1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

“Sống khác” từ ngã rẽ cuộc đời

(Dân trí) - Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp nhưng khi chưa đạt được nguyện vọng Sùng đã vướng vào vòng lao lý. Tình yêu là nghị lực đã giúp anh làm lại cuộc đời sau khi mãn hạn tù và vượt lên “sống khác” từ chính ngã rẽ đầy ngang trái của đời mình.

Dù đã điện thoại từ trước nhưng khi đến công ty, chúng tôi vẫn phải chờ mới gặp được anh Sùng. Dáng người anh cao gầy, những bước chân nhanh nhẹn và hoạt bát. Gặp khách, Sùng vội đưa tay ra bắt, vừa cười vừa nói: “Cuối năm bận quá mong anh thông cảm, còn gần mười công trình khách đang dục phải xong trước Tết. Hết loay hoay ở công trình rồi phải đi giao dịch, lấy nợ… một mình không sao xoay xở kịp”.

Anh Trần Văn Sùng cùng tấm bằng khen do Bộ trưởng Bộ Công an ký tặng.
Anh Trần Văn Sùng cùng tấm bằng khen do Bộ trưởng Bộ Công an ký tặng.

Nói một hồi rồi Sùng mới pha ấm trà mời khách, trà chưa kịp ngấm Sùng lại bảo tiếp: “Giá mà để ra Tết thì anh em mình ngồi với nhau được nhiều hơn. Giờ ngồi được thời gian ngắn có nhiều điều muốn nói lắm sợ không hết”.

Miệng nói, tay rót trà mời khách xong, Sùng khoe: “Mình mới được Bộ Công an tặng bằng khen, mấy năm nay cũng được nhận nhiều bằng khen nhưng cái này chắc là to và vinh dự nhất (cười). Bản thân mình và mọi người trong gia đình ai cũng vui mừng. Không ngờ có ngày kẻ từng bị phạt tù như mình lại được khen thưởng, cuộc đời không gì là không thể không làm được!”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chàng thanh niên chân chất Trần Văn Sùng, quê ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) được bắt đầu từ ngã rẽ lớn nhất của cuộc đời anh. Không ai nghĩ, chàng trai trẻ là chủ một doanh nghiệp lớn này cách đây chưa đầy bốn năm trước là một tù nhân. Cái bước ngoặt lớn của cuộc đời đó đã biến Sùng từ một sinh viên đại học trở thành phạm nhân lĩnh án buôn tiền giả 7 năm tù.

Sau khi thụ án xong, anh Sùng khởi nghiệp bằng nghề khắc tranh và điêu khắc đá.
Sau khi thụ án xong, anh Sùng khởi nghiệp bằng nghề khắc tranh và điêu khắc đá.

Anh vốn sinh ra trong gia đình thuần nông có bốn anh em, là con đầu nên những gánh nặng trong gia đình anh sớm phải san sẻ với bố mẹ. Sùng cũng luôn là một tấm gương sáng cho các em noi theo. Chính vì thế, sau khi học xong cấp 3, vượt qua khó khăn Sùng đã thi đậu vào trường đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) với số điểm 24,5. Ước ước lớn nhất của Sùng lúc đó là trở thành một kỹ sư nông nghiệp về quê giúp đỡ mọi người.

Gần bốn năm ăn học cũng là từng ấy thời gian bố mẹ ở quê phải tần tảo chu cấp cho anh. Không phụ công bố mẹ, Sùng đã cố gắng vươn lên học tập và bươn chải cuộc sống kiếm thêm tiền ăn học. Khi chỉ còn bốn tháng là tốt nghiệp đại học, nhưng tất cả đã không như anh và mọi người mong muốn.

Một lần lầm lỡ tin theo bạn, Sùng đã tham gia vào đường dây buôn tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. “Mình cũng không biết lúc đó “ma xui quỷ dẫn đường” thế nào mà lại lầm đường lạc lối đi làm như vậy. Tới khi bị bắt mới thấy sao mình lại ngu xuẩn đến thế, mình không còn phải là mình nữa nhưng hối hận thì đã muộn rồi”, anh Sùng nhớ lại.

Anh đã làm lại cuộc đời bằng tất cả nghị lực sống của mình.
Anh đã làm lại cuộc đời bằng tất cả nghị lực sống của mình.

Tòa tuyên án phạt Trần Văn Sùng 7 năm tù với tội danh buôn tiền giả. Đứng trước vành móng ngựa lúc đó mọi thứ xung quanh Sùng như tối sầm lại. “Bảy năm đền tội, nghe xong mình chỉ muốn chết luôn. Không biết những ngày tháng tiếp theo rồi sẽ ra sao đây? Bố mẹ và các em mình khi đó đứng phía dưới ai cũng chỉ biết khóc, không nói với nhau được điều gì. Ngày tháng sau đó mình phải đền tội trong trại giam”, anh Sùng kể.

Quãng thời gian đầu trong trại giam, Sùng không chịu ăn uống, nỗi nhớ nhà, bố mẹ và các em khiến chàng trai trẻ suy sụp hoàn toàn, thân hình gầy gò ốm yếu đi trông thấy. Cứ nghĩ cuộc đời Sùng từ đó sẽ phải chôn chân trong trại bảy năm sau mới được thấy ánh sáng bên ngoài.

Con trai lầm lỡ là vậy nhưng bố mẹ Sùng không bỏ rơi mà lại càng thương con nhiều hơn. Mỗi khi có thời gian, bố mẹ Sùng lại lặn lội từ quê đến trại giam thăm con. Nhờ những lời động viên, chia sẻ mà Sùng đã gắng cải tạo tốt được hưởng khoan hồng. Chỉ sau bốn năm thụ án, Sùng đã được đặc xá, trở về với gia đình.

“Khi mới được ra trại, cuộc đời tôi như được tái sinh lần nữa. Hạnh phúc lắm, được tự do mà, ai từng trong trại ra, hưởng cái cảm giác đó thì mới biết được nó vui đến nhường nào. Nhưng rồi suy nghĩ không biết bắt đầu lại cuộc đời từ đâu đây? Giờ mình đâu phải là Sùng của bốn năm về trước, Sùng bây giờ mang trên mình thêm hai chữ “đi tù” về”, Sùng nhớ lại ngày được tự do.

 Anh Sùng cho biết, để thành công lúc nào cũng phải luôn nỗ lực hết mình trong công việc.
 Anh Sùng cho biết, để thành công lúc nào cũng phải luôn nỗ lực hết mình trong công việc.

Thời gian sau đó, sợ ở quê dị nghị, Sùng đã bôn ba vào miền Nam kiếm sống. Được thời gian ngắn, thấy không đâu bằng quê mình, anh đã quyết định về quê lập nghiệp. Học được nghề khắc, ốp lát đá trong trại giam, nắm được nhu cầu ở quê, Sùng đã mạnh dạn vay mượn tiền mở cơ sở để kinh doanh mặt hàng này.

Ban đầu chỉ với 10 triệu đồng được Công an huyện Nga Sơn bảo lãnh cho vay từ “quỹ an ninh doanh nghiệp”, Sùng đã mua thêm đá mở rộng cơ sở làm ăn. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã trả hết nợ, thành lập công ty TNHH xây dựng Tuấn Thành.

Về huyện Nga Sơn bây giờ hỏi thăm “Sùng đá” ai cũng biết, nhiều công trình xây dựng từ nhà dân cho đến công sở trên địa bàn đều có dấu ấn của Sùng. Chàng trai con nhà nghèo, đi tù về giờ không chỉ giúp gia đình thoát được nghèo, có công việc làm ổn định mà anh còn là người làm giàu cho quê hương.

Có được điều đó chính là sự tin cậy mọi người dành cho Sùng. Từ đôi bàn tay trắng, giờ Sùng đã có tiền mua được đất chuẩn bị xây nhà mới, có xe ô tô, cơ sở mặt bằng rộng lớn để mở xưởng sản xuất với nguồn vốn lưu động của công ty là gần 10 tỷ đồng…

Công ty của Sùng giờ còn là nơi “làm lại cuộc đời” cho nhiều phạm nhân lầm đường, lạc lối trở về. Hiện công ty của anh đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên có thu nhập cao và ổn định, trong đó có 5 thanh niên cũng từng “dính án” như Sùng.

Anh Lê Văn Phong tâm sự: “Anh Sùng không chỉ là ông chủ dạy nghề cho chúng em mà còn giống như một người trai trong gia đình. Ngoài tạo công ăn việc làm có thu nhập anh ấy còn luôn quan tâm động viên khích lệ để chúng em làm lại cuộc đời. Em thấy cuộc đời càng ý nghĩa hơn, hối hận vì một lầm lầm lỡ và không bao giờ sa ngã nữa”.

Nói về chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề là vậy nhưng khi hỏi về gia đình, Sùng chỉ cười trừ rồi nói: “Hạnh phúc đơn sơ nhỏ bé thôi. Cái này công lớn dành cho bà xã mình, để cô ấy nói”.

Anh Sùng hướng dẫn nghề cho một trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Sùng hướng dẫn nghề cho một trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.

Sùng nói vậy, chứ chuyện tình của anh với cô cử nhân trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) Trương Thị Tuyết không ai là không biết. Họ đến với nhau bằng tình cảm chân thành, chị Tuyết đã bỏ qua mọi mặc cảm, tự ti để yêu chàng trai từng vướng vào vòng lao lý như Sùng. Dấu ấn thành công ngày hôm nay của Sùng ai cũng hiểu rằng công lớn phải dành cho chị Tuyết.

Nhờ có tình yêu đẹp, chung thủy, sắc son của chị mà Sùng đã vươn lên làm lại cuộc đời. Tuyết đối với Sùng giống như “sứ thần hồi sinh” của cuộc đời vậy. Tình yêu của họ đã nở hoa khi hai năm về trước một cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Ai cũng hiểu rằng, hạnh phúc của chàng thanh niên “Sùng lầm lỡ” và cô cử nhân “Tuyết gan dạ” giờ cũng đang là niềm vui cho nhiều gia đình có con từng lầm lỡ trở về…

Thái Bá