Nghệ An:
Nỗi đau đằng sau vụ án cháu rể đâm chết bác vợ
(Dân trí) - Nhà bị cáo và bị hại vốn là chỗ thâm tình, chỉ vì một mảnh đất rừng mà nảy sinh mâu thuẫn. Khi đứa cháu rể đang tâm đâm chết ông bác vợ, sợi dây tình cảm giữa hai nhà đã đứt. Người mất mạng, kẻ vào tù, mâu thuẫn gia đình càng chồng chất.
Sáng ngày 28/2, tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Hồ Sỹ Thủy (SN 1975, trú tại xóm 9A, xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Trước đó, vào ngày 23/8/2011, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Thủy 17 năm tù về tội danh trên, đồng thời yêu cầu bị cáo bồi thường cho phía bị hại 75 triệu đồng. Tuy nhiêu, cả phía gia đình nạn nhân và bị cáo đều có đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
Quá trình xét xử xác định, sáng 17/1, Hồ Sỹ Thuỷ cãi nhau với vợ là Hồ Thị Ánh. Bị chồng đuổi đánh, chị Ánh bỏ đi. Khi vác dao đi tìm vợ, Thủy đến nhà bác vợ là Hồ Văn Thái (ở cùng xóm). Tại đây, sẵn có hơi men trong người, Thủy kiếm cớ sinh sự với bác vợ về chuyện đất đai. Sau khi hiểu lầm được hóa giải, Thủy đã xin lỗi ông Thái và tiếp tục ngồi uống nước. Được một lát lại nảy sinh cự cãi, bức xúc, Thủy dằn mạnh cốc nước xuống bàn làm vỡ kính.
Bị bác vợ mắng vì làm vỡ mặt bàn kính, Thủy tức khí định đánh ông Thái nhưng được mọi người can ngăn và đuổi về. Ra đến sân, trước lúc lên xe, Thủy còn nói vọng vào: “Tau là tau chém chết có thằng”. Ông Thái nghe vậy thì đứng dậy trả lời: “Mi đâm được thì đâm đi”.
Bức xúc trước câu nói thách thức của ông Thái, Thủy cầm 1 con dao nhọn chạy vào đâm liên tục 3 nhát vào vùng bụng, ngực và cánh tay phải của ông Thái làm ông này gục xuống trước cửa nhà.
Đại diện VKSND tối cao đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt 2 năm tù cho bị cáo Hồ Sỹ Thủy.
Phần tranh luận của luật sư hai phía tỏ ra khá căng thẳng. Luật sư của Thủy cho rằng bị cáo hành động trong trạng thái bị kích động khi ông Thái lên tiếng thách thức. Còn phía luật sư bị hại lại cho rằng người kích động vụ việc trước là Thủy. Việc Thủy cầm dao sang nhà ông Thái để tìm vợ hay với mục đích khác cần phải làm rõ. Khi vào nhà ông Thái, Thủy không hỏi gì về vợ mà lại đề cập đến vấn đề đất cát giữa hai nhà. Rõ ràng bị cáo Thủy đã có động cơ gây án ngay từ đầu chứ không phải bột phát.
Hành vi của Thủy không chỉ nhằm vào ông Thái vì sau khi được can ngăn, Thủy còn tiếp tục dùng dao chém vào anh Quảng - con trai ông Thái. Tuy nhiên, anh Quảng đã không đề nghị truy tố Thủy về tội cố ý gây thương tích. Từ những căn cứ trên, luật sư bị hại phản đối đề nghị giảm nhẹ hình phạt của đại diện Viện KSND tối cao, đồng thời cho rằng cần tăng mức án mới đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo. Vị luật sư cũng cho rằng tình tiết đầu thú và thành khẩn khai báo áp dụng cho bị cáo chưa thuyết phục, chưa đủ cơ sở xem xét để giảm nhẹ tội trạng cho bị cáo.
Khi được nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Hồ Sỹ Thủy rơm rớm nước mắt, mặt cúi gằm, nhìn trân trân xuống nền nhà, cất lời một cách khó nhọc: "Bị cáo xin nhận hết tội. Bị cáo rất ân hận về hành động của mình. Bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, xin tất cả anh em tha lỗi, cho bị cáo cơ hội sớm trở về đễ chuộc tội. Bị cáo còn vợ dại, con thơ…”. Nói được đến đây, Thủy như nghẹn lại.
Người phải chịu nhiều nỗi đau trong phiên tòa này chính là chị Hồ Thị Ánh. Người đứng trước vành móng ngựa là chồng chị, còn người đang ở trên bức di ảnh được mang tới tòa là bác ruột. Ngồi trên hành ghế dành cho người nhà bị cáo, chị Ánh không ít lần gạt nước mắt khi những người chú, người bác, người anh chị bên nhà mình một mực đề nghị tòa phải nâng mức hình phạt đối với chồng chị.
Quang Anh