1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Quảng Nam

Phá đường dây buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm quy mô lớn

(Dân trí) - Sau quá trình điều tra, trinh sát, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã triệt phá thành công đường dây quy mô lớn về buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả điều tra ban đầu, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện có một số đối tượng chuyên mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoang dã quý hiếm trái phép nên xác lập chuyên án đấu tranh.

Buôn bán động vật hoang dã trái phép

Cá thể tê tê tại nhà các đối tượng buôn bán trái phép

Ngày 18/10, lực lượng Cảnh sát môi trường đột xuất kiểm tra tại nhà bà Lê Thị Quí (SN 1963, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam và phát hiện tại nhà bà này có tàng trữ 5 cá thể tê tê và 1 cá thể rùa trán vàng miền Trung thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Do đó, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an huyện Đại Lộc đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với bà Lê Thị Quí; củng cố hồ sơ, bàn giao đối tượng cùng tang vật vi phạm đến Công an huyện Đại Lộc điều tra theo thẩm quyền.

Buôn bán động vật hoang dã trái phép

Đối tượng Lê Thị Quí cùng tang vật. (Ảnh: Công an Quảng Nam)

Tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án, ngày 23/10, lực lượng công an tiến hành kiểm tra tại 2 địa điểm gồm tại nhà ông Chung Nguyệt (SN 1974, trú xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, Quảng Nam) và phát hiện ông này có tàng trữ 1 cá thể tê tê.

Tại nhà bà Đinh Thị Sinh (SN 1978, trú thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam), lực lượng chức năng phát hiện bà Sinh nuôi nhốt và tàng trữ trái phép 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung còn sống với khối lượng khoảng 11,5kg, 4 cá thể sa nhân còn sống với khối lượng khoảng 2,5kg, 12 cá thể chồn chưa xác định chủng loại với khối lượng khoảng 22kg, 3 cá thể thỏ rừng (cheo leo) với khối lượng khoảng 3kg.

Phòng Cảnh sát môi trường tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với các đối tượng trên về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm được quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, đối tượng vi phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đại Lộc và Công an huyện Nam Giang để tiếp tục điều tra, thụ lý theo thẩm quyền.

Đắk Lắk:

Người phụ nữ mua 8 cá thể khỉ về nấu cao

Trưa 25/10, phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao tang vật 8 cá thể khỉ cùng đối tượng vận chuyển là bà Nguyễn Thị Sâm (51 tuổi, ngụ xã Chư Kpô, huyện Krông Búk) cho Công an huyện Krông Búk tiếp tục điều tra.

Phá đường dây buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm quy mô lớn - 3
Chiếc xe khách vận chuyển 8 cá thể khỉ (ảnh D.X)

Trước đó, khoảng 10h cùng ngày, trong lúc tuần tra giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Chư Kpô (huyện Krông Búk) một tổ công tác của phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện chiếc xe khách mang BKS 82B-002.58 chạy hướng Gia Lai - Đắk Lắk có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng kiểm tra.

Tiến hành kiểm tra phía sau thùng xe, tổ công tác phát hiện có 2 thùng cát tông đựng 8 cá thể khỉ đã bị giết thịt, cấp đông. Tại đây, ông Phạm Ngọc Hà (43 tuổi, ngụ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tài xế lái xe cho biết số hàng này của bà Nguyễn Thị Sâm là hành khách đi trên xe.

Phá đường dây buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm quy mô lớn - 4

Các cá thể khỉ đã được bỏ trong thùng xốp

Qua làm việc, bà Sâm khai vào ngày 24/10, bà đã mua 8 cá thể khỉ của người dân tộc tại chỗ với giá hơn 5,4 triệu đồng ở huyện Kon Plông, (tỉnh Kon Tum) với trọng lượng 57 kg để mang về nhà nấu cao.

Hiện vụ việc đang được mở rộng, làm rõ.

Công Bính - Thúy Diễm

Phá đường dây buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm quy mô lớn - 5