1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đắk Nông:

Những người đón Tết trong trại giam

(Dân trí) - Ngoài những phạm nhân đang chấp hành án phải ăn Tết trong trại giam thì còn có những người phải tạm gác niềm vui đoàn tụ cùng gia đình trong giờ khắc thiêng liêng nhất để thực hiện nhiệm vụ, đó là cán bộ quản giáo tại trại giam...

Vượt qua chặng đường gần 100 km từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi có mặt tại Trại giam Đắk P’Lao (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) đúng ngày mùng 3 Tết. Hôm nay trại tổ chức hội thao, văn nghệ cho tập thể cán bộ chiến sĩ (CBCS) và phạm nhân nên không khí sôi nổi, náo nhiệt hơn mọi ngày. Trong cái lạnh khô ráp của vùng cao Đắk Nông, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, rộn ràng của mùa xuân lan toả khắp trại giam này.


Một cây nêu lớn được dựng giữa sân  để mang không khí Tết đến với trại giam

Một cây nêu lớn được dựng giữa sân để mang không khí Tết đến với trại giam

Đại úy Dương Thiết Nghị, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ tâm sự: “Mỗi khi Tết đến xuân về, không khí trại giam rộn ràng, náo nhiệt lắm. Trong đây, không chỉ có những phạm nhân mà còn có anh em, đồng chí của chúng tôi, vì nhiệm vụ, họ phải gác niềm vui riêng để đón Tết cùng những người từng lầm lỡ nên chúng tôi cố gắng đem không khí xuân về với mọi người, để không chỉ phạm nhân mà cán bộ chiến sĩ ở đây cũng vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Là người có nhiều năm “được” đón Tết trong trại, Đại úy Dương Thiết Nghị cho biết, từ ngày nhận nhiệm vụ, công tác tại trại giam thì số lần anh đón Tết bên bố mẹ, vợ con chưa đếm hết năm đầu ngón tay. Nhưng cũng chính nhờ có "thâm niên" ăn Tết trong trại mà dường như anh nắm bắt, thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm của các phạm nhân đang chấp hàng án trong trại giam này.

“Ngày Tết là thời gian các phạm nhân dễ xúc động, xao xuyến nhất. Tâm trạng ai cũng day dứt, nhớ nhà nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Năm nào cũng thế, để ổn định tâm lý cho các phạm nhân, Ban giám thị trại giam lại chia nhau đi từng phân trại để chúc Tết họ, động viên họ yên tâm cải tạo, giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi và không suy nghĩ những điều tiêu cực”, Đại úy Nghị cho hay.


Cán bộ quản giáo và các phạm nhân cùng nhau tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao

Cán bộ quản giáo và các phạm nhân cùng nhau tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao

Trung úy Dương Anh Trịnh (cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ) gần 10 năm nay cũng ăn Tết trong trại và có 3 năm gắn bó với các phạm nhân của trại giam Đắk P’Lao này. Anh cho biết, quê anh ở tận Vĩnh Phúc, nhà chỉ có một mẹ, một con nhưng kể từ khi bước chân vào nghề, chưa năm nào anh đón Tết bên mẹ. Nhà xa, lại do đặc thù của nơi công tác nên trại giam Đắk P’Lao cũng chính là ngôi nhà thứ hai của anh.

“Cứ qua ngày ông Công, ông Táo, tôi lại nhớ cái lạnh se sắt của miền Bắc, nhớ cảnh chợ phiên sáng 26 tháng chạp, nhớ màu hoa đào, hoa mận, đặc biệt là nhớ đêm Giao thừa, trong tâm trí lúc nào cũng thường trực cảm giác chạnh lòng, nhớ mẹ ở quê da diết nhưng vì nhiệm vụ cũng không biết làm gì hơn. Vì thế, cứ mỗi năm đón Tết trong trại, tôi lại càng trân trọng những phút giây quý giá đoàn tụ bên gia đình hơn”, vị trung úy 30 tuổi chia sẻ.

Với những người đã có “thâm niên” ăn Tết trong trại thì cảm giác nhớ nhà, xao xuyến sẽ vội qua đi vì họ đã quá quen với nó, nhưng đối với những chiến sĩ lần đầu ăn cái Tết đặc biệt này, cảm xúc trong họ cũng rất đặc biệt. Có những người không tránh khỏi cảm giác mủi lòng, nhớ nhung da diết, nhưng cũng có những người cảm thấy mạnh mẽ, cứng rắn và trưởng thành hơn.


Trước đó, cán bộ quản giáo và các phạm nhân đã cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét

Trước đó, cán bộ quản giáo và các phạm nhân đã cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét

Đây là năm thứ hai đón Tết trong trại, anh Hồ Hồng Sơn vẫn nhớ như in cảm giác ngày Tết năm ngoái. Anh Sơn chia sẻ: “Vì là năm thứ 2 ăn Tết ở đây nên tôi đã dần quen với cảm giác xa bố mẹ, anh em. Nhưng thú thực, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, lòng cảm giác tủi thân, bồn chồn lắm, muốn gọi về nói chuyện với bố mẹ nhưng sợ bố mẹ lo lắng nên không dám gọi”.

Khác với Sơn, đây là năm đầu tiên anh Mai Xuân Toàn đón tết cùng đồng đội trong không gian đặc biệt này. Toàn hớn hở khoe: “Chưa năm nào mình được đón cái Tết lớn và ý nghĩa như vậy, vì ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác thì hơn 1000 CBCS và phạm nhân trong trại cùng nhau đón giao thừa, rồi đi chúc Tết các phạm nhân của từng phân trại. Hôm nay anh em và phạm nhân lại cùng chơi thể thao, diễn văn nghệ nên ai cũng vui vẻ, hạnh phúc. Tranh thủ đêm giao thừa không phải trực, mình gọi điện về chúc Tết gia đình rồi, bố mẹ cũng rất tự hào vì công việc của mình”.


Đối với nhiều chiến sĩ, Tết trong trại giam là cái Tết đặc biệt và ý nghĩa (trong ảnh, chiến sĩ Mai Xuân Toàn đang đứng gác)

Đối với nhiều chiến sĩ, Tết trong trại giam là cái Tết đặc biệt và ý nghĩa (trong ảnh, chiến sĩ Mai Xuân Toàn đang đứng gác)

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Đắk P’Lao, theo quy định, CBCS của trại sẽ trực làm 2 đợt trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Để cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân ở đây yên tâm ăn Tết, từ nhiều ngày trước, trại giam đã tổ chức trang trí làm đẹp cảnh quan theo đúng phong cách ngày Tết cổ truyền. Dù chỉ một cành đào, cành mai nhưng nhờ nó mà không khí vui tươi phấn khởi hơn.

Bên cạnh đó, trại giam Đắk P’Lao còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho phạm nhân và CBCS bằng cách thành lập đội tuyển bóng đá, bóng chuyền giữa các phân trại để tổ chức thi đấu với nhau. Trước đó, CBCS Trại giam còn tham gia gói bánh chưng cùng với phạm nhân, tạo không khí ấm cúng, giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà, những mặc cảm tội lỗi của mình.

Dương Phong