1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tham vọng của cựu sếp ngân hàng Đông Á

(Dân trí) - Trần Phương Bình đánh giá cao ốc Saigon One Tower là dự án có vị trí chiến lược, DongABank có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở nhưng ông Bình đã bị “sa lầy” trong dự án này.

Ngày 29/6, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) hơn 8.800 tỷ đồng (còn gọi là đại án DongABank giai đoạn 2).

Trong các buổi làm việc trước đó, bị cáo Trần Phương Bình (sinh năm 1959, cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) cùng đồng phạm thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Về dân sự, DongABank yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại trong vụ án, ngoài ra DongABank đưa ra hàng loạt yêu cầu với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.

Tham vọng của cựu sếp ngân hàng Đông Á - 1
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (bìa trái)

Tại phiên tòa ngày 29/6, HĐXX, Viện Kiểm sát không xét hỏi bổ sung các bị cáo và người liên quan. HĐXX tập trung phần lớn thời gian cho các luật sư hỏi các bị cáo để làm rõ các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đáng chú ý, trong vụ án án này bị cáo Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần M&C) bị xét xử hành vi làm hồ sơ khống cho nhóm khách hàng của công ty cổ phần M&C vay, gây thiệt hại hơn 3.949 tỷ đồng của DongABank.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh từng được biết đến là người “đặt nền móng” cho cao ốc Saigon One Tower. Tọa lạc tại vị trí "vàng", góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1), dự án cao ốc Saigon One Tower có diện tích 6.672 m2, tổng vốn 256 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng) từng được kỳ vọng là một trong những kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn.

Năm 2007, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, ông Phùng Ngọc Khánh hợp tác với tổng công ty du lịch Sài Gòn và các đối tác khác thành lập công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C để triển khai dự án cao ốc Saigon M&C Tower.

Khởi công năm 2009, dự án đổi tên thành Saigon One Tower, cao 42 tầng, được thiết kế trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế.

Theo cơ quan điều tra, để có tiền thực hiện dự án Saigon One Tower và đầu tư cho các dự án khác, từ năm 2007 đến 2013, Phùng Ngọc Khánh đặt vấn đề với ông Trần Phương Bình sử dụng pháp nhân của 11 công ty do Khánh thành lập và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên) để vay DongABank hơn 7.106 tỷ đồng.

Trần Phương Bình đánh giá đây là dự án có vị trí chiến lược, DongABank có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền. Ngoài ra, Tổng giám đốc DongABank còn đề nghị Khánh cho ngân hàng và cá nhân mình mua 21% cổ phần công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C.

Đến năm 2011, công trình hoàn thành hơn 80% hạng mục thì phải "đắp chiếu" do ông Khánh và các đối tác không còn khả năng tài chính. Khoản nợ đầu tư cho dự án tại DongABank và các tổ chức tín dụng ngày càng lớn, không có khả năng trả cả vốn lẫn lãi.

Tham vọng của cựu sếp ngân hàng Đông Á - 2
Bị cáo Trần Phương Bình.

Tính đến ngày 30/6/2017, riêng dư nợ của công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C tại DongABank là hơn 854 tỷ đồng. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là một phần tài sản hình thành trong tương lai từ cao ốc Saigon One Tower, được định giá 723 tỷ đồng. Sau đó, DongABank ký hợp đồng mua bán khoản nợ cho công ty quản lý tài sản - VAMC với giá gần 680 tỷ đồng, gồm cả lãi phát sinh. Do đó, ông Bình và những người liên quan không bị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự đối với khoản vay này.

VAMC cũng ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng về các khoản nợ của nhóm nhiều công ty với tổng dư nợ (gốc và lãi) lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. VAMC đã nhiều lần nhắc nhở các công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ, song họ không đưa ra được phương án khả thi.

Tháng 8/2017, VAMC thu giữ dự án Saigon One Tower để thu hồi nợ. Đến tháng 4/2018, công ty này thông báo bán đấu giá khu cao ốc để xử lý khoản nợ xấu.

Ngày 2/7, phiên tòa bắt đầu tranh luận.

Xuân Duy