1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

“Bộ sậu” tham nhũng tại Vifon “đá” tội cho nhau trước tòa

(Dân trí) - Ngày 21/11, TAND TPHCM đã mở phiên xử sơ thẩm xét xử vụ tham nhũng xảy ra tại công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam). Đây là đại án thứ 2 trong 10 vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử.

Nguyễn Thanh Huyền, nguyên phó Tổng giám đốc Vifon bị truy tố các tội danh, “tham ô tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Bi, nguyên chủ tịch HĐQT Vifon, kiêm Tổng giám đốc Vifon  bị truy tố 2 tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo gồm: Đàm Tú Liên, nguyên Kế toán trưởng Vifon; Dương Thị Mẫn,  nguyên kế toán thanh toán Vifon và Ca Thị Thu Hồng, nguyên thủ quỹ Vifon cùng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo lần lượt đá trách nhiệm cho nhau trước vành móng ngựa
Các bị cáo lần lượt "đá" trách nhiệm cho nhau trước vành móng ngựa

Do tất cả các bị cáo được tại ngoại nên không bước ra từ xe đặc chủng của công an mà đi cùng với gia đình để vào phòng xét xử. Dù tại phiên tòa không có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính nhưng VKSND TPHCM giữ quyền công tố cho rằng, điều này không làm thay đổi bản chất của vụ án. Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương cho rằng, họ có mặt tại tòa với tư cách là đại diện cơ quan chủ quản nhà nước chứ không phải là đại diện nguyên đơn dân sự. Vị đại diện này thẳng thừng từ chối tư cách trên dù HĐXX thuyết phục.

Sự vắng mặt của đại diện Bộ Tài chính theo triệu tập của tòa án là điểm đáng chú ý. Tình tiết này, luật sự bào chữa quyền lợi cho các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét rõ vai trò của hai bộ trên vì đây là những đơn vị có quyền lợi liên quan. Các luật sự cũng cho rằng, Bộ Tài chính là đơn vị quản lý vốn của Vifon mà không có mặt nên đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này xem có thể tiếp tục phiên tòa hay không?.

Sau phiên thảo luận ngắn, HĐXX quyết định cho phiên tòa tiếp diễn. Còn vấn đề một trong hai Bộ Công thương và Tài chính, bên nào là nguyên đơn dân sự thì sẽ xác định trong quá trình xét xử. Còn Bộ Tài chính sẽ tiếp tục được triệu tập trong những ngày tiếp theo của phiên xử sơ thẩm.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Huyền trả lời quanh co, đổ thừa là một làm theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bi trong hành vi lập khống giấy tờ chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, Nguyễn Bi cho rằng, toàn bộ là do Huyền dựng chuyện để chiếm đoạt tiền công ty chứ bị cáo Bi không có nhận tiền từ Huyền.

Phó tướng Huyền đổ thừa trách nhiệm cho sếp Nguyễn Bi
"Phó tướng" Huyền đổ thừa trách nhiệm cho "sếp" Nguyễn Bi

HĐXX hỏi bị cáo Huyền về hành vi lập thủ tục kế toán rút số tiền 1,2 tỷ đồng (tương đương 80.000 USD), bị cáo Huyền trả lời rằng: “Anh Bi chỉ đạo và anh Bi không bao giờ trực tiếp rút nên chỉ đạo cho bị cáo rút, sau đó đưa lại cho anh Bi”.

Khi được hỏi tại sao số tiền trên là tiền của nhà nước mà lại rút ra và đưa cho ông Bi, bị cáo Huyền trả lời: “Biết sai nhưng đó là chỉ đạo của ông Bi, biết sai vẫn cứ làm”.

Trong khi đó, bị cáo Bi trả lời rằng, bị cáo là lãnh đạo cao nhất công ty, chịu trách nhiệm về tài sản công ty. Việc bị cáo Huyền lập phiếu chi số tiền đó cho ai chứ bị cáo Bi không nhận số tiền đó.

Quá trình điều tra, mặc dù Huyền không thừa nhận việc chiếm đoạt số tiền 1,2 tỷ đồng nhưng cũng không có bằng chứng nào khác để chứng minh ông Bi đã nhận số tiền trên, mà chỉ có căn cứ xác định Nguyễn Bi có hành vi cố ý làm trái khi ký duyệt chi khống khoản tiền 1,2 tỷ đồng.

Khi được hỏi phiếu chi 80.000 USD là dùng để chi cho ai, Ka Thị Thu Hồng (nguyên thủ quỹ Vifon) trả lời là chi cho Huyền.

Trong khi đó phiếu chi ghi tên Nguyễn Thị Nghiêm là trưởng phòng tổ chức bảo vệ. Hồng khai rằng: “Lãnh đạo Huyền bảo ghi tên chị Nghiêm, nhưng chị Nghiêm không nhận mà giao cho chị Huyền”.

HĐXX nói rằng số tiền rất lớn tại sao lại chi không đúng theo nghiệp vụ như thế, bị cáo Hồng cúi đầu xin nhận sai.

Nguyễn Bi đẩy cái sai về cho cấp dưới
Nguyễn Bi đẩy cái sai về cho cấp dưới

Đối với số tiền 2,2 tỷ đồng mà Nguyễn Thanh Huyền đã gian dối, lập chứng từ khống giả thu, giả chi để chiếm đoạt bằng thủ thuật chi mua cổ phần mang tên con gái Nguyễn Bi, thì Huyền cho rằng đã đưa cho bị cáo Bi. Việc này cũng do bị chỉ đạo làm. Trong khi đó, bị cáo Bi cho rằng việc đó là Huyền bày mưu chiếm đoạt. Bị cáo Huyền thì vẫn một mực khẳng định làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Bi.

Còn Ka Thị Thu Hồng khai rằng số tiền 2,2 tỷ đồng cũng là do Huyền rút. Một lần nữa bị cáo này nhận sai trong chức năng, nghiệp vụ của  mình.

Theo cáo trạng, ông Bi khai không chỉ đạo Nguyễn Thanh Huyền lấy số tiền trong quyết định khen thưởng đưa vào huy động vốn tiết kiệm cho cá nhân, ông cũng không nhận tiền như bị cáo Huyền đã khai; bị cáo Huyền đã lợi dụng ông để chiếm đoạt số tiền này. Trong quá trình điều tra thì cũng không có bằng chứng nào để chứng minh số tiền trên, mà chỉ có căn cứ xác định bị cáo Bi có hành vi cố ý làm trái khi ký duyệt chi khống.

Đối với câu hỏi về quyết định cho Vifon trích thưởng, đại diện Bộ Công thương cho rằng, đã nhiều lần trả lời cơ quan điều tra bằng văn bản nên xin phép không trả lời tại tòa nữa.

Công Quang – Quốc Anh