1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM:

Stress và những vụ trọng án từ va quệt giao thông

(Dân trí) - Những vụ va chạm giao thông nhỏ vặt trên phố tưởng chừng vô hại lại là nguồn cơn của những vụ xô xát đẫm máu, đánh đổi bằng tính mạng con người. Theo chuyên gia tâm lí, hiện tượng này có xuất phát từ tâm lí căng thẳng trong cuộc sống hiện nay.

Stress và những vụ trọng án từ va quệt giao thông
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ án xuất phát từ mâu thuẫn do va quệt giao thông tại quận 10

Tối ngày 7/8, anh Lê Mạnh Đạt (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Ngô Quyền để về nhà. Khi tới giao lộ Ngô Quyền – Ba Tháng Hai (quận 10) thì xảy ra va chạm với xe máy do một thanh niên điều khiển. Sự cố xảy ra khiến những “cái đầu nóng” không giữ được bình tĩnh đã to tiếng cãi vã.

Khi thấy người thanh niên lấy xe bỏ đi nhưng không xin lỗi, anh Đạt liền đuổi theo. Đến hẻm 272 đường Nguyễn Tiểu La (quận 10, cách hiện trường va chạm khoảng 500m) anh Đạt và người thanh niên “giáp lá cà”, lao vào đánh nhau khiến nhiều người đi đường hốt hoảng, không dám can ngăn.

Trong lúc vật lộn, người thanh niên rút dao trong người đâm vào ngực khiến anh Đạt gục tại chỗ. Dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng anh đã tử vong sau đó. Riêng nghi phạm của vụ án đã nhanh chân bỏ trốn khỏi hiện trường, cơ quan công an cũng có mặt khám nghiệm hiện trường, truy bắt hung thủ.

Hay vụ việc xảy ra vào tối 7/8, tại trước số nhà 350/54/20 đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, do mâu thuẫn phát sinh khi va chạm giao thông, Nguyễn Tấn Pho (29 tuổi, quê Quảng Nam) bị đối tượng Trần Ngọc Sang (27 tuổi, ở quận Gò Vấp) dùng dao chém gây thương tích, rồi bỏ trốn. Công an quận Gò Vấp đang truy bắt Sang, lập hồ sơ xử lý.

Trước đó, chiều ngày 2/8 Nguyễn Văn Tâm (21 tuổi, quê Bình Thuận) điều khiển xe máy chở Lê Minh Pháp và một người tên Nam (cùng quê Bình Thuận) chở ba chạy trên đường Thành Thái (quận 10). Khi đến trước số nhà 7A/54 Thành Thái thì xảy ra va quẹt với xe máy của Thông. Lúc này, Tâm nhảy xuống đường, cầm theo gạch, đá chọi vào người Thông. Thông bỏ chạy, trước sự truy đuổi của Tâm và hai người bạn.

Bị đuổi đến đường cùng, Thông chạy vào tiệm dán decal lấy kéo chống trả, trong lúc vung kéo, Thông đã đâm một nhát vào cổ của Tâm khiến nạn nhân gục tại chỗ. Pháp và Nam cũng xông vào đánh Thông thì bị Thông đâm mỗi người 1 nhát. Mặc dù bị thương nhưng Nam và Pháp đã cố gắng đưa Tâm vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu nhưng Tâm đã tử vong.

Giữa năm 2012, một vụ án mạng nghiêm trọng xuất phát từ mâu thuẫn do va quệt giao thông đã xảy ra trước bưu điện Chợ Lớn (quận 5). Cụ thể, Lê Ngọc Đạt (25 tuổi, ngụ quận 8) chạy xe máy chở Trần Hoài Bảo (26 tuổi) thì xảy ra thì va vào xe máy của anh Dương Huy Tài (22 tuổi, ngụ quận 11) điều khiển chở theo người bạn. Thay vì cả hai xuống xe xin lỗi và cùng nhau bỏ qua sự việc thì những người trong cuộc lại lao vào cự cãi, đánh nhau.

Đạt và Bảo rượt đánh anh Tài và người bạn đi cùng. Khi anh Tài cùng bạn bỏ chạy thì bị Đạt và Bảo rồ ga truy đuổi đánh đến ngất xỉu. Hậu quả anh Tài tử vong. Những đối tượng liên quan đến vụ án cũng bị cơ quan điều tra truy bắt về quy án.

Theo đánh giá của công an TPHCM thì tội phạm từ các vụ va chạm giao thông hoặc các mâu thuẫn trên đường phố đang có chiều hướng gia tăng. Dù nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng là rất nhỏ. Chỉ một phút thiếu kìm chế mà gây ra hậu quả khôn lường. Để tránh xảy ra những vụ án mạng nghiêm trọng như trên, công an thành phố khuyến cáo mọi người khi tham gia giao thông nên xem lại cách hành xử của của mình, nâng cao “văn hóa giao thông” mỗi khi ra đường; nhất là trong trường hợp đã sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.

Stress và những vụ trọng án từ va quệt giao thông
Nhiều vụ trọng án xuất phát từ va chạm giao thông khi cả nạn nhân và hung thủ đã có "ma men" trong người

PGS. TS tâm lí Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lí học (Đại học Sư phạm TP HCM), đồng thời là Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đánh giá: “Những vụ án mạng xuất phát từ những va chạm giao thông nhỏ trên để lại những hậu quả xã hội rất đau lòng. Nạn nhân trong các vụ án mạng có thể họ là lao động chính, là trụ cột trong gia đình. Khi gia đình mất đi người thân không chỉ là nỗi đau đớn về tinh thần mà còn mất chỗ dựa về kinh tế, xã hội mất đi một lao động”.

PGS.TS Sơn nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng trên. Con người ngày nay chịu sức ép rất lớn về thời gian, căng thẳng thậm chí là rất stress trong cuộc sống. Khi ra đường họ muốn đi một cách nhanh nhất để giải quyết công việc, khi va chạm giao thông do bị căng thẳng áp lực sau 1 ngày làm việc mệt nhọc họ không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình. Họ sẵn sàng “bùng nổ” sẵn sàng gây hấn, mắng chửi người va quẹt vào mình, rất dễ mất bình tĩnh.

Nếu con người hiểu biết pháp luật, trưởng thành và mạnh mẽ trong suy nghĩ, sống có mục đích, họ sẽ rất trân trọng cuộc sống của mình và người khác, với những chuyện nhỏ như va chạm trên đường, họ có thể giải quyết một cách êm đẹp” – Chuyên gia tâm li Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Trung Kiên – Sỹ Phương