1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội:

Sắp xử phúc thẩm vụ gia đình cụ ông bị hàm oan đòi bồi thường 25 tỷ đồng

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Dự kiến 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xử vụ gia đình cụ ông Trần Trung Thám (mất năm 1982) kiện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đòi bồi thường 25 tỷ đồng vì cụ bị hàm oan tội "Giết người".

Trong vụ án dân sự này, nguyên đơn là bà Trần Thị Thắm (79 tuổi, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; vợ ông Trần Trung Thám); người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn Hưng (42 tuổi, người Vĩnh Phúc). Bị đơn trong vụ việc này là VKSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Sắp xử phúc thẩm vụ gia đình cụ ông bị hàm oan đòi bồi thường 25 tỷ đồng - 1

Vợ ông Trần Trung Thám ôm di ảnh của chồng ngồi cạnh ông Trần Ngọc Chinh (giữa) và ông Khổng Văn Đệ tại buổi cải chính công khai hồi tháng 10/2019 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trong đơn khởi kiện, gia đình ông Thám đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc buộc VKSND tỉnh bồi thường số tiền 25 tỷ đồng vì những tổn thất về thể xác, tinh thần mà gia đình phải gánh chịu khi bị hàm oan tội giết người. Ông Thám (đã mất năm 1982) là người mang án oan giết người vào năm 1980, đã được ngành tư pháp địa phương xin lỗi công khai tới đại diện gia đình vào hồi tháng 10/2019.

Kể lại nỗi oan khuất mà người chồng quá cố phải gánh chịu, theo bà Trần Thị Thắm, sau 82 ngày ông Thám bị bắt, gia đình bà nhận được hung tin ông chết trong trại giam.

Một thời gian sau, gia đình bà mới được báo tin rằng, ông Thám đã chết tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, nguyên nhân do bị kiết lỵ.

"Bao nhiêu năm nay, một mình tôi nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Tôi vẫn luôn đau đáu về cái chết không rõ nguyên nhân của chồng nhưng mấy chục năm nay, không có một ai đứng ra trả lời cho tôi về sự oan khuất, những đau đớn mà chồng tôi phải gánh chịu vì bị bắt nhầm" - bà Thắm trải lòng.

Trước những tổn thất to lớn về tinh thần, về nỗi oan khuất mà ông Thám phải gánh chịu, gia đình bà Thắm yêu cầu được bồi thường tổng số tiền là 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 4, sau khi xem xét các tình tiết và căn cứ liên quan, tòa án tuyên buộc VKSND Vĩnh Phúc phải bồi thường cho gia đình ông Trần Trung Thám tổng số tiền là hơn 1 tỷ 676 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với số tiền bồi thường mà gia đình ông đề nghị.

Cho rằng việc bồi thường cho gia đình không thỏa đáng, gia đình ông Thám tiếp tục có đơn kháng cáo vụ việc đến TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Dự kiến ngày 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa vụ việc dân sự này ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, trong đó thẩm phán Vũ Minh Tuấn là Chủ tọa.

Như đã đưa tin, hồi tháng 9/2019, tại trụ sở UBND xã Đồng Thịnh đã diễn ra buổi xin lỗi, cải chính công khai giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc đối với ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi); ông Trần Trung Thám (em ruột ông Chinh, đã mất năm 1982) và ông Khổng Văn Đệ (89 tuổi, cùng trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) bị truy tố oan tội giết người vào năm 1980.

Đến tháng 9/2020, trải qua nhiều lần thương lượng, gia đình ông Đệ đã chấp nhận khoản tiền bồi thường oan sai hơn 1,1 tỷ đồng từ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, ông Đệ có đơn yêu cầu bồi thường số tiền là hơn 5 tỷ 285 triệu đồng.

Riêng gia đình 2 cụ ông còn lại thì có đơn xin rút yêu cầu bồi thường gửi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc để khởi kiện ra TAND cùng cấp, yêu cầu tòa án buộc VKS phải bồi thường tổng số tiền gần 38 tỷ đồng (ông Chinh đòi bồi thường gần 12 tỷ 870 triệu đồng; gia đình ông Thám đòi bồi thường 25 tỷ đồng).

Số tiền này đều đã được gia đình ông Chinh và ông Thám đề nghị VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường. Tuy nhiên, sau nhiều buổi thương lượng, giữa các bên không đạt được thỏa thuận.

Mới đây, sau khi xem xét các tình tiết, tòa án đã tuyên buộc VKSND Vĩnh Phúc phải bồi thường cho ông Trần Ngọc Chinh hơn 1 tỷ đồng vì những tổn thất mà ông phải gánh chịu khi bị hàm oan tội giết người. Tuy nhiên, ông Chinh không chấp thuận với mức tiền bồi thường này và cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo vụ việc đến TAND Tối cao.