1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Quả đấm thép làm kinh hoàng tội phạm

Họ luôn đi đầu, tạo ra các cú “knock out” trong việc triệt phá các băng nhóm, nhưng bao giờ cũng ẩn về phía sau các danh hiệu, không một dòng tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi quy tắc làm việc của họ là bí mật, đánh mạnh, thắng gọn.

Không khí Tết vẫn rộn ràng ở bên ngoài nhưng dường như nó không chạm được đến căn phòng làm việc của tổ công tác đặc biệt của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI). Căn phòng làm việc của các anh không biển hiệu, nằm ở một vị trí ít ai ngờ đến.

Tôi là phóng viên duy nhất may mắn được lãnh đạo Tổng cục VI cho phép tiếp cận với căn phòng đặc biệt với những con người cũng rất đặc biệt này. Một chút cà phê giải lao những căng thẳng của công việc. Một chút chạnh lòng khi nghe tôi nhắc đến gia đình khi Tết đến, xuân về. Nhưng rồi các anh lại bị công việc cuốn lấy, bởi dường như, khi đã mang một trọng trách đặc biệt, họ còn rất ít thời gian cho riêng mình…

Thực ra, ban đầu, họ gồm một tổ hơn chục người, được trưng dụng để khám phá, điều tra một vụ án phức tạp. Vụ án kết thúc thắng lợi. Từ kinh nghiệm của vụ việc này, lãnh đạo Tổng cục VI cảm thấy rất cần phải có một tổ công tác đặc biệt tinh nhuệ để tung vào những vụ án khó, những vụ án phức tạp.

Thế là từ cuối năm 2012, có một “binh chủng” mới được thành lập tại Tổng cục VI. Đó là “binh chủng” đặc biệt mang tên “113”, bao gồm các cán bộ chỉ huy, các trinh sát, điều tra viên thực sự có năng lực, có tư duy tốt, dám lăn xả vì nhiệt huyết với công tác đấu tranh chống tội phạm.

“Đây là lực lượng tinh nhuệ nhằm đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương”, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI đã rất đỗi tự hào khi kể cho chúng tôi về họ.

Ban đầu thành lập, tổ công tác đặc biệt có 14 người, đến nay, được bổ sung thành 22 cán bộ, chiến sỹ, từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị khác nhau của Tổng cục VI (chủ công là Cục Cảnh sát hình sự) quy tụ về đây, trực tiếp do Trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ huy.

Điều thuận của tổ công tác đặc biệt là họ gồm những trinh sát trẻ, năng động và tinh thông nghiệp vụ, còn các điều tra viên đều giỏi và có kinh nghiệm. Chính vì thế, họ bổ trợ cho nhau rất tốt trong công việc.

Bên cạnh đó, họ nhận được sự đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Tổng cục. Nhưng để đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, lúc nào cũng liều mạng với hàng tá “vũ khí nóng”, quả thực không hề đơn giản. Nó đòi hỏi các trinh sát, điều tra viên phải có lòng dũng cảm, có bản lĩnh, chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, không bị mua chuộc trước bất cứ sự cám dỗ nào. Hễ nơi nào có băng nhóm tội phạm đang nổi lên, gây bức xức dư luận, là các cán bộ, chiến sỹ của “binh chủng” đặc biệt này lập tức lên đường. Họ luôn đi đầu, tạo ra các cú “knock out” trong việc triệt phá các băng nhóm, nhưng bao giờ cũng ẩn về phía sau các danh hiệu, không một dòng tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi quy tắc làm việc của họ là bí mật, đánh mạnh, thắng gọn.

Triệt phá sới bạc tại chùa Dận (Bắc Ninh), một chiến công của
tổ công tác đặc biệt.

Triệt phá sới bạc tại chùa Dận (Bắc Ninh), một chiến công của tổ công tác đặc biệt.

Chiến công đầu tiên của họ phải kể đến vụ triệt phá các băng nhóm “cát tặc” trên sông Lô. Chúng như những “hung thần” trên sông, trang bị cả vũ khí “nóng” để tranh chấp việc khai thác cát trái phép. Thời điểm đó cũng là những ngày cuối năm, trời rét cắt da, cắt thịt.

Để khám phá vụ án, các trinh sát, điều tra viên đã phải ém mình trên một số tàu qua lại trên sông để quan sát, thu thập chứng cứ. Sông nước hun hút gió lạnh buốt. Có những lúc, dù mặc áo dày cộp nhưng hai hàm răng vẫn va lập cập. Đến ngày phá án, với các tài liệu chứng cứ thu thập được của tổ công tác đặc biệt, các lực lượng đã nhanh chóng bắt giữ được 14 đối tượng, thu hàng loạt vũ khí “nóng”…

Triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức như Dũng “mặt sắt” tại Quảng Ninh là những cuộc đấu trí và đấu cả sức vô cùng căng thẳng. Bởi để tồn tại trong nhiều năm qua, băng nhóm này đã có những thủ đoạn phạm tội cực kỳ tinh vi, thậm chí còn có sự câu kết với một số cán bộ thoái hóa trong các cơ quan Nhà nước để “dùng bàn tay che bầu trời”.

Để “bóc trần” được các băng nhóm này, điều quan trọng nhất là phải chứng minh được rõ ràng hành vi phạm tội của bọn chúng. Đó là một việc làm mất rất nhiều thời gian và trí tuệ. Chẳng hạn, để chứng minh các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới, các điều tra viên phải tìm được chứng cứ quan trọng nhất, đó chính là số Vin thực tế của xe không đúng với số Vin mà các doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ tạm nhập, tái xuất với cơ quan Hải quan.

Nhưng để làm được điều này, suốt 6 tháng ròng rã, các điều tra viên phải “lang thang” ở các đơn vị Hải quan để tìm hiểu về bản chất của việc buôn lậu qua đường tạm nhập, tái xuất, bản chất của số Vin…

Nói như vậy bởi dù đang điều tra công việc nhưng vì để đảm bảo bí mật của chuyên án nên họ không thể làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng như bình thường. Thậm chí, nhiều lần, các anh phải tự lần mò ra các bãi xe, chui vào gầm xe để quan sát các số Vin, tìm hiểu việc các đối tượng có thể làm sai lệch số Vin như thế nào?

Có dịp được tiếp xúc với các anh trong chuyên án tấn công băng nhóm tội phạm của Dũng “mặt sắt”, mới thấy được khí thế sôi sục đấu tranh của “binh chủng” đặc biệt này. Bao nhiêu tháng trời xác minh, trinh sát, đêm 5/5, tất cả quân số “113” của Tổng cục VI phối hợp với các lực lượng khác như cơn lốc tấn công vào ổ nhóm của Dũng “mặt sắt” khi chúng đang vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh).

Trong cơn mưa tầm tã, do bị một chiếc ôtô cản đường, họ phải vác súng chạy bộ 5km để kịp thời bắt quả tang hành vi phạm tội của các đối tượng. Quần áo ướt lại khô đến mấy lượt, công việc bắt giữ, rồi hoàn thành các thủ tục khám xét nhà đối tượng của họ mới tạm kết thúc.

Và nhiều ngày sau, trong căn phòng làm việc khá bí mật và đặc biệt của tổ công tác, một số trinh sát, điều tra viên vẫn miệt mài với các hoạt động tố tụng trong vụ án. Nhiều lần, khi chúng tôi ghé thăm họ, đến quá trưa nhưng gói xôi sáng mua vội trước khi đến cơ quan vẫn chưa kịp ăn.

Còn những “chiến binh” khác, hễ nhận được thông tin về Dũng “mặt sắt” và các đối tượng đàn em chưa bị bắt là lập tức lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Nơi họ đến có thể là vùng biên giới xa xôi, có thể là vùng sông nước mênh mông… Nhưng không nề hà gì cả, bởi họ là lực lượng đặc biệt của Tổng cục VI.

Triệt phá sới bạc tại chùa Dận (Bắc Ninh), một chiến công của
tổ công tác đặc biệt.

Triệt phá sới bạc tại chùa Dận (Bắc Ninh), một chiến công của tổ công tác đặc biệt.

“Đội quân này có nhiệm vụ giải quyết tức thì các địa bàn có băng nhóm tội phạm có tổ chức lộng hành. Đồng thời, họ có nhiệm vụ phối hợp với Công an và chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa tội phạm, đem lại niềm tin cho người dân”, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết.  

Quả thật, họ rất đặc biệt. Thiện chiến, tinh nhuệ, luôn là mũi nhọn tấn công các tổ chức tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương. Nhưng họ luôn lùi lại trong những lúc đón vinh quang. 22 người từ chỉ huy đến lính thiện chiến trong tổ công tác đặc biệt, ai cũng rất kiệm lời khi nói về công việc và thành tích của mình. Bởi phương châm của họ, đó là chiến đấu và chiến đấu vì danh dự và sự bình yên của người dân.

Đội quân đặc biệt này mới hơn 1 tuổi. Vì gồm nhiều cán bộ, chiến sỹ có tuổi đời còn trẻ nên họ và gia đình riêng của mình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Nhiều trinh sát còn phải đi thuê nhà, có người còn phải gửi con về quê cho ông bà hỗ trợ… Nhưng họ chưa bao giờ để “tình riêng” cản trở công việc.

Còn nhớ Tết Quý Tỵ vừa rồi, nhân dịp đầu xuân, lãnh đạo tổ công tác đặc biệt tổ chức gặp mặt vợ con của các cán bộ, chiến sỹ trong tổ. Lời đầu tiên mà người chỉ huy cao nhất của tổ công tác nói với những người vợ, hậu phương của các cán bộ, chiến sỹ đó là lời xin lỗi.

Bởi vì công việc quá bận và căng thẳng, thời gian của các anh dành cho gia đình không đủ làm tròn phận sự của người cha, người chồng. Và năm nay, Tết Giáp Ngọ lại vừa qua. Các anh lại chuẩn bị tổ chức buổi gặp mặt với gia đình các cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác đầu năm mới. Trong buổi gặp mặt này, những người chỉ huy sẽ lại một lần nữa phải nói lời xin lỗi. Bởi công việc và trọng trách của các anh vẫn còn rất nặng nề…

Theo T.Hò

Công an nhân dân