1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ô tô cá nhân buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe.

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới.

Trong đó, tại Điều 33 quy định Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo lần 4 yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải "có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".

Hiện nay, chỉ các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải khi tham gia kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu, quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ về đơn vị kinh doanh vận tải, và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.

Ô tô cá nhân buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình? - 1

(Ảnh minh họa: SKĐS).

Ngoài ra, tại dự thảo lần trước, yêu cầu về bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được Bộ Công an quy định tại một "điểm" của khoản 1 Điều 33.

Tuy nhiên, tại dự thảo lần 4, Bộ Công an đã đề xuất riêng Điều 35 về Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp và Điều 36 về Bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Điều 35 có 5 điểm, trong đó có quy định "Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp".

Trong khi đó, Điều 36 có 6 điểm, một trong số đó là "Đăng kiểm viên là người được cấp chứng chỉ để thực hiện công tác chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới; kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng".

Dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng đề xuất về niên hạn sử dụng của xe cơ giới, tại Điều 37.