Phút yếu lòng trước cô học trò khiến thầy giáo trẻ vướng vòng lao lý
(Dân trí) - Nghe tin căn nhà của bố mẹ ở quê sắp bị sập do bão, Đăng chạy vạy khắp nơi để vay tiền gửi về sửa chữa. Chỉ vì một phút yếu lòng lúc túng quẫn, Đăng đã quyết định cầm số vàng mà người tình nhí mang đến cho mượn để rồi vướng vòng lao lý.
Gặp Lê Ngọc Đăng (SN 1985, quê ở Thanh Hóa) đang chấp hành án tại Trại giam Đắk P’Lao (Tổng cục VIII, Bộ Công an), nhiều người sẽ bất ngờ bởi phong thái điềm đạm, bình tĩnh của nam phạm nhân này. Đăng ngồi lặng lẽ, tỉ mẩn đan ghế, gương mặt thoáng buồn khi kể cho chúng tôi nghe lý do khiến mình phải vào đây chấp hành án về tội cưỡng đoạt tài sản và giao cấu với trẻ vị thành niên.
Đăng kể, sinh ra trong một gia đình thuần nông nên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, Đăng được tuyển vào làm giáo viên môn lịch sử tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh. Được trở thành thầy giáo, không chỉ khiến anh tự hào mà cả gia đình đều vui mừng và hãnh diện. Thế nhưng, công tác chưa được bao lâu, tương lai đang rộng mở bỗng trở lên mờ mịt kể từ khi thầy giáo trẻ vướng vào mối tình với cô học trò nhỏ.
Năm 2013, với tính cách hài hước, vui vẻ nên anh được cô học trò đang học lớp 10 tên là M.H. (15 tuổi) để ý. Mới đầu Đăng không quan tâm, nhưng lâu ngày, sự hồn nhiên, nhí nhánh của H. đã làm Đăng xiêu lòng. Tình cảm giữa hai người cứ thế lớn dần theo thời gian, Đăng và H. yêu nhau từ lúc nào không biết.
Biết người yêu còn nhỏ tuổi, lại là học trò của mình, Đăng thống nhất với H. giấu kín, không cho mọi người biết. Thế nhưng, mọi chuyện sau đó đã đi theo hướng khác. H. dù đang ở tuổi vị thành niên, nhưng vốn sống ở nơi thành thị, tiếp cận sớm với những trào lưu mới nên cô bé đã mạnh dạn rủ thầy giáo, cũng là người yêu của mình đi chơi nhiều nơi.
"Lúc đầu tôi nghĩ, đã yêu học trò thì phải chỉ bảo, động viên em ấy học hành thật tốt. Nhưng mà, dẫu biết mình đang là thầy giáo, tôi vẫn không thể kìm lòng được trước “tình yêu” của cô bé học trò xinh xắn để rồi mới sa ngã vào con đường dục vọng hèn kém, vượt quá giới hạn của một tình yêu đơn thuần ", Đăng ân hận.
Một ngày đầu tháng 12/2013, Đăng nhận được điện thoại của ông nội nói rằng căn nhà của ba mẹ ở ngoài quê sắp sập vì bão, cần tiền để sửa chữa. Đồng lương giáo viên ít ỏi, việc trang trải cuộc sống ở thành phố còn khó khăn nên Đăng không biết lấy đâu ra tiền để gửi về nhà. Đăng gọi điện nhờ vả bạn bè, nhưng không có ai dư giả để cho mượn.
Những lần Đăng gọi điện vay mượn tiền của bạn bè, H. ngồi bên cạnh nghe và biết mọi chuyện. Thương cho gia cảnh của người yêu, mấy ngày sau đó, H. hẹn đi chơi và đưa cho Đăng hơn 10 cây vàng để lo việc gia đình.
Đăng bùi ngùi: “Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ tôi được cầm trên tay số vàng nhiều như vậy. Khi đó, tôi hoảng hốt từ chối vì biết H. còn đi học thì làm gì ra từng ấy vàng. Khi tôi hỏi số vàng ở đâu ra thì H. bảo là tiền bà nội bán nhà, chia phần cho H. Thấy không an tâm nên tôi đã bảo H. cầm về đưa cho bố mẹ, người lớn giữ hộ.
Nhưng mấy ngày sau đó, do biết tôi không xoay được tiền gửi về quê nên H. tiếp tục mang số vàng trên đưa cho tôi. Do đang cần tiền gấp nên tôi đã mềm lòng nghĩ là chỉ vay tạm H. 6 cây vàng là đủ xử lý công việc của gia đình rồi trả lại sau. Chỗ còn lại, tôi bảo H. đưa về cho ba mẹ".
Với số vàng vay mượn được, Đăng đem bán 3 cây rồi gửi về tiền về cho bố mẹ. Số còn lại, Đăng dự định sẽ gửi sau.
Hơn 1 tuần sau đó, bố mẹ của H. bất ngờ gọi điện thoại hỏi Đăng về số vàng của H. Thấy mẹ H. hỏi vậy, Đăng đã thừa nhận là có vay H. và hứa sẽ trả lại 3 cây vàng đang giữ và 3 cây đã bán.
“Lúc đó chẳng còn cách nào khác, tôi gọi điện về nhà bảo mẹ gom lại số tiền và gửi vào gấp cho tôi. Sau đó, tôi phải đi vay thêm bạn bè để bù lỗ số tiền đã bán vàng. Thế nhưng, khi tôi mang trả số tiền còn lại cho mẹ H. thì bị công an bắt. Sau đó, tôi bị kết án 7 năm tù về hai tội danh", nam phạm nhân ân hận.
Những ngày trong trại, Đăng vô cùng buồn bã và thương gia đình rất nhiều. Đăng không biết căn nhà của bố mẹ như thế nào, sức khỏe của mọi người ra sao... sau những biến cố bất ngờ ập đến với anh. Những trăn trở ấy bám riết lấy nam phạm nhân trong suốt một thời gian dài.
“Từ ngày bị bắt đến nay, không ngày nào tôi không cảm thấy áy náy vì để gia đình mang tiếng. Chỉ vì không kiểm soát được tình cảm, một phút yếu lòng trong lúc túng quẫn mà tôi mang thân phận là kẻ tù tội. Ngày ấy, tôi cứ tưởng cuộc đời mình chấm hết khi bước chân qua cánh cửa nhà giam. Phải mất một thời gian dài sau đó, tôi mới bình tĩnh suy nghĩ chín chắn lại”, nam phạm nhân cho hay.
Thời gian chấp hành án, Đăng đã xác định cố gắng cải tạo tốt để mai này sớm trở về, làm lại cuộc đời. Ngoài tham gia cải tạo, sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ, Đăng dành thời gian đọc sách trong thư viện và dạy chữ cho một số phạm nhân khác. Anh tâm sự: “Do nhà xa nên tôi ít được thăm nuôi như các phạm nhân khác. Đến bây giờ, đối với tôi điều quý giá nhất là sự tự do. Tôi cố gắng cải tạo thật tốt, được nhận sự khoan hồng của nhà nước để sớm trở về với gia đình. Bây giờ chưa hẳn là quá muộn để cho tôi làm lại cuộc đời”.
Theo lãnh đạo trại giam Đắk P’Lao, Đăng là một trong ít phạm nhân đã tốt nghiệp đại học, hoàn cảnh cũng đặc biệt. Những ngày nhập trại, Đăng chứng tỏ mình là người biết ăn năn hối cải, tích cực lao động cải tạo để sớm được hoàn lương, làm lại cuộc đời.
Dương Phong