1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

"Siêu lừa" câu kết với 17 nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng

Hải Nam

(Dân trí) - Trong bản cáo trạng mới ban hành, VKS truy tố 26 bị can, trong đó có 17 người là cựu lãnh đạo và nhân viên các chi nhánh của 3 ngân hàng VAB, NCB và PVcomBank.

VKSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng bổ sung, truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi) và 25 bị can khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng".

Trong bản cáo trạng này, cơ quan tố tụng đã truy tố thêm Nguyễn Giang Hòa về tội "Cho vay lãi nặng", ngoài ra, Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Á - VAB) và Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) bị đổi tội danh truy tố từ "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" sang "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

TAND TP Hà Nội cũng đã thụ lý hồ sơ và lên kế hoạch xét xử vụ án.

"Siêu lừa" chiếm đoạt hơn 337 tỷ đồng

Theo cáo buộc của VKS, năm 2016, Thành đầu tư, kinh doanh nhưng không có vốn nên tiếp cận những người có tiền. Bị can này đưa ra 2 đề nghị là vay tiền với lãi suất cao hoặc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý.

Thời gian đầu, nữ bị can thực hiện đúng theo cam kết nên chiếm được lòng tin của cả cá nhân cho vay và ngân hàng. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không thuận lợi khiến Thành thua lỗ, trắng tay.

Siêu lừa câu kết với 17 nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 1

Phiên xét xử sơ thẩm của vụ án từng 2 lần phải hoãn vì HĐXX trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. (Ảnh: N.L.).

Năm 2018, bị can bàn bạc với đồng phạm, lên kế hoạch chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân, trong đó có VietABank (VAB). Theo đó, Thành dụ dỗ một số khách gửi tiền tại ngân hàng cho gửi đồng sở hữu. Sau đó, bị can dùng tư cách là cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng để vay tiền từ ngân hàng.

Trong kế hoạch của Thành có nhắm đến một số nhân viên của các ngân hàng để khiến hành vi chiếm đoạt tiền diễn ra thuận lợi.

Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018, Thành vay tiền của nhiều người, trong đó có Nguyễn Giang Hòa với 10 tỷ đồng. Sau đó, bị can câu kết với Quản Trọng Đức, Nguyễn Mai Phương và một số cán bộ ngân hàng VAB khác nhằm phát hành các hợp đồng tiền gửi trái quy định.

Ngoài ra, Thành còn đề nghị đại diện chi nhánh ngân hàng VietABank ký một số giấy tờ, giấy xác nhận tạm khóa tài khoản, rồi bị can giả mạo chữ ký các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Bằng các thủ đoạn trên, Thành chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của VAB và 63 tỷ đồng của 4 cá nhân.

Trong bản cáo trạng bổ sung, VKSND TP Hà Nội cáo buộc Quản Trọng Đức đã "tạo điều kiện" để nhóm của Thành trót lọt 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 245 tỷ của VAB. Đối với Mai Phương, cơ quan tố tụng cho rằng bị can này giúp sức cho Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên thuộc VietABank) thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ của ngân hàng.

Cụ thể, với vai trò là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng VAB, Đức có trách nhiệm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của phòng giao dịch, kiểm soát các hồ sơ tín dụng và hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, bị can này đã thông đồng với Hương để phát hành hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định. 

Trong cáo trạng, Đức và thuộc cấp đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành trong các bước: Gửi tiết kiệm, thẩm định hồ sơ, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay.

Giả mạo chữ ký để cầm cố sổ tiết kiệm

Ngoài VietABank, cơ quan chức năng cũng cáo buộc Thành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 2 ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).

Theo đó, năm 2014, Thành hợp tác làm ăn với Nguyễn Thanh Tùng, đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam. Ba năm sau, công ty này dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu và hồ sơ công ty. 

Lợi dụng pháp nhân của công ty này, Thành và Tùng vay tiền của NCB và PVcomBank. Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên PVcomBank) là 2 người trực tiếp làm việc với 2 bị cáo.

Để vay được tiền cần có tài sản đảm bảo, Thành đã đề nghị vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi tiết kiệm vào 2 ngân hàng trên rồi giao sổ tiết kiệm cho bị can giữ. Thành hứa mỗi tháng sẽ trả cho vợ chồng ông Toàn lãi suất 4,2 - 4,5%/tháng của số tiền gửi tiết kiệm.

Siêu lừa câu kết với 17 nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 2

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. (Ảnh: N.L.).

Khi có trong tay sổ tiết kiệm, Thành giả mạo chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ, thực hiện 5 vụ lừa đảo tại NCB và PVcomBank, chiếm đoạt gần 97 tỷ đồng. 

Trong bản cáo trạng mới của VKS TP Hà Nội, có 17/26 bị cáo là cựu lãnh đạo và nhân viên các chi nhánh của 3 ngân hàng nêu trên.