DNews

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc

Bảo Trân Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Đã 14 tháng kể từ thời điểm xảy ra vụ án 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc làm 2 người chết, nhưng nỗi đau của người nhà bị hại, người nhà bị cáo vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc

7h30 sáng ngày 25/1, bà Đặng Thu Ba (SN 1967, mẹ của bị hại Nguyễn Anh Thư, SN 1997, nạn nhân tử vong trong vụ 70 giang hồ bảo kê tranh chấp đất ở Phú Quốc) có mặt tại Trung tâm văn hóa tỉnh Kiên Giang, nơi diễn ra phiên xét xử vụ án.

Khi người người tất bật chuẩn bị sắm Tết, bà Thu Ba lại cùng chồng là ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1968) bỏ hết công ăn việc làm, đi xe máy hơn 150km từ Cà Mau lên Kiên Giang dự phiên xét xử với vai trò là mẹ của bị hại.

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - 1

Bà Đặng Thu Ba trầm ngâm nghe HĐXX phân tích cáo trạng vụ án (Ảnh: Bảo Trân).

"Con chết rồi tôi mới hay"

Để tiện cho quá trình xét xử kéo dài 15 ngày, bà Ba thuê nhà nghỉ gần Trung tâm văn hóa tỉnh Kiên Giang. 

"Cha thằng Thư đưa tôi lên đây rồi về dưới làm. Cả nhà ủy quyền cho tôi nên tôi đi một mình thôi", bà Thu Ba nói. 

Sau phiên tòa, có hơn chục người là người thân của các bị cáo tìm gặp bà Thu Ba. Hết lượt gia đình này đến lượt gia đình khác. Bà Thư để lại số điện thoại rồi xin phép họ về chỗ nghỉ lấy sức cho ngày ra tòa tiếp theo.

Nói với PV Dân trí, bà Thu Ba thở dài: "Nhiều lắm, toàn là gia đình của các bị cáo. Họ hỏi thăm, xin tôi làm đơn kháng cáo. Mấy ngày nay điện thoại của tôi có lúc nào ngơi đâu".

Khi được hỏi về dự định xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, bà Thu Ba im lặng một hồi lâu rồi đáp: "Tôi biết chuyện con tôi chết không ai mong muốn hết, tôi biết chứ, tôi cũng đau". 

Bà Ba kể, Anh Thư là con thứ hai đồng thời là trụ cột chính trong gia đình. Một mình Thư đi làm nuôi cha, mẹ, vợ và con nhỏ chưa tròn 2 tuổi.

"Vợ chồng nó xin tôi qua Phú Quốc đi làm thuê, để cháu nội cho tôi giữ. Bình thường Thư đi dựng nhà cho người ta, vợ làm công nhân. Trước khi xảy ra chuyện, tôi đi Bình Dương buôn bán kiếm thêm để đỡ phần con, cha Thư thì làm rửa xe tại nhà. Sau khi Thư mất, tôi và vợ Thư về lại Cà Mau", bà Thu Ba kể.

Về sự việc đau lòng xảy ra ngày 27/10/2022, người mẹ 57 tuổi nhớ lại: "Bữa đó, con dâu tôi gọi về nói "Thư đi làm, bị bắn chết rồi". Lúc đó, tôi không còn biết gì nữa".  

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - 2

Bà Thu Ba cho biết 14 tháng qua sau khi con trai chết, gia đình bà vẫn chưa ổn định tinh thần (Ảnh: Bảo Trân).

Câu nói cuối cùng của con trai

"Thằng Thư nó quấn quít với mẹ lắm, cái gì cũng mẹ ơi", bà Ba cười như mếu khi nhắc đến người con trai đã mất.

Nhắc về lần cuối ngồi với con trai, bà Thu Ba nhìn xa xăm với đôi mắt đỏ hoe: "Thư nó lại ngồi sát tôi rồi nói "Mẹ ơi con nhổ tóc bạc cho mẹ là biết con thương mẹ cỡ nào rồi đó"". 

Đã hơn 14 tháng kể từ thời điểm con trai mất, bà Thu Ba cho biết gia đình vẫn chưa thể ổn định cuộc sống. 

"Mọi thứ còn rối ren, từ ngày Thư mất gia đình buồn lắm, chưa ổn định được", bà Thu Ba nói. 

Tại phiên tòa ngày 25/1, khi được HĐXX hỏi đến,  bà Thu Ba nói: "Dù gì con cũng mất rồi, mong tòa xử đúng luật, các phần bồi thường theo quy định".

Nỗi đau của những người cha

Cũng tại phiên xét xử, ông Phan Ngọc Huấn (cha của bị hại Phan Trọng Hải, nạn nhân thứ 2 chết trong vụ án) cho biết, gia đình mong muốn hội đồng xét xử xử đúng theo quy định của pháp luật. 

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - 3

Ông Phan Ngọc Huấn từ Nghệ An vào Kiên Giang dự phiên xét xử vụ án con mình là bị hại (Ảnh: Bảo Trân).

Ông Huấn kể, Hải xin gia đình đi Phú Quốc làm. Làm được một năm, ông từ Nghệ An vào Phú Quốc hỏi vợ cho con. Đám cưới diễn ra ấm cúng nhưng chỉ một ngày sau đó thì Hải mất. 

"Tôi từ Nghệ An vào ở trọ rồi tổ chức đám cưới cho Hải. Sau đám, bố con còn nhậu ăn mừng tiễn tôi về lại Nghệ An. Sáng hôm sau, Hải đi làm là xảy ra vụ việc".

Còn ông Lâm Quang Hiếu (SN 1982, cha bị cáo Lâm Chí Vĩnh - SN 2005) nghẹn ngào cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Vĩnh nhiều lần xin nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. 

Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - 4
Những nỗi đau xé lòng trong phiên tòa xử giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - 5

Ông Lâm Quang Hiếu là cha của bị cáo chưa đủ 18 tuổi trong vụ án (Ảnh: Bảo Trân).

Đứng trước câu hỏi của đại diện VKSND: VKS truy tố con ông tội Giết người, ông thấy có đúng không? 

Ông Hiếu trả lời: "Tôi xin VKS xem xét bởi vì nó đi làm kiếm tiền. Nó nói thấy cha khổ nên xin nghỉ học đi làm, tôi không cho nhưng nó trốn đi, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo". 

Nói đến đây, ông Hiếu nghẹn giọng rồi gục đầu trước HĐXX, phiên tòa chìm trong sự im lặng một lúc lâu. Đại diện VKS sau đó đã trấn an đồng thời mời ông Hiếu ngồi xuống trước khi đến phần xét hỏi tiếp theo. 

Theo cáo trạng, năm 2022, Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", 36 tuổi, ngụ TP Phú Quốc) được Phạm Anh Hiếu (34 tuổi, chuyên làm dịch vụ để được cấp giấy tờ đất ở Phú Quốc) nhờ bảo kê để đo vị trí mảnh đất 2,2ha đang tranh chấp tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang. 

Sau khi "chốt kèo làm đất 4 tỷ đồng", sáng 27/10/2022, Thái "Bus" huy động hơn 50 giang hồ đi trên nhiều ô tô, mang theo dao, mã tấu, 3 khẩu súng đến khu đất tranh chấp thì đụng độ nhóm của Khúc Văn Đoài (41 tuổi, người có máu mặt ở địa phương) cùng hơn 20 đàn em.

Hai nhóm giang hồ xảy ra cự cãi, xô xát nhau. Lúc này, Đoàn Thiên Long (36 tuổi, đàn em của nhóm Thái "Bus") cầm súng hoa cải bắn nhiều phát về nhóm đối phương khiến 2 người chết, 6 người bị thương.

Liên quan đến vụ án, VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố 50 bị cáo tội Giết người, 13 bị cáo tội Gây rối trật tự công cộng; 6 bị cáo tội Che giấu tội phạm; 1 bị cáo tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Ngoài ra, 8 bị cáo bị truy tố tội liên quan Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.