Phan Văn Anh Vũ “đòi” xử lý những người giám định thiệt hại vụ án
(Dân trí) - Cho rằng việc cơ quan tố tụng xác định thiệt hại vụ án bằng cách lấy giá trị thời điểm khởi tố vụ án trừ đi giá chuyển nhượng là không hợp lý, Vũ “nhôm” đề nghị xử lý nghiêm những người giám định do làm sai luật.
Cơ quan tố tụng định giá như thế nào?
Trả lời thẩm vấn tại phiên xử ngày 5/1, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không đồng tình với cáo buộc bị cáo và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng trong việc chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án.
Vũ “nhôm” cho rằng việc chuyển nhượng đã diễn ra từ hàng chục năm trước, trong khi cơ quan tố tụng tính thiệt hại căn cứ vào giá trị thời điểm khởi tố vụ án là không hợp lý. Từ đó, bị cáo Vũ đề nghị xử lý nghiêm những người giám định do làm sai luật.
Trong cáo trạng, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại bằng cách lấy giá trị các dự án, nhà, đất công sản tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4/2018) trừ đi giá chuyển nhượng.
Trả lời luật sư về vấn đề trên, đại diện Hội đồng định giá Trung ương (Hội đồng) cho biết, Hội đồng không phải cơ quan xác định hậu quả thiệt hại vụ án, cũng không có chuyên môn này. Hội đồng chỉ làm theo trưng cầu của cơ quan điều tra với mốc định giá là thời điểm khởi tố vụ án.
Trước câu hỏi căn cứ nào để xác định giá nhà đất do Hội đồng đưa ra là giá thị trường đất, đại điện Hội đồng nêu rõ, quá trình định giá, Hội đồng phải thực hiện định giá theo những nguyên tắc và những phương pháp định giá theo quy định hiện hành.
Cụ thể, liên quan đến nhà đất thì áp dụng theo phương pháp định giá đất theo hướng dẫn tại Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư số 145 của Bộ Tài chính tùy theo thời điểm định giá. Việc áp dụng theo các phương pháp này sẽ xác định được giá thị trường đất.
Hai bị cáo đề nghị thay đổi tội danh
Trả lời phần thẩm vấn của luật sư, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng) cho biết công ty đã được cổ phần hóa từ năm 2005, hiện là công ty cổ phần, không có vốn Nhà nước. Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, Công ty đã mua các tài sản trên đất tại mảnh đất số 37 Pasteur.
Bị cáo Lộc cho rằng, các tài sản trên đất không phải là tài sản công sản nữa mà là tài sản của công ty. Vì vậy, việc bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 BLHS là quá nặng. Nếu xác định bị cáo phạm tội thì cũng chỉ là tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229 BLHS.
Bị cáo Lê Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty cung ứng tàu biển Đà Nẵng) cũng xin được đổi tội danh từ Điều 219 sang Điều 229.
Theo trình bày của bị cáo Tuấn, sau khi mua nhà đất số 20 Bạch Đằng, nhà công sản trên mảnh đất đó đã bị xuống cấp, không sử dụng được nên công ty của bị cáo đã đập nhà cũ đi, xây nhà mới trên đất đó và đã chuyển nhượng. Nhà mới xây này là của công ty bị cáo, không còn là nhà công sản nữa nên hành vi của bị cáo chỉ là “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo cáo buộc, lợi dụng việc được các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định các nhà, đất công sản do các công ty này thuê làm trụ sở làm việc, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc và Lê Anh Tuấn đã bàn bạc, thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất.
Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, bị cáo Lộc và Tuấn đã ký văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất, giúp cho bị cáo Vũ đứng tên sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại 2 nhà, đất công sản không qua đấu giá, có giá trị cao trên địa bàn Đà Nẵng, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Huỳnh Tấn Lộc đã giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 112 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Anh Tuấn giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 20 Bạch Đằng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT - Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 264 tỷ đồng.
Gần 13h chiều 5/1, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Hôm nay, 6/1, tòa tạm nghỉ. Sáng 7/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Tiến Nguyên