1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nuốt nỗi đau, xin tha chết cho kẻ giết con mình

Xuân Duy

(Dân trí) - Người cha mất con đã nén nỗi đau, xin giữ lấy sinh mạng cho "đứa con tội lỗi" của người khác với hy vọng sự bao dung sẽ "gieo" vào kẻ giết người lòng hướng thiện.

Từ cuộc vui tới án mạng

Hồ sơ vụ án thể hiện, sáng 16/6/2019, Nguyễn Anh Quốc và nhóm bạn tổ chức uống bia, hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại một bãi đất trống thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Đến chiều cùng ngày, ông N.V.T. (ở trọ gần khu vực đó) cũng kéo một loa karaoke ra bãi đất trống đối diện với bãi đất mà Quốc và nhóm bạn đang tụ tập.

Nuốt nỗi đau, xin tha chết cho kẻ giết con mình - 1
Bị cáo Quốc lãnh án tử hình.

Thấy ông T. mở nhạc, Quốc bất ngờ đi tới, đạp loa của ông T. xuống mương. Không chỉ vậy, Quốc vô cớ ra tay hành hung khiến ông T. ngã xuống đất. Mọi người chạy đến can ngăn thì ông T. mới thoát thân, đi về phòng trọ.

Chưa dừng lại, Quốc vẫn chưa buông tha. Quốc nhanh tay lấy cây kéo nhọn (do người khác để gần chỗ ông T. ngồi mở loa karaoke) rồi đuổi theo nạn nhân. Trong lúc xô xát, Quốc đâm 2 nhát khiến nạn nhân tử vong trước khi đến bệnh viện.

Với hành vi của mình, Quốc bị cấp sơ thẩm tuyên phạt án tử hình về tội giết người. Sau án sơ thẩm, bị cáo và gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Ra tòa phúc thẩm với án tử "lơ lửng" trên đầu, suốt phiên tòa, Nguyễn Anh Quốc không giấu được sự lo lắng, sợ hãi, xen lẫn hối hận.

Đứng trên bục thẩm vấn, bị cáo khai rõ ràng, rành mạch về ngày định mệnh khiến bị cáo bỗng chốc trở thành hung thủ giết người.

Đại diện cơ quan công tố hỏi bị cáo nhận thức như thế nào về hành động đó. Trả lời, Quốc đáp lí nhí: "Bị cáo gây ra tội ác không thể tha thứ. Biết nạn nhân qua đời, bị cáo hiểu rằng mọi sự ăn năn, hối cải đều đã quá muộn".

Trần tình về lý do kháng cáo, Quốc nói mong muốn có cơ hội làm lại cuộc đời, cầu xin cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Suốt phiên xử, bị cáo liên tục nói lời xin lỗi, cúi đầu tạ tội trước cha mẹ nạn nhân.

Lòng bao dung

Dưới hàng ghế đại diện bị hại là người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé, độ tuổi "lục tuần". Ông chính là cha của bị hại, người đàn ông này tới tòa để xin cho bị cáo cơ hội được sống, được làm lại cuộc đời. Cha nạn nhân tỏ ra bình tĩnh ngồi nghe tòa đọc bản án sơ thẩm, lâu lâu ông lại cuối đầu xuống bởi khi nhắc đến hành vi phạm tội của bị cáo như những mũi dao đâm vào tim ông, đau nhói.

Khi chủ tọa nhắc lại nguyện vọng trong đơn kháng cáo, ông quả quyết vợ chồng ông giữ nguyên mong muốn như nội dung trình bày trong đơn gửi tòa phúc thẩm.

Đứa con trai mà ông sinh ra, dưỡng dục cùng bao hy vọng nhưng đã bị Quốc sát hại dã man. Tuy nhiên, bằng tình người, sự bao dung ông đã nuốt nỗi đau vào trong mong tòa cứu lấy đứa con tội lỗi của người khác và hy vọng sự bao dung sẽ gieo vào kẻ giết người lòng hướng thiện.

"Tôi thấy bị cáo Quốc còn rất trẻ nên tính cách có phần bồng bột. Hơn nữa, cha mẹ bị cáo đều lớn tuổi, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Người đi dù sao cũng đã đi rồi, pháp luật có tử hình bị cáo thì con tôi không thể sống lại. Vợ chồng tôi thật sự không hề mong bậc cha mẹ nào lại lâm vào hoàn cảnh mất con như chúng tôi", ông bày tỏ một cách chân thành.

Cha nạn nhân đề đạt tòa án đưa ra mức án nghiêm khắc, đủ sức trừng trị và răn đe nhưng cũng thể hiện tính khoan hồng, cho bị cáo cơ hội làm lại cuộc đời.

Nghe những lời ông trình bày, bị cáo Quốc ngồi cúi gằm mặt, nín lặng. Mãi đến khi nói lời sau cùng, bị cáo quay lại cảm ơn gia đình bị hại và không ngừng cúi gập người xin lỗi.

Lòng người có thể bao dung trước những ăn năn, hối cải của bị cáo cũng như hoàn cảnh ngặt nghèo mà gia đình bị cáo đối mặt. Nhưng với hành vi côn đồ, vô cớ tước đoạt mạng sống của người khác, pháp luật khó dung thứ. Theo Hội đồng xét xử, trong trường hợp này, những tình tiết giảm nhẹ không đủ sức thuyết phục, không thể giúp bị cáo thoát mức án cao nhất là tử hình.

Nghe tòa tuyên án, Quốc run rẩy tra tay vào còng, bước từng bước nặng nề ra xe dẫn giải. Sau lưng anh ta là tiếng khóc tuyệt vọng của người thân.

Không mong muốn một gia đình nữa phải đau đớn vì mất con nên cha của nạn nhân đã đến dự phiên tòa, đề đạt mong muốn... Nhưng, để cuộc sống bình an, luật pháp luôn cần được "thượng tôn"! Lặng người một lát, cha nạn nhân cũng chậm rãi rời tòa.