Ông Trần Phương Bình khai không nhớ bị phạt bao nhiêu năm tù
(Dân trí) - Trong phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Trần Phương Bình nhiều lần khai mình không nhớ đã bị phạt bao nhiêu năm tù. Hồ sơ thể hiện người này đang thụ án tù chung thân với 4 bản án.
Ngày 28/3, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Phương Bình (65 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB); Nguyễn Đức Tài (56 tuổi, nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch); Nguyễn Thị Ngọc Vân (54 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) và Nguyễn Thị Ngọ (70 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực châu Á Thái Bình Dương) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong phần thủ tục, thư ký thông báo ngoài các bị cáo còn có mặt của đại diện DAB, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty cổ phần Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực châu Á Thái Bình Dương.
Tại phần thủ tục, chủ tọa hỏi ông Trần Phương Bình bị TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bao nhiêu năm tù. Trả lời câu hỏi trên, người đàn ông này nói mình không nhớ.
Tương tự khi được hỏi bị TAND TPHCM phạt bao nhiêu năm, bị cáo vẫn trả lời không nhớ.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2022, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt ông Bình mức án tù chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng trong năm này, ông Bình tiếp tục bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên mức án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Giữa năm 2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Bình mức án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Năm 2023, ông Bình bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp các bản án trên, bị cáo Trần Phương Bình phải chấp hành là tù chung thân.
Theo cáo buộc, ông Trần Phương Bình đã bàn bạc và thống nhất với doanh nhân Nguyễn Thị Ngọ về việc tham gia mua cổ phần tăng vốn DAB bằng chính nguồn tiền vay của ngân hàng này.
Tiếp đó, bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới tại Sở giao dịch Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, quận 7 và Chi nhánh Hà Nội cho bà Nguyễn Thị Ngọ vay 10 khoản tổng cộng hơn 297 tỷ đồng. Có được tiền vay, Ngọ sử dụng gần 270 tỷ đồng cùng với tiền vay thêm từ nhiều ngân hàng khác (hơn 69 tỷ đồng) để mua 26.500 cổ phần DAB với giá 339 tỷ đồng.
Đến năm 2008, khi các khoản vay nói trên đến hạn nhưng không có khả năng trả cho các ngân hàng, bà Ngọ tiếp tục đề nghị ông Bình chỉ đạo cấp dưới cho vay tiếp 115 khoản, tổng số hơn 1.055 tỷ đồng để đảo nợ. Quá trình vay tiền, bà Ngọ nhờ hàng chục người thân quen, nhân viên đứng tên hồ sơ giúp.
Ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc DAB đã chỉ đạo Tài, Vân ký tờ trình để phê duyệt cho bà Ngọ vay đảo nợ, che giấu nợ xấu cho ngân hàng. Các hồ sơ không thẩm định điều kiện vay vốn, không kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo.
Đến nay các khoản vay này còn dư nợ 1.236 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo gần 255 tỷ đồng, hành vi của ông Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho DAB gần 981 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Đối với một số nhân viên cấp dưới tham gia duyệt hồ sơ, là người làm công ăn lương, có quan hệ phụ thuộc, không được hưởng lợi, nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự. Tương tự, những người được bà Ngọ nhờ đứng tên là người thân trong gia đình, nhân viên, không được bàn bạc hay biết mục đích các khoản vay nên cũng không bị xử lý.