Nữ tổng giám đốc lừa đảo gần 94 tỷ đồng

Thành lập và nắm giữ chức vụ quan trọng của công ty, Trần Hồng Việt luôn thể hiện mình là một nữ doanh nhân “tầm cỡ”. Nhưng rồi vẻ hào nhoáng bên ngoài của đối tượng nhanh chóng bị bóc mẽ, bởi sự thật nữ doanh nhân ấy chỉ là một “siêu lừa”.

Nữ tổng giám đốc Trần Hồng Việt cùng đồng phạm tại tòa
Nữ tổng giám đốc Trần Hồng Việt cùng đồng phạm tại tòa

Từ việc mở trường…

Trong các ngày 18, 19 và 20-2, TAND TP Hà Nội đã đưa Trần Hồng Việt (SN 1976, trú ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Hương Việt ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng phạm của Việt trong các phi vụ lừa đảo còn có Nguyễn Khắc Toản (SN 1970, ở phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), Huỳnh Hoàng Bắc (tên gọi khác là Huỳnh Hoàng Nam, SN 1975, ở thị trấn Châu Thành, Châu Thành, Sóc Trăng), Trương Hoàng Hải (SN 1978, trú tại phường 12, quận 8, TP.HCM) cùng Hà Đức Nhơn (SN 1979, trú ở phường Phú Liễn, Kiến An, Hải Phòng), tất cả đều bị cáo buộc vào cùng tội danh với Việt. Riêng Huỳnh Hoàng Bắc còn bị buộc thêm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Con đường lừa đảo của Trần Hồng Việt bắt đầu từ năm 2007, khi ấy một HTX nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương được phép thành lập và xây dựng Trường trung học dân lập kỹ thuật công nghệ cao Hương Việt (gọi tắt là Trường Hương Việt). Nắm được thông tin này, cặp đôi sống như vợ chồng Trần Hồng Việt và Nguyễn Khắc Toản lập tức liên hệ với những người có trách nhiệm để bày đặt chuyện góp vốn.

Có được bộ hồ sơ pháp lý về dự án, đầu năm 2008, Việt – Toản tìm gặp anh Phạm Văn Tuế (ở thị xã Dĩ An, Bình Dương) để vay 1 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được tiền, cặp đôi Việt - Toản lập tức trốn khỏi Bình Dương. Cũng với cái cớ được đầu tư xây dựng Trường Hương Việt và trong tay đang có rất nhiều dự án “màu mỡ”, năm 2008, Việt – Toản lại tìm gặp chị Đinh Thị Thúy Mùi (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi vay nhiều tỷ đồng. Đổi lại, chị Mùi sẽ nhận được lãi suất cao và có nhiều lợi ích trong một số dự án. Để “con mồi” tin tưởng, quá trình thuyết phục chị Mùi, Việt liên tục trình ra những bộ hồ sơ, giấy tờ về nhiều dự án lớn, trong đó có cả mớ giấy tờ thể hiện 3 triệu USD đang trên đường vào tài khoản của đối tượng.

Choáng ngợp trước tiềm năng của Việt, từ đầu năm 2008 đến tháng 10 năm đó, chị Mùi đã 7 lần mở két để cho đối tượng này vay gần 8 tỷ, nhưng lại chỉ lập giấy tờ vay mượn hơn 4,8 tỷ đồng. Thế rồi cũng giống như trường hợp nêu trên, chị Mùi dần mất kiểm soát thông tin đối với “con nợ” và sau cùng là không biết đi đâu để tìm Việt thu hồi tài sản.              

Đến “bày trận” thông qua các dự án

 

Sau khi “kiếm” bộn tiền từ hai vụ lừa đảo ở trong Nam, giữa năm 2008, cặp đôi Việt – Toản quay lại Hà Nội và thành lập Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Hương Việt (gọi tắt là công ty Hương Việt), tiếp tục “giăng bẫy”… để nạn nhân đầu tiên trong chuỗi bị hại muốn được sở hữu nhà, đất ở Dự án Thanh Hà Cienco5 cũng như một số dự án khác là chị Đào Thị Mai Phương, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Cụ thể, đầu năm 2010, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (gọi tắt là Cienco5) triển khai Dự án Xây dựng khu đô thị Thanh Hà A – B. Mặc dù chỉ có quan hệ xã hội với một số người ở Cienco5, nhưng Việt – Toản không ngừng giới thiệu, quảng bá về khả năng thu xếp cho khách hàng trực tiếp ký hợp đồng mua bán nhà, đất với chủ đầu tư. Cặp đôi lừa đảo rêu rao chính Công ty Hương Việt cũng có suất đầu trong dự án.

Nhằm lòe bịp mọi người, Việt còn săn lùng nhiều bản vẽ, thiết kế kỹ thuật liên quan đến dự án Thanh Hà mang về treo ở văn phòng công ty. Tiếp đến, Việt bổ nhiệm Hà Đức Nhơn làm Phó Chủ tịch HĐQT công ty và lôi kéo thêm Huỳnh Hoàng Bắc, Trương Hoàng Hải vào kế hoạch phạm pháp...

Đầu năm 2009, chị Phương tìm gặp Việt “đặt cọc” 400 triệu đồng mua 2 lô đất ở dự án Vân Canh, Hoài Đức. Khi không sắp xếp được cho chị Phương ký hợp đồng với chủ đầu tư, Việt lập tức “lái” sang Dự án Thanh Hà. Tin tưởng đối tác, chị Phương sau đó giao ngay 5,5 tỷ đồng cho Việt. Chị này đã bị lừa sạch số tiền 5,9 tỷ “đặt cọc” trong cả hai dự án. Anh Kiều Ngọc Khanh (ở Hoàn Kiếm) bị Việt cùng đồng bọn chiếm đoạt 10 tỷ đồng; anh Trần Đức Hùng (Ba Đình) bị lừa 3,6 tỷ đồng đều với thủ đoạn “đặt cọc” tiền mua đất ảo. Cá biệt là ngay cả một công ty chuyên doanh về bất động sản cũng bị Việt cùng đồng bọn cho ăn “quả đắng” bằng thủ đoạn góp vốn đầu tư với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Tài liệu truy tố các bị cáo cho thấy, từ năm 2008 đến cuối năm 2010, Trần Hồng Việt cùng đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 76,8 tỷ đồng của 8 cá nhân và 1 pháp nhân với thủ đoạn “đặt cọc” tiền mua nhà, đất và góp vốn đầu tư tại nhiều dự án nhà ở. Ngoài ra, cá nhân Việt còn chiếm đoạt của 4 người khác hơn 17 tỷ đồng cũng bằng thủ đoạn mua bán nhà, đất “ảo” hoặc góp vốn làm ăn. Trong 3 ngày xét xử liên tục, mặc dù các bị cáo không thừa nhận hết các hành vi, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và đổ vấy trách nhiệm cho nhau, song căn cứ vào các lời khai tại phiên tòa cùng nhiều tài liệu liên quan có thể thấy cáo trạng quy buộc Trần Hồng Việt cùng đồng bọn theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hôm nay (24-2), TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và sẽ ra phán quyết.

Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô