1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sắp xét xử phúc thẩm vụ AIC, luật sư bà Nhàn kháng cáo gì?

Hải Nam

(Dân trí) - Có 15 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, trong đó có đến 8 người được xác định đang bỏ trốn.

Dự kiến ngày 22/5, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, xem xét đơn kháng cáo của 15 bị cáo.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Mai Anh Tài. Các kiểm sát viên đại diện cho cơ quan tố tụng sẽ tham gia xét xử gồm ông Đào Trọng Thuyết và ông Phạm Văn Hòa.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) được luật sư bào chữa "kháng cáo thay" khi cho rằng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng chưa chứng minh được nữ bị cáo này có vai trò chủ mưu trong việc thông thầu. Bà Nhàn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt là 30 năm tù. Hiện Chủ tịch Công ty AIC đang bỏ trốn và bị truy nã.

Tương tự, 7 bị cáo khác được xác định đang bỏ trốn cũng được luật sư kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Một số luật sư đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại với lý do quá trình điều tra chưa chặt chẽ, không đầy đủ chứng cứ...

Sắp xét xử phúc thẩm vụ AIC, luật sư bà Nhàn kháng cáo gì? - 1

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: TTXVN).

Cấp dưới của bà Nhàn là bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) cũng nộp đơn kháng cáo, đề nghị được xem xét lại vai trò của mình trong vụ án. Bị cáo này cũng kháng cáo nội dung liên quan đến phần bồi thường dân sự. Trong bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên bà Nga 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà và Công ty AIC phải liên đới bồi thường cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai hơn 149 tỷ đồng. Trong đó, Công ty AIC phải bồi thường 15 tỷ đồng, bị cáo Nga và Hà mỗi người buộc bồi thường 15 tỷ đồng cho Bệnh viện Đồng Nai. Còn lại hơn 104 tỷ đồng, bà Nhàn phải có trách nhiệm bồi thường.

Các bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai) và Lê Chí Tuân (trưởng nhóm hồ sơ Ban quản lý dự án 1 Công ty AIC) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tuân cho rằng bản thân chỉ giữ vai trò "giản đơn, vụn vặt". Vì vậy, mức án 3 năm tù dành cho bị cáo là "quá nghiêm khắc".

Trước đó, ngày 4/1, trong phần tuyên án, TAND TP Hà Nội kết luận bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thực hiện chỉ đạo các lãnh đạo cùng nhân viên công ty thực hiện "Quy trình 70 bước thực hiện dự án". Trong đó, nhiều nội dung thể hiện hành vi thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu để giúp Công ty AIC trúng thầu, thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, bà Nhàn còn thành lập Ban nội bộ để chi tiền cho các lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư.

Cụ thể, AIC đã chi cho ông Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; ông Đinh Quốc Thái 11,5 tỷ đồng; bà Bồ Ngọc Thu 1 tỷ đồng; ông Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng để những người này giúp đỡ Công ty AIC xuyên suốt từ giai đoạn bố trí nguồn vốn mua sắm trang thiết bị y tế tại Dự án xây dựng Bệnh viện Đồng Nai đến việc được tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho dự án.

Bà Nhàn đã giới thiệu và tác động bị cáo Vũ và Hoàng Thị Thúy Nga với đơn vị tư vấn đấu thầu, đơn vị thẩm định giá... để cấu kết, thông đồng giúp AIC tham gia và trúng các gói thầu.

Ngoài ra, bà Nhàn còn thành lập và liên kết với các công ty "quân xanh"; chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để giúp AIC trúng thầu. Hành vi trên của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.