1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nữ quản giáo và hành trình cảm hóa phạm nhân

Tại Hội nghị Gia đình phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức những giọt nước mắt nghẹn ngào, chan chứa yêu thương sau nhiều năm xa cách giữa phạm nhân và người thân như muốn trào dâng. Nhưng phía sau câu chuyện ấy là một hành trình gian nan về sự cảm hóa, giáo dục từ một phạm nhân "cộm cán" trở thành điển hình lao động cải tạo tốt...

Hình ảnh nữ phạm nhân Phạm Ngọc My và hai người mẹ (mẹ chồng và mẹ ruột) cùng hai con trai của phạm nhân ôm nhau khóc nức nở trong ngày hội ngộ tại Hội nghị Gia đình phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức khiến nhiều người xúc động. Những giọt nước mắt nghẹn ngào, chan chứa yêu thương sau nhiều năm xa cách giữa phạm nhân và người thân như muốn trào dâng. Nhưng phía sau câu chuyện ấy là một hành trình gian nan về sự cảm hóa, giáo dục từ một phạm nhân "cộm cán" trở thành điển hình lao động cải tạo tốt...

Nữ phạm nhân "đặc biệt"

Nói về phạm nhân Phạm Ngọc My (43 tuổi), quê TP Hồ Chí Minh, đang thụ án tại Đội 3, Phân trại số 1, Trại giam Thủ Đức (đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), các quản giáo ở đây bảo rằng, đó là một phạm nhân "đặc biệt" với "thành tích" bất hảo, dày đặc.

Giây phút phạm nhân My được gặp hai con đầy xúc động.
Giây phút phạm nhân My được gặp hai con đầy xúc động.

My bị bắt giữ từ năm 2003 về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Sau khi xử án, trải qua 4 lần chuyển trại giam khác nhau cùng 26 lần vi phạm nội quy trại giam trong thời gian thụ án, nữ phạm nhân này nhận tổng cộng mức án 28 năm 11 tháng 12 ngày.

Hôm gặp chúng tôi ở Hội nghị Gia đình phạm nhân năm 2017 tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, được biết My từ một phạm nhân cá biệt từng khiến Ban giám thị và cán bộ quản giáo ăn không ngon, ngủ không yên nhưng giờ đã "cải tà quy chính", trở thành một con người biết suy nghĩ đúng sai, phải trái, chấp hành tốt nội quy trại giam. Mới đây nhất, tháng 9-2015, nữ phạm nhân này đã được trại công nhận là phạm nhân cải tạo tốt.

Để có được kết quả này, việc cảm hóa, giáo dục phạm nhân My là cả một hành trình dài đầy vất vả, gian nan. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Lý Thị Phương, cán bộ quản giáo Phân trại số 1 cho biết, sau nhiều lần vi phạm nội quy trại giam và phải chuyển trại, đến tháng 11-2014, phạm nhân My được chuyển về Trại giam Thủ Đức.

Những ngày đầu về trại, My tiếp tục tỏ ra bất cần, không chấp hành những nội quy của trại, liên tục vi phạm, gây gổ với những phạm nhân khác… Dù đã được Ban Giám thị cũng như các cán bộ quản giáo động viên, giảng giải nhưng My vẫn chứng nào tật đó, và tiếp tục vi phạm nội quy trại giam.

Chính thái độ có phần ngổ ngáo của My khiến Thiếu tá Lý Thị Phương phải trăn trở, tìm hiểu kỹ càng về trường hợp này. Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình cũng như cuộc sống bản thân My có rất nhiều trắc trở, éo le nên cán bộ quản giáo có giải pháp phù hợp.

My kể, lúc đầu vào trại với mức án cao, bỏ hai con còn nhỏ cho người mẹ già, còn chồng của My cũng đang phải chấp hành án tại Trại giam An Phước (đóng tại Bình Dương) với tội danh giống như My… nên phạm nhân tỏ ra rất bi quan.

Thiếu tá Lý Thị Phương cho biết, khi nhận quản lý và cảm hóa trường hợp đặc biệt này khiến chị cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ. Bởi khi mới được chuyển đến Trại giam Thủ Đức, My đã đánh nhau với nữ phạm nhân khác cùng vô số lần giáo dục, nhắc nhở nhưng có vẻ My không nhận ra điều sai trái…

Nữ phạm nhân Phạm Ngọc My.
Nữ phạm nhân Phạm Ngọc My.

Sau khi đã nghiên cứu thật kỹ hồ sơ về phạm nhân My, chị đã tìm gặp và phối hợp với gia đình, thân nhân phạm nhân để có một cách giáo dục, cảm hóa phù hợp.

Nhưng quan trọng nhất là cán bộ quản giáo phải trực tiếp đấu tranh khai thác, phải nhiều lần gặp phạm nhân, trao đổi, tâm sự, chia sẻ, động viên để có thể hiểu hơn hoàn cảnh và nguồn cơn phạm nhân này vi phạm nội quy trại giam và liên tục như thế.

Dù về mặt lý thuyết cơ bản là như thế, nhưng thực tế, để một phạm nhân có bề dày bất hảo như My trở về nẻo thiện, thay đổi theo chiều hướng tích cực, cải tạo tốt, Ban Giám thị cũng như các cán bộ quản giáo đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian...

Thiếu tá Lý Thị Phương cho biết, để giáo dục và cảm hóa phạm nhân My thì phải dùng yếu tố tình cảm là quan trọng nhất, trong đó có sự tác động của thân nhân gia đình từ mẹ già đến con nhỏ cho tâm lý phạm nhân thức tỉnh.

Hành trình cảm hóa

"Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc tâm sự với nữ phạm nhân này, tôi chủ động tìm hiểu suy nghĩ nội tâm của phạm nhân để biết người ấy đang nghĩ gì, đang trăn trở điều gì để tác động hợp lý. Với phạm nhân My, tôi phát hiện một điều quan trọng là luôn rất nhớ con, thương mẹ.

Thiếu tá Lý Thị Phương.
Thiếu tá Lý Thị Phương.

Tôi thường xuyên tâm sự với cô ấy về những điều phải chăm lo cho con nhỏ, báo hiếu cho mẹ già, bởi ngoài hai đứa con nhỏ vẫn ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới cần có bàn tay người mẹ chăm sóc, thì người mẹ già của chị My hàng ngày vẫn phải làm thuê, làm mướn để có tiền hàng tháng tới thăm con gái trong trại…", Thiếu tá Lý Thị Phương kể lại.

Tiếp đó, các thành viên của Ban Giám thị trại cũng thường xuyên trực tiếp gặp gỡ nói chuyện với nữ phạm nhân "cộm cán" này… Trước sự tận tình và tận tâm của Ban Giám thị và bản thân nữ quản giáo Phương đã làm phạm nhân My thổ lộ tâm sự và khẳng định sẽ thay đổi, cố gắng cải tạo thật tốt để còn có cơ hội trở về với mẹ già và hai con trai của mình. Và thực tế từ tháng 9-2015 đến nay, phạm nhân My đã được công nhận là một phạm nhân, chấp hành tốt nội quy trại giam.

"Sau nhiều năm kinh nghiệm thực tế, tôi thấy rằng bên cạnh dùng nội quy thì việc dùng nhân tâm của mình để cảm hóa, thu phục được phạm nhân là rất lớn", Thiếu tá Lý Thị Phương chia sẻ.

Kể về khoảnh khắc khi hai người con trai của phạm nhân xuất hiện bất ngờ tại Hội nghị Gia đình phạm nhân năm 2017 lúc nữ phạm nhân này đang chia sẻ lại hành trình trở về nẻo thiện của mình, Thiếu tá Lý Thị Phương xúc động: "Lúc đó khi người dẫn chương trình báo sẽ có món quà đặc biệt dành cho nữ phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, My không biết mình sẽ được gặp hai con trong hoàn cảnh đó. Lúc hai cháu bé xuất hiện và ôm chầm lấy mẹ cùng âm điệu dạt dào của bài hát "Tình mẹ" vang lên thì tôi cũng như tất cả mọi người trong khán phòng thật sự xúc động.

Những hình ảnh đó khiến tôi cũng như mọi người cảm nhận được tình mẫu tử, tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng, khiến người ta có động lực để có thể đương đầu với mọi khó khăn, cải tạo thật tốt, để sớm trở về với gia đình, với cuộc sống bình thường.

Trường hợp này thực sự là một bài học kinh nghiệm cũng là một trường hợp điển hình cho việc dùng tình cảm, sự chân thành để cảm hóa, giáo dục phạm nhân kết hợp với thân nhân gia đình phạm nhân để có thể thu phục được tình cảm của phạm nhân, nhằm giáo dục, cải tạo thành công.

Trong niềm vui vô bờ bến được gặp hai con sau nhiều năm đằng đẵng, phạm nhân My cũng nghẹn ngào chia sẻ: "Lúc đầu khi nghe sẽ được nhận một món quà đặc biệt, tôi chỉ nghĩ đó là một vật phẩm gì đó. Không ngờ tôi lại được gặp trực tiếp hai con mình bằng xương bằng thịt. Sau cả chục năm trời, các con tôi đã khôn lớn và may mắn là cả hai đều vẫn thương nhớ tôi. Đó là điều tôi thực sự hạnh phúc. Qua đây tôi cũng chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ của trại. Tôi hứa sẽ quyết tâm, cố gắng cải tạo thật tốt để không phụ lòng quan tâm, giúp đỡ của cán bộ trại giam…".

Theo Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức, trong những năm qua, trại luôn coi trọng công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", Đảng ủy, Ban lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ luôn luôn đoàn kết nhất trí, lấy bao dung, độ lượng với tình thương trách nhiệm đã giúp nhiều phạm nhân gột bỏ lỗi lầm, ăn năn hối cải, thi đua cải tạo trở thành người có ích…

Nhận rõ mỗi phạm nhân có đặc điểm riêng về tâm lý, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống khi còn ngoài xã hội, điều kiện phạm tội, quá trình chấp hành án nên bên cạnh hình thức giáo dục chung, trại đã chú trọng giáo dục riêng để nắm tình hình, diễn biến tư tưởng thái độ của các phạm nhân.

Hình ảnh nghẹn ngào khi chị My ôm chầm lấy mẹ ruột và mẹ chồng cùng người thân.
Hình ảnh nghẹn ngào khi chị My ôm chầm lấy mẹ ruột và mẹ chồng cùng người thân.

Nhất là với những phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém, giam riêng, có thái độ tư tưởng bất cần chống đối… trại đã áp dụng các biện pháp thuyết phục, động viên cũng như răn đe để uốn nắn, giải quyết tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định tâm lý.

Đặc biệt, trại chú trọng phối hợp chặt chẽ với thân nhân gia đình trong giáo dục phạm nhân, bởi đây là những người gần gũi nhất, hiểu rõ đặc điểm tâm lý và có sức ảnh hưởng lớn đối với phạm nhân.

Sự quan tâm, lo lắng và những lời động viên, an ủi cả về tinh thần và vật chất chính là nguồn động lực để phạm nhân cố gắng cải tạo tiến bộ. Đặc biệt với những phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy trại giam, vi phạm pháp luật, cán bộ quản lý trại luôn thường xuyên liên lạc trao đổi tình hình, tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình thân nhân thăm gặp, điện thoại, thư từ để tác động, thuyết phục, giáo dục họ biết hối cải mà rèn luyện cải tạo. Và phạm nhân My là một điển hình thành công trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Theo Phú Lữ

Cảnh sát toàn cầu