1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những vụ thảm sát gia đình sau cơn phê ma túy đá

(Dân trí) - Sử dụng chất kích thích dẫn đến ảo giác, nhiều người quay ra truy sát người thân, gây nên những bi kịch gia đình.

Ngày 3/5, Công an quận Bình Tân phối hợp cùng Công an TPHCM bắt giữa Trương Tín (sinh năm 1990) sau khi bị cáo buộc sát hại 3 người thân trong gia đình. Vụ việc xảy ra tại ngoại thành Sài Gòn khiến nhiều người bàng hoàng.

Theo điều tra ban đầu, Tín là con út trong gia đình. Tín nghiện ma túy, có hồ sơ quản thúc tại địa phương từ năm 2017. Đêm 2/5, gia đình phát hiện Tín có biểu hiện bất thường nên lo sợ, đem dao kéo và những vật sắc nhọn trong nhà đi giấu.

Những vụ thảm sát gia đình sau cơn phê ma túy đá - 1

Tín bị cáo buộc sát hại 3 người trong gia đình.

Khi Tín gây gổ, la hét, tìm dao đòi "xử lý" gia đình, người cha hết mực khuyên can rồi chạy đi báo công an nhờ can thiệp. Tuy nhiên, khi cảnh sát đến nơi thì bà Lê Thị Điểu (sinh năm 1942, là bà ngoại Tín), bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (sinh năm 1963 mẹ ruột Tín) và bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (sinh năm 1965 dì ruột Tín) đã bị sát hại. Một người dì khác và đứa cháu nhỏ may mắn thoát nạn do kịp trốn trên lầu. Còn Tín cầm theo dao, chạy xe máy bỏ đi.

Nhiều trinh sát truy tìm Tín ngay trong đêm, bắt được đối tượng tại nhà người bạn ở quận Tân Phú.

Ngày 11/3, vụ án tương tự cũng xảy ra tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1993) sau khi chơi hàng đá thì bị ảo giác, nghĩ gia đình ngăn cấm mình yêu cô gái ở Long An nên rất tức giận, quyết định "giết hết".

Hắn chạy xe máy xuống nhà cô này, sát hại bà Trịnh Thị Nết (sinh năm 1961, bà ngoại của cô gái). Tiếp đó, Nam quay về nhà ở xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) giết mẹ ruột, chạy sang nhà bà nội gần đó chém chết bà và cha. Khi hắn cầm dao đi tìm chị mình thì bị cảnh sát bắt.

Những vụ thảm sát gia đình sau cơn phê ma túy đá - 2

"Ngáo đá" Nam được xác định đã sát hại người thân trong gia đình.

Nam là con thứ hai trong gia đình, Nam ăn chơi lêu lổng từ nhỏ và từng thụ án tù do liên quan đến một vụ cướp. Mãn hạn tù giữa năm ngoái, ngựa quen đường cũ, Nam vẫn tụ tập với bạn bè nhậu nhẹt, sử dụng ma túy đá.

Đầu tháng 4 vừa qua, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1985, ngụ tại Bình Chánh) mức án tử hình.

Theo nội dung vụ án, Tuấn và chị N.M.T.T chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2014 và thuê nhà trọ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM để ở.

Đêm 6/9/2017, cả hai cùng sử dụng hàng đá, nhưng người vợ đi ngủ trước. Tuấn uống thêm vài lon bia thì bị ảo giác, nhìn vợ hóa "chiếc sọ người tấn công mình" nên vớ dao, kéo... đâm liên tiếp vào đầu chị này đến khi nạn nhân tử vong. Không biết vợ đã chết, anh ta tiếp tục tra tấn rồi lấy búa phá cửa phòng trọ, trốn vào bụi cây.

Những vụ thảm sát gia đình sau cơn phê ma túy đá - 3

Nguyễn Thanh Tuấn lãnh án tử hình khi nhìn vợ thành quỷ.

Luật sư Nguyễn Văn Tài (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết từng tham gia bào chữa chỉ định cho nhiều bị cáo gây án trong cơn ngáo đá. Vài năm gần đây, những vụ án mạng do người nghiện thực hiện ngày càng nhiều. Những người này khi bị ảo giác đều có biểu hiện mất kiểm soát, nhìn những người thân xung quanh thành mối đe dọa nên tấn công.

Theo luật sư Tài, việc mua bán các chất gây nghiện ngày càng dễ dàng nên một bộ phận lớn thanh niên, đặc biệt trẻ chưa thành niên, có xu hướng sử dụng nhiều. Người nghiện đa phần chưa được quản lý, đưa đi cai... là nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng.

"Hiện nay, luật chưa quy định đích danh về việc phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” nhưng trạng thái tinh thần do “ngáo đá” gây ra chính là hậu quả của việc phê ma túy, chứ không phải mất năng lực hành vi dân sự như đã được quy định trong luật. Vì thế, phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” là tình tiết tăng nặng, thay vì giảm nhẹ. Vì thứ nhất, “đá” chính là một dạng ma túy bị pháp luật cấm sử dụng, thứ hai, người “ngáo đá” là người tuy ý thức được việc mình đang có hành động vi phạm nhưng vẫn cố tình thực hiện. Để thuận tiện cho việc xét xử hành vi này, tôi nghĩ cần sớm có văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết hơn”, luật sư Tài cho hay. 

Một thẩm phán tòa hình sự TAND TPHCM cho rằng: theo quy định tại điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

 Như vậy phạm tội khi "ngáo đá" thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Đồng thời, người “ngáo đá” thực hiện hành vi trong tình trạng loạn thần nhưng không phải là trường hợp bị tâm thần nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ mà người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt theo tội danh mà mình vi phạm.

Xuân Duy