Câu chuyện tòa án:
Tạt axít - Tội ác vô nhân tính
(Dân trí) - Người phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt ngồi trên giường bệnh đau đớn nhìn khuôn mặt mình trong gương. Mái tóc ngắn ngủn cắt gần sát tới da đầu. Vầng trán sáng rộng, cặp chân mày, hàng lông mi, đôi môi mọng... tất cả đã biến dạng theo những dòng axít loang lổ. Chị là nạn nhân của một vụ tạt axít trả thù tàn bạo.
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan công tác tại TAND quận Đống Đa - Hà Nội đã 5 năm nay, xét xử hàng trăm vụ án mà chưa một lần phải hổ thẹn với lương tâm mình.
Ngày 25/7/2005, 48 ngày sau khi xét xử một vụ tranh chấp quyền thừa kế tài sản chị dâu kiện em chồng để đòi mảnh đất và ngôi nhà hương hoả tại số 15/35, ngõ Thổ Quan sau khi người chồng qua đời, bà Loan bị trả thù rất dã man. Nguyễn Tiến Dũng, con trai người đi kiện thua cuộc, cay cú thực hiện hành vi trả thù. Dũng đã thuê Phạm Ngọc Hải, 33 tuổi quê Tuyên Quang bí mật theo dõi quy luật đi lại của bà Loan để “hành động” bằng một lọ axít Sunphuric đậm đặc hắt vào mặt vị nữ thẩm phán. Gây tội thì không thể lẩn tránh tội mãi, sáng ngày 13/8, Hải đã ra đầu thú.
Một tháng 20 ngày, thời gian không đủ để chữa lành vết thương qua 4-5 lần mổ, càng không đủ làm tĩnh tâm người phụ nữ trẻ cùng cả gia đình chị. Tính mạng không nguy hại nhưng cuộc sống đã “chết một nửa” trong đôi mắt vô thần đầy hoảng loạn, chỉ chực trào lệ khi phải đối mặt với hoàn cảnh thực tại của mình. Đau thắt ruột trước nỗi xót xa của chồng, trước cái nhìn ngỡ ngàng, sợ sệt của hai đứa con thơ, trước cả sự chăm sóc tận tuỵ của người thân. Những vết mổ rồi sẽ khép miệng, những mảnh ghép vá trên mặt, trên ngực rồi cũng sẽ liền da. Nhưng mãi mãi, nỗi ám ảnh trong tâm trí không thể xoá nhoà nổi. Một bức chắn nham nhở, khủng khiếp ngăn cách khiến nạn nhân của những vụ tạt axít trả thù, đe doạ không còn muốn tiếp xúc với xã hội nữa.
Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Gia - Phó Giám đốc chính trị Viện bỏng quốc gia ngậm ngùi: “Nạn nhân bị tạt axít chưa có trường hợp nào tử vong vì thường chỉ tổn thương bên ngoài. Bỏng axít điều trị không phải lâu nhưng để lại di chứng nặng nề: sẹo lồi, co kéo, tạo hình thẩm mỹ lại rất khó. Nhưng vấn đề nặng nề nhất lại là tâm lý”.
Tạt axít - một tội ác vô nhân tính. Trong 2 năm 2003-2004, Viện bỏng quốc gia tiếp nhận 4174 ca bệnh thì đã có 126 nạn nhân của tội phạm tạt axít trả thù. 6 tháng đầu năm 2005 cũng có 23/1134 bệnh nhân bỏng axít do hành vi phạm tội của những kẻ bất nhân.
Tại TAND TP.Hà Nội, hồ sơ những vụ án tạt axít trả thù, đe doạ, khủng bố, ghen tuông mỗi ngày một dày hơn. Mới đây nhất, 3 phụ nữ tại Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì đã bị tạt axít thảm khốc chỉ vì động cơ trả thù vặt của những kẻ đớn hèn. Hai gia đình hàng xóm xích mích, mâu thuẫn trong sinh hoạt chỉ vì chuyện cãi vã, lườm nguýt nhỏ nhặt với cô nhân viên phục vụ tại quán “càphê xóm” do một gia đình làm chủ. Vậy mà “ông chủ” con nóng mắt, nổi máu côn đồ mua 0,5 lít axít đậm đặc rồi nhờ hai ông bạn vàng “khử” người hàng xóm xấu số.
Nhưng “đối tượng” cần trả thù lại “lĩnh” hậu quả nhẹ nhàng nhất: hỏng một mắt, bị bỏng nửa mặt bên trái, miệng co méo, bỏng nặng tay phải và vùng quanh cổ, vì hai cô bạn thân đi cùng gánh hộ. Một người thương tật vĩnh viễn 56%, một người 77%, một người 90%. Tất cả chỉ để thoả mãn cho một lòng hận thù mù quáng, điên dại.
Những kẻ phạm tội biết rõ nạn nhân sẽ không chết nhưng cũng phải sống khổ sở suốt phần đời còn lại. Thế mà tạt axít vẫn thuộc khung luật định cho tội cố ý gây thương tích, thông thường mức án chỉ 5-7 năm tù. Luật cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và với lòng người.
Phương Thảo