Số phận pháp lý các cựu cán bộ ngân hàng bị treo gần 10 năm
(Dân trí) - Nguyên lãnh đạo Ngân hàng liên doanh Việt Nga và cấp dưới bị cáo buộc gây thiệt hại 120 tỉ đồng, đáng chú ý án kéo dài 10 năm, với 7 lần trả hồ sơ nhưng vẫn chưa thể khép lại.
Ngày 28/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hoàng (sinh năm 1961, nguyên phó giám đốc ngân hàng liên doanh Việt Nga – chi nhánh TPHCM) cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, trong quá trình giải ngân các khoản vay ngắn hạn cho công ty Minh Chí và công ty An Phúc trong năm 2009, Trần Hoàng và cán bộ nghiệp vụ dưới cấp đã vi phạm các quy định của Nhà nước và của ngân hàng về đảm bảo tiền vay. Hành vi của Hoàng cùng phạm gây thiệt hại số tiền 120 tỉ đồng.
Trong đó, Trần Đình Diệu (nguyên cán bộ phòng quan hệ khách hàng) thực hiện hành vi đề xuất, Trần Hoàng thực hiện hành vi phê duyệt, quyết định giải ngân toàn bộ khoản vay của công ty Minh Chí gây thiệt hại cho ngân hàng.
Lê Vũ Trường Sanh (sinh năm 1973, nguyên phó trưởng phòng quan hệ khách hàng) đồng ý đề xuất, giải ngân 9 khoản vay của công ty Minh Trí gây thiệt hại 31,6 tỉ đồng.
Phạm Bá Chánh (sinh năm 1974, nguyên phó trưởng phòng quan hệ khách hàng) đồng ý đề xuất giải ngân 1 khoản vay của công ty An Phúc nhưng không có tài sản đảm bảo gây thiệt hại số tiền 22 tỉ đồng.
Lê Nông (sinh năm 1969, nguyên giám đốc) là giám đốc chi nhánh nhưng không chỉ đạo, yêu cầu thực hiện biện pháp về đảm bảo tiền vay theo các quy định của Nhà nước, của ngân hàng Nhà nước và yêu cầu của ngân hàng liên doanh Việt Nga không có biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động của cấp dưới dẫn đến việc các bị can giải ngân cho vay không có tài sản đảm bảo gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 120 tỉ đồng. Hành vi của Lê Nông đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, các bị cáo Diệu, Sanh, Chánh còn có hành vi đề xuất, Hoàng có hành vi phê duyệt cho công ty Minh Chí và công ty An Phúc các khoản vay hỗ trợ lãi suất không đúng quy định gây thiệt hại số tiền 4,7 tỉ đồng. Tuy nhiên do chuyển biến tình hình nên các bị cáo không phải chịu trách nhiệm về số tiền trên.
Đối với Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan là người quản lý, điều hành công ty Minh Chí và công ty An Phúc, trực tiếp thực hiện vay vốn không có đủ tỉ lệ tài sản đảm bảo và sử dụng toàn bộ nguồn tiền vay của 2 công ty nhưng đã bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay và tiền hỗ trợ lãi suất của ngân hàng liên doanh Việt Nga chi nhánh TPHCM. Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản nhưng trong quá trình điều tra vụ án chưa bắt được bị can nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ đối với Hậu và Loan, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Vụ án được khởi tố năm 2010, TAND TPHCM khi thụ lý giải quyết đã 3 lần đổi thẩm phán, 7 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, song vẫn chưa thể đưa ra phán quyết. Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo và luật sư nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan tố tụng, cho rằng bị truy tố oan sai. Ngoài ra, họ cũng chỉ ra nhiều căn cứ cho thấy cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khiến vụ án đi vào bế tắc.
Năm 2016, Bộ Công an và Viện KSND Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và 5 bị can. Đầu năm 2018, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra.
Tại phiên tòa hôm nay, luật sư Võ Xuân Trung bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Trường Sanh, Phạm Bá Chánh có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do đang bận đi công tác nước ngoài. Một số luật sư có đơn xin vắng mặt hoặc vắng mặt trong phần thủ tục. Một số luật sư có đơn yêu cầu HĐXX tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, các lý do luật sư đưa ra trong đơn yêu cầu điều tra bổ sung đã được làm rõ trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo bị truy tố với khung hình phạt buộc phải có luật sư bào chữa, vì vậy, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.
Xuân Duy