1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sinh viên biến chất và những thủ đoạn phạm tội

Không chỉ dừng lại ở một số loại hành vi giản đơn, bột phát, tội phạm trong giới sinh viên đang ngày một nhức nhối và nghiêm trọng hơn.

Thực trạng gây nhức nhối

  

Chập tối một ngày tháng 1/2010, Nguyễn Đình Đạo (SN 1991, trú tại xã Lam Cốt, Tân Yên, Bắc Giang) giấu dao nhọn vào cặp, rồi ra vườn hoa Tăng Bạt Hổ đón xe taxi BKS: 30V-4620 để về nhà trọ ở quận Long Biên - Hà Nội. Đến cầu Chui, phường Đức Giang, đối tượng yêu cầu lái xe chở đến ngõ 53 phố Ngô Gia Tự. Ngồi ở ghế sau, đối tượng bất ngờ túm tóc lái xe và kề dao vào cổ nạn nhân bắt giao nộp tiền, tài sản. Quá hoảng sợ trước hành vi manh động, lái xe đã buộc phải móc ví, đưa ĐTDĐ và tháo cả chiếc nhẫn vàng đeo tay đưa cho tên cướp.

 

Ngoài vụ uy hiếp cướp tài sản này, Đạo còn nhiều lần thực hiện hành vi tương tự đối với một số lái xe taxi khác. Ngày 10/5 vừa qua, tại trụ sở TAND quận Long Biên, Nguyễn Đình Đạo đã phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình bằng một bản án nghiêm minh. Điều đáng nói là vào thời điểm phạm tội, Đạo đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng đóng trên địa bàn Hà Nội.

 

Cũng với mục đích có thật nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Thu Hương (SN 1987, trú ở khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, quận Hai Bà Trưng) - sinh viên một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội đã nghĩ ra cách “kiếm tiền” vô cùng “độc đáo” bằng thủ đoạn “bẫy tình”. Nạn nhân dưới tay nữ sinh viên này chính là một thầy giáo của trường, nơi đối tượng theo học. Từ tháng 1 đến 9/2010, Hương đã 6 lần “moi” tiền, tài sản của “người yêu” với tổng số hơn 661 triệu đồng. Với hành vi lừa đảo, Nguyễn Thu Hương đã phải nhận 9 năm tù giam.

 

Theo một thẩm phán TAND TP Hà Nội, từ những vụ án mà bị cáo là sinh viên được đưa ra xét xử gần đây cho thấy, hiện tượng tội phạm trong giới sinh viên hiện nay không chỉ dừng lại ở một số hành vi như: cướp, cướp giật tài sản, cờ bạc mà còn có cả những tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là giết người và tham gia vào những đường dây ma túy lớn. Đối tượng phạm tội cũng vô cùng phong phú đa dạng. Từ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến những sinh viên con nhà giàu có, khá giả. Tuy nhiên, điểm chung của hầu hết các đối tượng phạm tội là sinh viên đều mang trong mình lối sống buông thả, suy đồi và ảo tưởng.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Lý giải về động cơ phạm tội của một số sinh viên hiện nay, luật sư Vũ Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Hà Phát (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng có rất nhiều nguyên nhân đưa đẩy họ vào con đường phạm pháp. Đó có thể là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình không chu cấp đủ cho việc ăn học. Do đó, một số sinh viên đã phải tự bươn chải kiếm sống nên bị kẻ xấu lợi dụng, rồi sa vào con đường phạm tội từ lúc nào không hay. Có người thì lại được bố mẹ chu cấp quá nhiều tiền, ngoài việc học tập, họ luôn lấy thú ăn chơi xa xỉ để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Bước qua ranh giới đạo đức và lối sống, tội phạm bắt đầu và trượt dài trong tội lỗi.

 

Cá biệt có những sinh viên phạm tội đơn giản chỉ là thích thể hiện và chứng minh “khả năng” của mình.

 

Mới đây, Cục Cảnh sát PCTP về ma túy (Bộ Công an) cũng vừa bước đầu bóc gỡ một đường dây vận chuyển ma túy trái phép xuyên quốc gia qua đường hàng không. 2 trong số các đối tượng của vụ án chính là những sinh viên từng có thời gian học hành đỗ đạt. Đó là Trần Hạ Duy (SN 1989) và Trần Hạ Tiên (SN 1987), đều cùng là sinh viên của một trường đại học ở TPHCM. Do quen biết với một đối tượng gốc Phi tên Francis, đầu tháng 8/2010, Duy được người đàn ông này lôi kéo vào công việc vận chuyển hàng mẫu quần áo qua lại giữa nhiều quốc gia với tiền công hậu hĩnh.

 

Thế nhưng bản chất những chuyến hàng Duy vận chuyển lại chính là heroin được cất giấu tinh vi trong vali. Khi phát hiện ra mình đã sa vào đường dây buôn bán ma túy lớn, không những không quyết tâm dứt ra mà Duy còn “giới thiệu” cả người chị gái cùng phạm tội.

 

Cũng theo luật sư Vũ Hồng Thanh, trong các trường sinh viên sa ngã, biến chất, đáng buồn và đáng lo ngại nhất chính là những đối tượng ảo tưởng, thích thể hiện khả năng của mình. Bởi trong nhận thức của họ đã sớm hình thành tâm lý kiếm tiền bằng mọi giá. Cùng với kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập khiến họ trở nên vô cùng tinh vi, nguy hiểm cho xã hội và chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá… Ở góc độ xã hội, Thạc sỹ Lương Thị Hiền (Viện Xã hội học Việt Nam) nhìn nhận, hiện tượng sinh viên “đua nhau” vi phạm pháp luật hiện nay thật đáng báo động. Cũng có thể thấy rằng công tác giáo dục về đạo đức, lối sống và lý tưởng cho tầng lớp sinh viên hiện không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

 

Theo Minh Long

An ninh Thủ đô