Thanh Hóa: Ngăn chặn 38 vụ xuất cảnh đi lao động trái phép
(Dân trí) - Đã có hàng nghìn người xuất cảnh ra nước ngoài làm việc trái phép bị bắt giữ, trục xuất, 43 trường hợp chết, mất tích khi đi lao động ở nước ngoài. Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ngăn chặn 38 vụ xuất cảnh đi lao động trái phép.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài của địa phương này có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Trước năm 2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 16.000 lao động bất hợp pháp tại các nước châu Á, châu Âu. Riêng tại Trung Quốc, năm 2015 có khoảng 13.000 người, đến năm 2019 còn 988 người.
Những năm qua có khoảng hơn 2.750 trường hợp bị bắt giữ, trục xuất; 43 trường hợp chết, mất tích, khi đang lao động ở nước ngoài (chủ yếu là tại Trung Quốc). Nhiều trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử ở nước ngoài.
Số liệu khảo sát mới nhất, tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 3.448 người đang cư trú, lao động bất hợp pháp tại các nước Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), và các nước châu Á khác.
Thượng tá Mai Xuân Ngọc, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại (PA01), Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương có 1.351 người đang lao động tại Châu Âu (chưa xác định được bất hợp pháp hay hợp pháp). Phần lớn số lao động này xuất cảnh bằng con đường hợp pháp nhưng trốn ở lại lao động chui.
Theo Thượng tá Ngọc, đi lao động bất hợp pháp thì khi xảy ra các vấn đề rủi ro về mặt sức khỏe, tính mạng, kể cả việc bị xâm phạm về nhân phẩm, nhân quyền, danh dự… thì người lao động không được bảo vệ. Đó là còn chưa tính đến những vấn đề bất trắc thường xaỷ ra như bị nợ lương. Đồng thời, những người đi trái phép cũng không được bất kỳ cơ quan nào đứng ra bảo hộ mà gia đình, người lao động phải đứng ra gánh chịu hậu quả.
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh đi lao động trái phép; phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép; khởi tố 14 đối tượng về hành vi “tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật”.
Trần Lê