Thọ khởi kiện hiệu trưởng, yêu cầu tòa hủy quyết định kỷ luật vì cho rằng không có căn cứ khi ra quyết định kỷ luật đối với ông. Tại phiên tòa sơ thẩm tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải ngày 31-8-2015, TAND huyện Sông Hinh đã bác toàn bộ yêu cầu của ông Thọ.

Không có bản án, vẫn “kết tội”?!

Tháng 8-2016, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa nhưng tạm ngừng theo đề nghị của hai bên đương sự để thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Theo đó, hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol xin rút lại quyết định kỷ luật, còn ông Thọ sẽ làm đơn xin thôi việc và sẽ rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, sau đó phía nhà trường đổi ý.

Tại phiên tòa hôm qua, hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol cho rằng căn cứ để kỷ luật ông Thọ là Công văn 186 ngày 3-10-2014 của VKS huyện gửi UBND huyện, trong đó nêu “đủ cơ sở kết luận Tống Văn Thọ có hành vi cưỡng dâm”. Căn cứ thứ hai là Quyết định 1329 ngày 19-8-2014 của UBND tỉnh Phú Yên về việc giải quyết khiếu nại của ông Thọ. Trước đó, ông Thọ khiếu nại việc chủ tịch UBND huyện ra quyết định kỷ luật ông bằng hình thức buộc thôi việc với lý do ông hoạt động khám chữa bệnh trái phép và có hành vi cưỡng dâm. Sau đó, UBND tỉnh ra quyết định bác khiếu nại của ông.

Về phần mình, ông Thọ khẳng định: “Đến nay không hề có bản án nào kết luận tôi có hành vi cưỡng dâm hay một tội danh nào khác. Hiện nay tôi vẫn đang khiếu nại yêu cầu bồi thường việc bị khởi tố, bắt giam oan. Mặt khác, tôi khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đều hoàn toàn miễn phí nhằm cứu người. Tôi chưa hề gây ra hậu quả nào đáng tiếc và chưa bao giờ bị bất kỳ cơ quan chức năng nào có kết luận hay xử lý tôi hoạt động khám chữa bệnh trái phép”.

Theo luật sư bảo vệ cho ông Thọ, các căn cứ để trường kỷ luật ông Thọ là không có cơ sở. Tháng 5-2014, UBND huyện Sông Hinh đã ra quyết định hủy bỏ quyết định kỷ luật đối với ông Thọ. UBND tỉnh ra Quyết định 1329 để giải quyết khiếu nại về một quyết định không còn tồn tại. Chính vì thế, Trường Tiểu học Ea Trol không thể lấy đó làm căn cứ. Luật sư cũng cho rằng Công văn 186 của VKS huyện không có giá trị pháp lý, đó chỉ là quan điểm chủ quan nhằm bảo vệ cho cáo trạng truy tố ông Thọ tội cưỡng dâm. Trong khi đó, theo luật, một người chỉ bị coi là có tội khi đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Tòa: Quyết định kỷ luật trái luật

Theo tòa phúc thẩm, kết quả điều tra lại vụ án cưỡng dâm không có chứng cứ gì mới, không làm rõ được những mâu thuẫn mà bản án phúc thẩm đã nêu vì không thực hiện một hành vi tố tụng nào hết. Đến nay vẫn chưa có chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án để xác định ông Thọ có hành vi cưỡng dâm và hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm hay không. Từ đó, tòa phúc thẩm nhận định kết luận điều tra lại của Công an huyện Sông Hinh và Công văn 186 của VKS huyện về việc ông Thọ có hành vi cưỡng dâm là thiếu căn cứ pháp lý.

Tòa phúc thẩm cũng khẳng định trong hồ sơ kỷ luật buộc thôi việc ông Thọ không hề có tài liệu nào thể hiện việc khám chữa bệnh của ông Thọ đã “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” như trong quyết định kỷ luật. Ngoài ra, các ý kiến do trường, xã tổ chức lấy cũng thể hiện sự không đồng tình kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Thọ.

Từ những nhận định trên, tòa phúc thẩm kết luận quyết định kỷ luật của hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol đối với ông Thọ là trái pháp luật. Bản án của TAND huyện Sông Hinh bác đơn khởi kiện của ông Thọ là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

“Tôi không thể chấp nhận oan ức”

Sau khi bị khởi tố, bắt giam, cuộc đời tôi như bị chôn vùi dưới vực thẳm. Ra tù, trong khi tôi đang yêu cầu cơ quan pháp luật phải trả lại danh dự của một người thầy cho tôi thì chính quyền địa phương lại tiếp tục vùi dập tôi, buộc tôi phải nghỉ việc. Họ cố phá nát gia đình, cuộc đời tôi. Hiện nay con cái tôi cũng là giáo viên. Tôi không thể chấp nhận bị oan ức như vậy!

Thực sự, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao công an bắt giam tôi. Từ ngày ra tù, tôi liên tục khiếu nại nhưng họ vẫn không trả lời hoặc trả lời kiểu né tránh trách nhiệm. Hiện nay tôi đã gửi đơn khiếu nại đến VKSND Tối cao đề nghị các cơ quan tố tụng phải kết luận rõ ràng và phải bồi thường oan cho tôi.

Ông TỐNG VĂN THỌ

Theo Hữu Lộc

Pháp luật TP Hồ Chí Minh