1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc về "công ty con", "công ty cháu"

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Tranh luận tại phiên xử vụ Ethanol Phú Thọ, ông Đinh La Thăng phản bác việc VKS cáo buộc ông chỉ đạo Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí như là "công ty con", "công ty cháu"...

Sau phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng tiếp tục lên bục tranh luận.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc về công ty con, công ty cháu - 1

Bị cáo Đinh La Thăng tranh luận trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN).
 

Về nội dung chỉ định thầu, ông Thăng cho biết, đây là chủ trương được Chính phủ cho phép. Những chỉ đạo của bị cáo đều theo đúng quy định của pháp luật nên không có chuyện chủ mưu hay nhóm lợi ích ở đây. Cựu Chủ tịch PVN thẳng thắn khi cho rằng, nếu chỉ lấy lời khai và nội dung cáo trạng để buộc tội các bị cáo thì… mở phiên tòa làm gì!?

Theo ông Thăng, trong phần đối đáp, VKS vẫn cáo buộc ông chỉ đạo PVB (Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí) như là công ty "con", công ty "cháu" là không chính xác vì thẩm quyền quyết định chỉ định thầu là của chủ đầu tư; VKS "nêu đi nêu lại" rằng PVN chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC hoàn toàn là ý chí chủ quan của người cáo buộc.

"Chủ đầu tư đã chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu. Tất cả nghị quyết của PVN vẫn ghi rõ là đề nghị các đại diện phần vốn của các đơn vị thành viên xem xét cho PVC tham gia thầu, không có liên danh nhà thầu. Chủ đầu tư đã chọn chỉ định thầu cho liên danh." - bị cáo Thăng phân trần.

Bên cạnh đó, ông Thăng không đồng tình với đại diện VKS khi nói PVB là "con đẻ" của các công ty con của PVN. Theo bị cáo này, PVB là công ty cổ phần có vốn góp của các công ty con của PVN. PVN không góp vốn, không phải cấp trên của PVB.

Về năng lực nhà thầu, ông Thăng trình bày, PVN chỉ giới thiệu PVC, không giới thiệu liên danh nhà thầu.

"Năng lực của nhà thầu trong liên danh là năng lực tổng hợp của các nhà thầu, không đi ký với từng đơn vị. Đúng là phải có sự phân công cho từng doanh nghiệp trong liên danh nhưng phải có sự phối hợp." - bị cáo Thăng phân tích.

Về thiệt hại của vụ án, VKS kết luận là chậm tiến độ dài hạn, nhưng theo ông Thăng, cần phải xem xét, đánh giá nguyên nhân.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch PVN đề nghị VKS làm rõ vấn đề giám định của Bộ Tài chính là lãi suất tiền vay phải trả ngân hàng hay giá trị thiệt hại dự án? Vụ án này có phải là hình sự hóa quan hệ kinh tế hay không? Cách tính thiệt hại từ khi dự án dừng cho đến khi khởi tố nghĩa là càng khởi tố sớm thì thiệt hại càng ít, chậm khởi tố thì thiệt hại còn nhiều hơn, như vậy có thỏa đáng không?

Trước đó, trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng, PVB ra đời theo chủ trương của PVN và Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học (Ban chỉ đạo), trong đó vốn góp thực tế thuộc về các đơn vị thành viên của PVN. PVN nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, đồng thời về cơ cấu tổ chức thì thành viên Ban lãnh đạo của PVB đều là đại diện của các đơn vị thành viên của PVN.

Do đó, trên thực tế, PVB hoàn toàn bị chi phối và lệ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của PVN, Ban chỉ đạo và các công ty con của PVN đã sáng lập ra PVB.

VKS xác định, có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở thực tiễn để xác định, từ bị cáo Đinh La Thăng đến các bị cáo tại PVC và PVB đều thuộc về một cơ cấu, tổ chức thống nhất. Các bị cáo đã câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, các bị cáo tại PVC và PVB đều có sự tiếp nhận ý chí chung từ sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu cho một đơn vị trong nội bộ PVN là PVC và cùng thống nhất tổ chức thực hiện. Việc các bị cáo tại PVC cho rằng PVC không phải là chủ đầu tư thì không phải là chủ thể của tội "Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" là không có căn cứ.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, VKS cho rằng, bị cáo có trách nhiệm phải chỉ đạo đúng theo các quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Tại phiên tòa, bị cáo Thăng cho rằng bị cáo không có trách nhiệm phải biết nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm hay không là bất chấp các quy định của pháp luật về chỉ định thầu theo Luật Xây dựng và đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.