TPHCM:
Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Nên cân nhắc án tử hình
(Dân trí) - Các chuyên gia pháp lý quốc tế cho biết, điều 6 của Công ước quốc tế có một quy tắc nói rằng tất cả mọi người đều có quyền được sống; điển hình là các nước Bắc Âu đã áp dụng rất thông dụng về việc bãi bỏ hình phạt tử hình.
Ngày 25/9, trường Đại học Luật TPHCM đã khai mạc Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự theo Hiến pháp 2013 và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia luật, các thẩm phán và luật sư đến từ nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam và các nước Mỹ, Úc, Canada, Thụy Điển.
GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM cho biết, hiện nay việc sửa đổi Bộ luật Hình sự rất quan tâm đến trách nhiệm của pháp nhân. Về vấn đề này, cả trung ương và các địa phương đã có một thời gian dài bàn bạc, góp ý và bây giờ tiếp tục được thảo luận sâu để có những sửa đổi phù hợp. Trong đó, trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên cũng đang đặt ra do các vụ việc phạm tội của nhóm đối tượng này đang ngày càng gia tăng, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.
Vấn nạn “trẻ hóa” tội phạm gây nhức nhối cho xã hội, thế nhưng bản thân dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi của nước ta hiện nay cũng phải đi theo xu hướng bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Vì thế, vẫn nên cân nhắc việc can thiệp các biện pháp hình sự mà thay vào đó là các biện pháp giáo dục, cải tạo đối với nhóm tội phạm chưa thành niên.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, GS Per Ole Traskman, Khoa Luật (ĐH Lund Thụy Điển) cho biết, điều 6 của Công ước quốc tế có một quy tắc nói rằng tất cả mọi người đều có quyền được sống và điển hình là các nước Bắc Âu đã áp dụng rất thông dụng về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, trong đó Phần Lan là nước sau cùng loại bỏ.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM đánh giá cao việc thực hiện các cam kết của công ước quốc tế trong việc bỏ hình phạt tử hình ở các nước Bắc Âu trong vòng 200 năm qua. Luật sư Hòa cũng bày tỏ quan tâm đến các biện pháp đặc biệt để xử lý đối tượng vị thành niên phạm tội khi bỏ đi hình phạt tử hình ở các nước này và cho rằng đây chính là mấu chốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.
Công Quang