Phó tổng Việt Á khai quy trình chi hoa hồng cho các địa phương
(Dân trí) - Vũ Đình Hiệp là người trực tiếp tham gia và chi phần trăm hoa hồng cho các địa phương mua kit test của Việt Á. Hiệp khai có 2 phương thức giao dịch giữa Việt Á và các địa phương.
Ngày 4/1, HĐXX phiên tòa đại án Việt Á tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo thuộc Công ty Việt Á và CDC tỉnh Nghệ An
Luôn mang theo người 50.000-300.000 USD
Trả lời HĐXX, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Việt Á) khai nhận trước khi là Phó Tổng giám đốc, Hiệp từng là trợ lý Phó Giám đốc Việt Á từ năm 2009.
Ở vị trí trợ lý, Hiệp có nhiệm vụ ký kết các hợp đồng, giấy tờ của công ty; đứng tên một số công ty con do Việt thành lập. Khi được đôn lên làm phó tổng giám đốc, Hiệp khai được giao quản lý mảng kinh doanh phía Bắc của công ty, từ Hà Tĩnh đổ ra.
Cuối năm 2020, Hiệp được giao thêm nhiệm vụ ký kết các hợp đồng mua bán của công ty với tư cách là phó tổng giám đốc.
Trước tòa, Phó Tổng giám đốc Việt Á khai khi công ty tham gia bán kit test cho các tỉnh, bị cáo là người trực tiếp tham gia và chi phần trăm hoa hồng cho các địa phương mua kit test của Việt Á.
Theo lời khai của Hiệp, có 2 phương thức giao dịch giữa Việt Á và các địa phương: Địa phương mượn kit trước rồi làm hợp đồng thanh toán sau hoặc mua trực tiếp rồi đến lấy.
"Thanh toán xong theo quy chế, Việt Á sẽ trích phần trăm hoa hồng cho cán bộ chống dịch vất vả", Hiệp khai.
Sau khi lên danh sách những người được hưởng hoa hồng, Hiệp sẽ trình Phan Quốc Việt duyệt rồi trực tiếp đi đưa tiền.
Phó Tổng giám đốc Việt Á thừa nhận những cáo buộc của VKS về vi phạm quy định về đấu thầu ở hơn 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số tiền vi phạm hơn 325 tỷ đồng.
Hiệp cũng thừa nhận đã đưa hối lộ ở 4 địa phương với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng, cũng như luôn mang theo người 50.000-300.000 USD để Phan Quốc Việt đi cảm ơn, chia hoa hồng.
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An nhận tiền qua kế toán trưởng
Tại tòa, cựu Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định khai được bổ nhiệm chức Giám đốc vào tháng 9/2019.
Bị cáo này trình bày không quen biết ai ở Công ty Việt Á, khi Nghệ An có dịch Covid-19, bị cáo vay kit test của doanh nghiệp này. Ông Định lý giải việc này xuất phát từ nhu cầu thực tế cấp bách.
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định trước khi vay kit xét nghiệm có gọi điện hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và nhận được sự đồng ý, tuy nhiên chỉ đạo này không có văn bản.
Khi gọi điện, cựu Giám đốc CDC Nghệ An có ghi âm cuộc gọi nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra lại không tìm thấy file ghi âm này.
Ông Định thừa nhận việc vay kit xét nghiệm và sau đó hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán cho Việt Á là sai phạm.
Theo lời khai của bị cáo này, CDC Nghệ An ký 5 hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được 4, đến hợp đồng thứ 5 thì Phan Quốc Việt bị bắt. Khi mượn kit và thanh toán hợp đồng, ông Định không quan tâm, đề cập đến việc được trích phần trăm hoa hồng.
Sau khi thanh toán hợp đồng, Công ty Việt Á có 2 lần chuyển tiền cho CDC Nghệ An nói là mua kit xét nghiệm nên hỗ trợ.
Riêng ông Định khai nhận được nhận gần 190 triệu đồng từ Việt Á, thông qua cựu kế toán trưởng của CDC Nghệ An là Nguyễn Thị Hồng Thắm.
Ông Định khai, mặc dù nhận tiền nhưng không sử dụng và sau đó đã nhờ Thắm chuyển lại cho Việt Á.
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An thừa nhận, ngoài số tiền chuyển riêng trên, Việt Á còn chuyển cho CDC Nghệ An gần 3 tỷ đồng. Trước mỗi lần nhận tiền, cựu kế toán trưởng đều báo ông Định và nhận được sự đồng ý.
"Chồng bị cáo bảo mang tiền trả lại Việt Á"
Ở bục khai báo, Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu kế toán trưởng CDC Nghệ An) khai được Việt Á trích "hoa hồng" 15% cho các hợp đồng. Ở lần đầu tiên, cuối năm 2020, bị cáo này nhận 750 triệu đồng tiền chiết khấu hoa hồng từ Việt Á.
Số tiền này, Thắm khai cất ở tủ cá nhân, sau đó đề nghị trả lại Việt Á nhưng doanh nghiệp này từ chối. Cuối cùng, 750 triệu đồng được đưa vào quỹ của CDC Nghệ An.
Ở lần tiếp theo, Việt Á đưa cho Thắm 1,4 tỷ đồng. Trong số này, Thắm khai Việt Á "nhắn nhủ" trích riêng cho lãnh đạo 2% (tương đương 185 triệu đồng) và kế toán trưởng 1% (95 triệu đồng), còn lại là cho cơ quan (hơn 1,1 tỷ đồng).
Sau khi nhận tiền, Thắm phân chia tiền theo tỷ lệ trên cho Giám đốc CDC Nghệ An, cho bản thân và đưa lại cho Trưởng khoa Dược.
Những lần nhận tiền từ Việt Á, cựu kế toán trưởng CDC Nghệ An cho biết được Nguyễn Thị Thắm (nhân viên Việt Á) đưa trực tiếp.
Ngoài số tiền trên, Hồng Thắm khai nhận còn có một lần được "Thắm Việt Á" đưa 100 triệu đồng vì "thanh toán nhanh, tiền quảng cáo".
"Số tiền trên, bị cáo không dùng làm gì mà kể cho chồng. Chồng bị cáo nói thấy tiền này không đúng nên bảo trả lại Việt Á đi. Sau đó, bị cáo gọi điện cho Thắm đề nghị trả lại nhưng Thắm chỉ chấp nhận lấy lại 1,4 tỷ đồng", Hồng Thắm khai.
Tại tòa, trả lời HĐXX, đại diện CDC Nghệ An cho biết Việt Á và CDC Nghệ An có 4 hợp đồng đã ký kết, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.
Vị này mong muốn nếu tòa kết luận thiệt hại trên là chính xác thì trả lại cho CDC Nghệ An.
Đối với các bị cáo thuộc CDC Nghệ An, đại diện đơn vị mong muốn HĐXX xem xét những công sức của họ trong thời gian công tác, chống dịch để các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.