1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nữ giáo viên Công an miệt mài truyền lửa cho học sinh vùng cao

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là những gì chúng tôi cảm nhận được ở Đại úy Phạm Hồng Hạnh khi hằng ngày chị vượt gần 40 cây số từ nhà tới trường và ngược lại, miệt mài truyền lửa cho học sinh nhưng vẫn chu tất việc nhà, nuôi dạy con ngoan, học giỏi.

Hạnh phúc của người giáo viên là được học trò yêu mến, với Đại úy Phạm Hồng Hạnh, giáo viên Trường Văn hóa I, Bộ Công an thì niềm hạnh phúc đó lại được nhân lên khi học trò của chị đều ngoan, tiến bộ trong học tập và luôn yêu thương chị như người mẹ thứ hai.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là những gì chúng tôi cảm nhận được ở Đại úy Phạm Hồng Hạnh khi hằng ngày chị vượt gần 40 cây số từ nhà tới trường và ngược lại, miệt mài truyền lửa cho học sinh nhưng vẫn chu tất việc nhà, nuôi dạy con ngoan, học giỏi.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị Hạnh về dạy bộ môn Toán của Trường Văn hóa I. Học trò của chị đều là con em dân tộc vùng 135 (vùng đặc biệt khó khăn của cả nước). Nhìn các em mới vào trường còn rụt rè, bỡ ngỡ, lại còn nhỏ đã phải sống xa gia đình, chị rất thương.

Tình thương với học trò cứ lớn dần lên khi chị gắn bó với các em, dạy dỗ, chăm sóc, động viên các em hằng ngày. Từ một cô giáo trẻ, chị được học trò thương yêu và luôn miệng gọi bằng “mẹ”. Niềm xúc động đó đã nuôi cho mơ ước của chị ngày một lớn dần…

Nhà chị ở TP Thái Nguyên, mỗi ngày chị đều vượt 18km tới trường và lại đi quãng đường đó về nhà, với một cô giáo trẻ thì sẽ không thấm vào đâu. Nhưng kể từ ngày chị lập gia đình, sinh con, việc đi lại cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều người khuyên chị xin về một trường ở thành phố cho gần nhà, nhưng chị đâu làm thế được. Bởi chị đã gắn bó với ngôi trường này, nơi đó có những học trò thân thương của mình.

Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay đã hơn 10 năm chị miệt mài đứng trên bục giảng với bao lớp học trò ra trường. Hiện chị đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, một lớp mà hầu hết học sinh đều là người dân tộc thiểu số.

Chị kể, do học sinh còn nhận thức chậm nên chị phải có phương pháp phù hợp như chia dạng bài, phân dạng cách giải theo bước áp dụng để làm, không cho các em bài tập nâng cao nhiều. Hằng ngày, ngoài giờ học trên lớp, học sinh ở Trường Văn hóa I còn phải lao động tăng gia sản xuất như tự trồng rau, mỗi năm một em phải sản xuất 10kg rau xanh.

Học sinh của chị rất chăm chỉ, em nào cũng vượt chỉ tiêu, rau xanh thừa thì nhập vào bếp ăn. “Cô còn được các em tặng rau xanh nữa đấy. Ngày 20/11, có em tặng cô cả “ôm” rau. Đó là thành quả lao động của các em, giáo viên chúng tôi rất mừng”, chị Hạnh cho biết.

Gia đình Đại úy Phạm Hồng Hạnh.


Gia đình Đại úy Phạm Hồng Hạnh.

Chia sẻ bí quyết giúp học sinh tiến bộ của mình cho chúng tôi, chị nói đó là cô giáo luôn phải động viên, khích lệ học trò. Muốn thế thì cô phải gần gũi, thương yêu học sinh để các em trao đổi, tâm sự với mình. Em nào học yếu kém, mình đều dành thời gian buổi chiều để lên lớp phụ đạo, tháo gỡ nút thắt cho các em. Khi các em từng bước tiến triển, mình đều khích lệ, khuyến khích để các em tự tin”.

Trong các bài giảng, lúc nào chị cũng truyền niềm tin cho các em, hướng cho các em phấn đấu học tốt các môn để thi vào đại học. Nhiều học trò đã tin tưởng, chia sẻ với chị mọi tâm tư, tình cảm. Lúc nào các em cũng “mẹ Hạnh” hoặc “con thưa mẹ” làm chị thấy ấm áp vô cùng. Khi biết trong lớp có em Ngân Công Đức, quê ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa học hành sa sút, có ý định bỏ học, chị đã tìm hiểu và động viên em rất nhiều.

Nguyên do là mẹ của Đức bị ung thư, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, Đức định xin nghỉ học để về giúp đỡ gia đình. Chị Hạnh đã cùng với cán bộ quản lý học viên Nguyễn Thị Minh thay nhau động viên, giúp đỡ em trong học tập cũng như vệ sinh nội vụ.

Sau một thời gian, Đức đã lấy lại thăng bằng, em không còn ý định bỏ học nữa. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, chị Hạnh cảm thấy rất hạnh phúc vì học sinh của mình sau cú sốc tâm lý đã tiến bộ.

Cách đây chưa lâu, cậu học trò nhỏ Sồng A Nếch, quê ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng trong trạng thái như Đức. Qua tìm hiểu chị được biết, bố của Nếch bệnh cũng rất trầm trọng, nhà lại đông anh em nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nếch là một học trò siêng năng, ngoan, nếu để em bỏ dở việc học là điều vô cùng đáng tiếc.

Chị đã dồn hết tâm huyết để động viên, giúp đỡ Nếch bằng việc dành thời gian dạy phụ đạo môn Toán. Chị luôn đem đến cho Nếch một niềm tin, rằng em phải cố gắng học thì sau này mới giúp đỡ được gia đình. Nếch tiến bộ rất nhanh, em đã lấy lại tự tin trong học tập và luôn hứa với chị sẽ học tốt để sang năm thi vào trường cao đẳng.

Tan trường, về tới nhà trời đã tối mịt, thời gian đó chị mới dành cho gia đình nhỏ của mình. Chồng chị là Tiến sĩ hóa học, hai con chị đều rất ngoan và học giỏi. Cháu trai lớn là Mai Đức Trung, đang học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, TP Thái Nguyên, đạt giải nhất học sinh giỏi Toán – Tiếng Việt cấp thành phố và cấp tỉnh; được Huy chương vàng cấp quốc gia cuộc thi giải toán trên mạng Internet; giải nhất cấp tỉnh, cấp thành phố và giải 3 cuộc thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc…

Hạnh phúc với gia đình nhỏ, Đại úy Phạm Hồng Hạnh vẫn ngày ngày miệt mài truyền lửa, đem đến cho học trò niềm tin vào tương lai

Theo Trần Hằng
Công an nhân dân