Rắc rối quanh một vụ trộm nhẫn kim cương
(Dân trí) - Sau khi trộm chiếc nhẫn kim cương trị giá 166 triệu đồng của chủ, Mười đem bán cho một tiệm vàng khác với giá... 7 triệu đồng. Chủ nhẫn cho rằng người mua chiếc nhẫn phải chịu liên đới, nhưng Tòa lại chỉ quy tội cho người trộm nhẫn.
Bà Thu bất bình với bản án của tòa
Bà Mười cho biết đã bán nhẫn cho tiệm vàng Kim Thanh ở số 42, ấp Ngãi Hội 1, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, do bà Phan Thị Hà và ông Trần Khắc Cường làm chủ, với giá... 7 triệu đồng. Để chuộc lỗi, Mười dẫn bà Thu đến tiệm vàng Kim Thanh để chuộc lại nhưng vợ chồng bà Hà không đồng ý.
Vụ việc được bà Thu báo cho cơ quan công an xã Đại Ngãi lập biên bản, sau đó chuyển cho công an thành phố Sóc Trăng thụ lý. Qua quá trình điều tra, Mười đã thừa nhận và khai báo thành khẩn với cơ quan điều tra về hành vi của mình. Giấy tờ mua bán của bà Thu còn giữ cho thấy chiếc nhẫn có trọng lượng 2 chỉ 5 phân 8 ly, có gắn 42 viên kim cương nhỏ và 1 viên kim cương loại D (loại tốt) 5,8 ly, tổng trị giá chiếc nhẫn là 166.059.826 đồng (kết luận định giá tài sản Hội đồng định giá tỉnh Sóc Trăng ngày 4/7/2011). Từ đó, Mười bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.
Ngày 29/11/2011, TAND thành phố Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, ngoài đề nghị xử lý hình sự bị cáo Mười, đại diện Viện KSND thành phố Sóc Trăng đề nghị hội đồng xét xử buộc bị cáo Mười và ông Cường, bà Hà liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Thu số tiền hơn 166 triệu đồng nhưng không được tòa chấp nhận. Theo quan điểm của TAND thành phố Sóc Trăng: Ông Cường, bà Hà không biết chiếc nhẫn trên là do bị cáo trộm của bà Thu, mặt khác tiệm vàng Kim Thanh của vợ chồng ông Cường, bà Hà chỉ kinh doanh vàng, bạc nên không biết chiếc nhẫn do bị cáo bán là nhẫn bằng kim cương nên khi mua đã cạy hột (kim cương) bỏ (vào sọt rác) và phân kim (chiếc nhẫn), cũng không có căn cứ để xác định ông Cường, bà Hà có lỗi trong việc mua chiếc nhẫn nên không có căn cứ để buộc ông Cường, bà Hà phải liên đới cùng bị cáo Mười bồi thường cho người bị hại Thu. Từ đó tòa tuyên phạt Trần Thị Mười 3 năm tù giam, buộc Mười phải trả cho bà Thu số tiền hơn 166 triệu đồng, còn vợ chồng ông Cường, bà Hà vô can.
Tuy nhiên theo bà Thu, khi Mười dẫn bà đến gặp bà Hà thì bà Hà còn đeo chiếc nhẫn trên tay. Chính ông Cường, bà Hà thừa nhận có mua chiếc nhẫn do Mười bán. Tại tòa, ông Cường cũng thừa nhận mua nhẫn do bị cáo Mười bán. Lập luận của TAND thành phố Sóc Trăng, theo bà Thu là thiếu thuyết phục bởi bị cáo Mười đã thừa nhận lấy cắp chiếc nhẫn bán cho ông Cường, bà Hà và trực tiếp dẫn bà Thu xuống Đại Ngãi để xin chuộc lại nhưng ông Cường, bà Hà không đồng ý.
Tại phiên tòa ngày 29/11/2011, bị cáo Mười khai khi bán chiếc nhẫn cho bà Hà, bị cáo có nói cho bà Hà biết chiếc nhẫn trên là do bị cáo lấy trộm của bà Thu nhưng tòa vẫn không xem xét. Hơn nữa, phiên tòa hôm đó bà Hà không có mặt nên tòa cho rằng không có cơ sở chứng minh. Còn ông Cường, bà Hà cho rằng họ chỉ kinh doanh vàng bạc nên không biết kim cương là không có cơ sở. Tại tòa bị cáo Mười cũng khai khi mua, ông Cường, bà Hà dùng kính chuyên dùng để soi kỹ kim cương rồi mới quyết định mua.
Nhiều người kinh doanh vàng bạc ở Sóc Trăng cũng khẳng định hầu hết các tiệm kinh doanh vàng bạc đều biết kim cương.
Luật sư Hoàng Văn Quyết, đoàn luật sư Sóc Trăng, cho biết: “Không thể nói ông Cường và bà Hà không liên quan đến vụ án này, họ phải chịu trách nhiệm cùng bà Mười”. Giảng viên Lê Minh Hùng (trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định: “Nếu bà Thu đã đến nhà cho vợ chồng bà Hà biết chiếc nhẫn Mười bán cho họ là nhẫn của bà Thu và xin chuộc lại mà bà Hà vẫn không cho chuộc, thậm chí còn phân kim chiếc nhẫn là cố ý hủy hoại tài sản của người khác. Đó là hành vi hoàn toàn sai trái. Tòa xử vợ chồng bà Hà vô can là không đúng. Nói chủ tiệm vàng mà không biết kim cương thì khó ai tin được”.
Từ đây, dư luận rất bất bình với phán quyết của TAND thành phố Sóc Trăng. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết: “Cách xử án của tòa án thành phố Sóc Trăng không thuyết phục. Bà Hà là người trực tiếp mua nhẫn nhưng không có mặt tại phiên tòa mà tòa vẫn chấp nhận xử là không thỏa đáng. Tôi đã kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND thành phố Sóc Trăng”.
Pháp luật đã qui định: Việc tiêu thụ (mua, bán, cất giữ…) tài sản mà biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có là vi phạm pháp luật; tùy theo giá trị tài sản và các tình tiết khác của vụ việc, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người có hành vi “Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có” có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện phạm pháp. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 250 Bộ luật hình sự; theo đó “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Điều luật này còn quy định một số tình tiết tăng nặng với mức hình phạt tù từ 2 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. |
B.D