1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị 3-4 năm tù

Phúc Lâm

(Dân trí) - Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung 3-4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sáng 29/12, phiên xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm giúp Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu trái quy định kết thúc phần xét hỏi. Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị Tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung 3-4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị 3-4 năm tù - 1

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị tuyên phạt 3-4 năm tù (Ảnh: CTV).

Sáu đồng phạm của ông Chung bị đề nghị tuyên phạt về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) bị đề nghị tuyên phạt từ 36-42 tháng tù;

Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội): 36-42 tháng tù;

Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội): 5-6 năm tù;

Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội): 4-5 năm tù.

Bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh - Công ty Đông Kinh) bị đề nghị tuyên phạt từ 4-5 năm tù;

Võ Việt Hùng (cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh): 5-6 năm tù.

Về dân sự, đại diện VKS đề nghị Tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Đông Kinh nộp lại số tiền hơn 6,6 tỷ đồng thu lợi bất chính.

Đối với số tiền được xác định là thiệt hại trong vụ án là hơn 26,5 tỷ đồng, sau khi khấu trừ đi số tiền Công ty Đông Kinh phải khắc phục, VKS đề nghị Tòa buộc 6 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" phải liên đới bồi thường; đồng thời, dành quyền khởi kiện cho 6 bị cáo để yêu cầu bị can Bùi Quang Huy bồi hoàn số tiền trên.

Bùi Quang Huy có vai trò chính

Theo VKS, từ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm tra công khai tại tòa, có đủ cơ sở kết luận, quá trình thực hiện 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định Luật đấu thầu; thay đổi yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, lập "khống" hợp đồng để hợp thức hồ sơ năng lực, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia và trúng 2 gói thầu, sau đó chuyển nhượng thầu trái phép.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Hành vi của bị cáo Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Theo VKS, đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị cáo đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Tuy nhiên, xét hành vi của nhóm bị can thuộc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thì bị can Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án. Hiện Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên buộc Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn phải liên đới trách nhiệm.

Đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, VKS thấy, bị cáo Chung với vai trò là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung đã yêu cầu Sở KH-ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố trong khi tới thời điểm hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ bị cáo Chung làm Giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP Hà Nội.

Không chấp nhận lời khai của ông Nguyễn Đức Chung

Theo VKS, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, tỏ thái độ ăn năn. Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã tác động gia đình nộp số tiền hưởng lợi bất chính nên có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Học thừa nhận hành vi, ăn năn, hối cải, đã nộp lại 100 triệu đồng tiền do Công ty Nhật Cường biếu Tết; có nhiều tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đều được VKS ghi nhận đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân cũng như hành vi các đồng phạm, ăn năn, có nhân thân tốt; quá trình công tác có nhiều thành tích, được tặng bằng khen; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính…

Bị cáo Lê Duy Tuấn đã thực hiện hành vi thông thầu, gian lận và chuyển nhượng thầu trái phép trong hoạt động đấu thầu, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điểm b Khoản 3, điểm c Khoản 4, Khoản 8 Điều 89 Luật đấu thầu.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Tuấn thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, bản thân có nhân thân tốt.

Bị cáo Võ Việt Hùng đã thực hiện hành vi thông thầu, chuyển nhượng thầu trái phép trong hoạt động đấu thầu, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điểm b Khoản 3, Khoản 8 Điều 89 Luật đấu thầu.

Tại tòa, bị cáo Hùng đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân cũng như hành vi các đồng phạm, ăn năn, hối cải. Quá trình điều tra, bị cáo Hùng xin tự nguyên nộp 400 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án; có nhân thân tốt, có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Với bị cáo Nguyễn Đức Chung, VKS thấy, quá trình điều tra cũng như tại tòa, ông Chung cho rằng, việc yêu cầu Giám đốc Sở KH-ĐT đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 là đúng thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.

Khi thực hiện gói thầu, Sở KH-ĐT đã thực hiện không đúng các chỉ đạo của UBND TP; không thực hiện đúng các quy định, nghị định của Chính phủ và chưa được thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội. Việc đồng ý cho làm thí điểm số hóa vì có thông tin liên quan đến công nghệ mới chứ không liên quan đến gói thầu số hóa.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra và đã được thẩm tra công khai tại tòa, VKS cho rằng, có đủ cơ sở kết luận, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu do Bùi Quang Huy tác động.

Việc chỉ đạo lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của TP trong khi tại thời điểm chỉ đạo cũng như hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu. Do vậy, lời khai của Nguyễn Đức Chung không có cơ sở chấp nhận.