'Siêu lừa xuyên quốc gia' Nguyễn Văn Am
Nguyễn Văn Am đã tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, không chỉ qua mặt được các địa phương, doanh nghiệp khát vốn cần tài trợ, mà ngay cả một số cơ quan chức năng cũng tin “siêu lừa” này đang nắm giữ nguồn vốn phi chính phủ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Vỏ bọc hoàn hảo
Thông tin Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Quảng Bình bắt giữ Nguyễn Văn Am và đồng bọn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến không ít địa phương, doanh nghiệp giật mình, xấu hổ. Trước khi bị bắt, với chức danh tự phong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cu Ba, trực thuộc Bộ Xây dựng, nắm giữ nguồn vốn phi chính phủ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Am được họ đón tiếp như một “Mạnh Thường Quân”, có khả năng giúp nhiều địa phương, doanh nghiệp thoát khỏi cơn khát vốn.
Nguyễn Văn Am, quê ở Hưng Yên, vốn là nhân viên bảo vệ của một doanh nghiệp và mất việc làm khi doanh nghiệp này đóng cửa. Trải qua nhiều nghề, vốn tính hay chuyện, nắm bắt được tình trạng khát vốn của nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới, Am nghĩ đến chuyện lừa đảo chạy vốn. Để “danh chính ngôn thuận”, Am “đẻ” ra cái gọi là Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cu Ba (VIS), tự phong cho mình chức danh Chủ tịch HĐQT và một loạt chức danh chủ chốt khác cho đồng bọn như: Phạm Uông, Tổng thầu phụ trách phía Bắc; Kim Thị Minh Nhuận, kế toán kiêm thủ quỹ...
Am cùng đồng bọn về các địa phương gặp lãnh đạo xã, huyện, thậm chí tìm đến lãnh đạo tỉnh để thuyết trình về nguồn vốn phi chính phủ của mình. Theo đó, điều kiện, quy trình hỗ trợ vốn đơn giản, chỉ mất 5 triệu đồng tiền quảng bá trên truyền hình cho một dự án.
“Am đã rất xảo quyệt khi nắm bắt được tâm lí khát vốn của các địa phương, doanh nghiệp. Chỉ tốn 5 triệu đồng mà có được dự án vài tỷ đồng, thậm chí lên đến vài chục tỷ đồng nên mọi người chủ quan không tìm hiểu kỹ về nhà tài trợ vốn. Khi biết bị lừa thì xấu hổ, nghĩ mất có vài triệu nên không tố cáo, vì vậy, Am không bị bại lộ trong thời gian dài và chiếm đoạt hàng tỷ đồng ở nhiều địa phương”.
Đại tá Nguyễn Văn Vĩ, Trưởng phòng an ninh điều tra
(CA tỉnh Quảng Bình)
Đại tá Nguyễn Văn Vĩ, Trưởng phòng An ninh Điều tra (ANĐT), Công an Quảng Bình, người trực tiếp chỉ huy chuyên án cho biết: Sáng 31/7, lực lượng ANĐT, Công an Quảng Bình phối hợp với Cục ANĐT và Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) chia làm 3 mũi phá án. Theo đó, bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Nguyễn Văn Am (50 tuổi, tại 2 xã Đông Ninh và Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên); bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở và làm việc đối với Kim Thị Minh Nhuận (35 tuổi, tại quận Đống Đa, Hà Nội); khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Phạm Uông (63 tuổi, quê ở xã Nhật Tân, Gia Lộc, Hải Dương).
Đến thời điểm bị bắt, theo thống kê của cơ quan điều tra, có 341 xã, thuộc 130 huyện, của 32 tỉnh nộp hồ sơ cho Am để xin tài trợ vốn xây dựng nông thôn mới; 85 công ty, thuộc 17 tỉnh nộp hồ sơ năng lực xin được xây dựng các công trình liên quan đến nguồn vốn tài trợ của Am. Riêng tại Quảng Bình, có 11 đơn vị, trong đó 9 xã, 1 chùa, 1 bệnh viện nộp hồ sơ cho Am để xin tài trợ vốn.
Theo Đại tá Vĩ, tại nhà riêng của Am, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ nhiều vật chứng - chở gần 1 xe ô tô - mà Am dùng để lừa đảo như: Mũ kê pi cảnh sát, roi điện, thẻ phóng viên VTV, nhiều ảnh ghép với lãnh đạo cấp cao và hàng trăm bộ hồ sơ xin tài trợ vốn.
Không thể không bị lừa
Nhiều nạn nhân bị Am lừa cho rằng, ngoài vỏ bọc hoàn hảo, Am còn có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp lớn, và chính những người này như là chất xúc tác để họ tin tuyệt đối vào Am.
Ông Tô Xuân Phong (SN 1955), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Ninh Thái, có trụ sở ở thành phố Cà Mau cho biết: Năm 2011, ông ra Quảng Bình nhận thầu xây dựng bệnh viện Bình An, quy mô 500 giường bệnh, cũng từ nguồn vốn phi Chính phủ, do ông Hoàng Bình Luận (SN 1948) ở thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư. Ông đã bỏ ra mấy chục tỷ để làm lễ khởi công, san lấp mặt bằng, xây móng... chưa nhận được đồng nào thì tổ chức tài trợ vốn biến mất tăm, trong lúc ông Luận lại không có khả năng thanh toán.
Hết tiền, ông Phong về Bà Rịa - Vũng Tàu mở trang trại nuôi heo. Ông lên mạng lang thang tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng trang trại, và tìm thấy một Viện nghiên cứu ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội có khả năng tài trợ vốn. Tháng 3/2015, ông đến viện này gặp Phạm Uông và Kim Thị Ninh Nhuận, hai người này giới thiệu ông sang gặp Nguyễn Văn Am, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cu Ba, trực thuộc Bộ Xây dựng. Nếu xét đủ tiêu chuẩn thì trang trại của ông Phong được tài trợ 2,2 tỷ đồng.
Tháng 4/2015, ông Phong lại ra Hà Nội gặp Uông và Nhuận, hai người nói đi theo đoàn vào Thanh Hóa tham quan, nếu cần sẽ giao công trình cho ông Phong thi công. Đoàn được Chủ tịch huyện Hậu Lộc tiếp đón thịnh soạn. Tại cuộc rượu, Am tự giới thiệu mình là Chủ tịch Tập đoàn VIS, Vinh là Trưởng BQL Dự án, Uông là Tổng thầu phụ trách phía Bắc, Nhuận là kế toán... Tại đây, trước nhiều doanh nghiệp địa phương, Am nói về nguồn vốn tài trợ và yêu cầu ai muốn tham gia phải nộp 5 triệu đồng để truyền hình quảng bá về dự án.
Ông Phong tâm sự: “Tôi đã sa lầy một lần vì nguồn vốn phi chính phủ ở bệnh viện Bình An nên rất cẩn trọng. Tôi ra tận nhà của ông Am nhiều lần để thăm dò, thấy toàn ảnh ông Am chụp với lãnh đạo cấp cao treo đầy nhà. Có lần còn gặp cả một người nguyên lãnh đạo cao cấp của Quốc hội đến gặp Am xin nguồn vốn về xây chùa ở quê. Tại Thanh Hóa, tôi tìm hiểu, trước đó, Am đã bị bắt về tội lừa đảo nhưng lại được thả ra. Trước khi bị bắt, Am mới làm được 40 xã, nhưng sau khi được thả ra, ông ta làm đến hơn 300 xã mà không ai nói gì. Ngay cả lãnh đạo một phòng của Công an Thanh Hóa còn đến gặp Am xin cho bố vợ thi công các công trình do Am tài trợ. Tất cả những gì mắt thấy tai nghe đó, làm sao mà tôi không tin được”.
Hiện Am đã được di lý về Quảng Bình để phục vụ điều tra. Bước đầu Am khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình. Phòng ANĐT, Công an Quảng Bình đề nghị ai là nạn nhân bị Am lừa đảo thì liên hệ với đơn vị để được giải quyết.
Theo Hoàng Nam
Tiền phong