Ông Nguyễn Thành Tài: "Tôi đã vượt qua cám dỗ để sống"(!?)
(Dân trí) - Khi được nói lời nói sau cùng, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM quả quyết bản thân không phải là người xấu, không phải là phần tử cơ hội và không nguy hiểm cho xã hội.
Tối 18/11, phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc công ty Diệp Bạch Dương (người được gọi là đại gia Diệp Bạch Dương) và cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm kết thúc phần tranh luận.
Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời nói sau cùng. Bị cáo Nguyễn Thành Tài bước chậm lên bục khai báo, trình bày nhiều tâm tư.
Ông Nguyễn Thành Tài kể, từng bị chính quyền Sài Gòn truy nã khi hoạt động bí mật trong thành phố hồi kháng chiến chống Mỹ, từng đối diện lưỡi hái tử thần khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và rất hạnh phúc khi sau chiến tranh được trở về làm thầy giáo.
"Tôi sốc vì ngày 8/12/2018, khi đang chuẩn bị bài giảng cho một lớp cao cấp thì bị bắt. Đó là một bi kịch. Trong trại tạm giam, tôi suy nghĩ mãi. Suốt 3 năm loanh quanh trong bốn bức tường giam, tôi hỏi mình là ai, tại sao bây giờ lại ở tù. Tôi nhận ra mình không phải là một con người trọn vẹn, hoàn mỹ, còn nhiều khuyết điểm, nhưng không phải là con người xấu. Bản thân không phải là phần tử cơ hội, không nguy hiểm cho xã hội. 36 tuổi tôi đã là Chủ tịch quận. Tôi lên Phó Chủ tịch thành phố bằng trí tuệ. Tôi đã vượt qua cám dỗ để sống", ông Tài trình bày.
Ông Tài cũng nói thêm, điều làm ông cảm thấy chưa trọn vẹn nhất là chưa tròn chữ hiếu với mẹ. "Đến giờ mẹ tôi vẫn chưa biết tôi đi ở tù, còn bảo 70 tuổi rồi còn học gì nữa" - ông Tài nói trước bục khai báo.
Ông cũng trần trình: "Tôi không để lại gì cho mấy đứa con. Tôi hứa sẽ sống xứng đáng, nhưng không làm được. Tôi không kêu ca, trách móc, oán than. Tôi chỉ xin một sự công bằng, với tư cách một con người, một công dân, và tư cách của một người lính từng đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, không chỉ cho tôi mà còn cho những người trước đây từng là cấp dưới của tôi. Đến giờ phút này, tôi không xấu hổ với những gì mình đã làm".
Bị cáo Đào Anh Nguyên - cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM cũng nghẹn lời trước giờ nghị án. Bị cáo Kiệt cho rằng trong thời gian mình ở tù thì mẹ ông qua đời, không được về thắp cho mẫu thân nén nhang khiến ông vô cùng đau lòng.
"Trước phiên tòa, sức khỏe tôi có dấu hiệu bất thường nên được đưa đi khám và phát hiện mình bị ung thư. Tại bệnh viện tôi được các bác sĩ yêu cầu điều trị nhưng tôi đã từ chối", cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường TPHCM nói lời sau cùng.
Trong phần nói lời nói sau cùng, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp vẫn một mực kêu oan. Bị cáo này vẫn khẳng định tài sản tại số 57 Cao Thắng không được thế chấp cho bất cứ khoản vay nào, các hồ sơ trong vụ án là giả mạo.
Bà Diệp cho biết, 2 tháng nữa bà tròn 78 tuổi. Bà nói rất thương cha, ngàn lần xin lỗi người sinh thành, thương con cháu, và vẫn khẳng định bản thân không vi phạm pháp luật.
Bà nói: "Trong vụ hoán đổi, chúng tôi hoàn toàn bị thiệt hại. Tôi dù có chết cũng không bao giờ gian dối, không bao giờ thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Tôi rất đau đớn".
Kêu oan, nữ đại gia mong tòa xem xét toàn bộ nội dung vụ án để có một phán quyết phù hợp.
Các bị cáo còn lại trong vụ án trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mong tòa xem xét, cân nhắc toàn diện vụ án để có một bản án thấu tình, đạt lý.
Chiều mai (19/11), hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết về vụ án.