1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Những “kho chứa” đồ gian

Trong những năm qua, mỗi năm TP Hồ Chí Minh xảy ra khoảng trên dưới 6.000 vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ án trộm thường chiếm trên 50%, trong đó trộm xe gắn máy chiếm hơn phân nửa trên tổng số vụ trộm. Vì xe gắn máy là loại tài sản khi mua bán, cầm cố phải chứng minh chủ sở hữu nên kẻ gian hầu hết bán lại cho đường dây tiêu thụ xe gian mà mình quen biết.

Các đường dây này hoặc “chẻ” thẳng sang biên giới Tây Nam bán qua Campuchia hoặc “xẻ thịt” xe gian rồi bán sỉ lại cho các chợ bán phụ tùng xe gắn máy. Một phần nhỏ khác thì làm giả giấy tờ rồi mang đi cầm cố hoặc bán lại cho những người có nhu cầu.

Ngày 8-3, khi Lại Thành Chung (43 tuổi) cùng con ruột Lại Văn Tuấn Anh (21 tuổi; ngụ thị trấn Long Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đến bãi xe tư nhân do bà Trương Hoàng Sương (43 tuổi, quê Vĩnh Long) làm chủ tại ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn để nhận xe chuyển đi Campuchia thì bị các trinh sát Đội 4, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.

Vợ chồng Sỹ - Bạch xẻ thịt hàng ngàn xe gian và tang vật bị thu giữ.
Vợ chồng Sỹ - Bạch "xẻ thịt" hàng ngàn xe gian và tang vật bị thu giữ.

Lại Thành Chung khai, mỗi khi cần “chẻ” xe, phía đầu nậu tiêu thụ xe gian ở bên kia biên giới sẽ điện thoại cho Chung thông báo địa điểm nhận hàng. Sau mỗi phi vụ trót lọt, hai cha con Chung được trả công 800 ngàn đồng. Xe được giao cho đầu nậu ở cửa khẩu ThoMo, người nhận xe là ai Chung không biết. Ngoài vận chuyển với con trai, Chung còn kết hợp với một người khác “chẻ” 2 chiếc Sirius sang Campuchia cách đây khoảng một tuần lễ. Những kẻ hoạt động như cha con Chung cũng bị bắt rất nhiều nhưng ngoài xã hội vẫn còn đầy những dạng người như vậy.

Trong giới “xẻ thịt” xe gian từ trước đến nay ở TP Hồ Chí Minh không ai “qua mặt” được vợ chồng Lữ Tuấn Sỹ và Trần Thanh Bạch (cùng 47 tuổi, ngụ phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Đôi vợ chồng này từng vào tù ra khám cũng với tội danh “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng chẳng bao lâu lại tái phạm.

Lần bị bắt gần đây nhất là vào năm 2015, chỉ trong 6 tháng đôi vợ chồng này đã “xẻ thịt” hơn 400 xe gắn máy các loại rồi mang bán cho các mối lái ở khắp nơi nhưng nhiều nhất là các sạp kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở khu chợ Tân Thành nằm trên bịa bàn quận 5, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Bạch có người em là Trần Kim Biên, bán phụ tùng ở chợ Tân Thành cũng là một trong những đầu mối của Bạch. Sau khi bắt vợ chồng Sỹ - Bạch, Đội 4, PC45 phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường và Công an quận 5 kiểm tra nhiều sạp hàng của Biên và thu được 153 phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc, không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán. Kiểm tra kho hàng của Biên trên đường Đỗ Ngọc Thạnh, tổ công tác thu thêm hơn 400 bộ phụ tùng xe máy các loại như thân xe, bửng, dè,… không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cùng thời điểm này, Đoàn công tác còn kiểm tra nhiều sạp khác thu giữ hơn 1.000 phụ tùng các loại không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ. Bên cạnh mua bán hàng gian với các mối lớn như vợ chồng Sỹ - Bạch, một số sạp ở chợ Tân Thành nằm dọc theo các tuyến đường Dương Tử Giang, Đỗ Ngọc Thạnh, Phạm Hữu Chí và Tân Thành còn là nơi mua lẻ xe gian của các đối tượng trộm cướp. Mặc dù bị kiểm tra nhiều như vậy nhưng hiện tại chợ Tân Thành vẫn tấp nập ngày đêm mua, bán phụ tùng xe gắn máy là hàng gian.

Nếu chợ Tân Thành là đầu mối tiêu thụ phụ tùng xe gắn máy thì nhiều cửa hàng mua bán phụ tùng ôtô nằm trên đường An Dương Vương, Trần Phú, Hùng Vương, Trần Bình Trọng (quận 5), Nguyễn Công Trứ, Yersin, Nguyễn Thái Bình (quận 1)… là điểm đến của kẻ trộm chuyên “bẻ” phụ tùng ôtô.

Những nơi này nổi tiếng đến độ nhiều chủ xe khi bị mất trộm liền vội vã tìm đến để mua lại chính phụ tùng bị mất. Nhìn bên ngoài, 2 cửa hàng ôtô Khôi (số 380, An Dương Vương, quận 5) do Lê Viết Khôi (44 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) làm chủ và cửa hàng ôtô Toàn Thái (số 27, Trần Phú, quận 5) do Hồ Văn Xuân Thái (40 tuổi) làm chủ giống như bao cửa hàng mua bán phụ tùng ôtô khác.

Tuy nhiên, 2 cửa hàng này có ưu thế là chuyên bán đồ “xịn”, loại gì cũng có và giá cả khá mềm nên rất thu hút khách. Nhiều loại phụ tùng chính hãng thuộc dạng hàng hiếm nhưng nếu ai có nhu cầu thì chỉ cần đặt hàng trước là sẽ có.

Để có được những loại phụ tùng này, 2 người chủ cửa hàng nói trên đã đặt hàng với Nguyễn Văn Uẩn (59 tuổi, ngụ phường 18, quận 4) - một “siêu” trộm nổi tiếng trong làng đạo chích. Trong một lần kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng ở 10 cửa hàng trên các tuyến đường nói trên phát hiện gần 500 kính và tròng kính chiếu hậu, hơn 600 ốp, 159 cần gạt nước… không có hóa đơn chứng từ.

Hiện cả TP Hồ Chí Minh có hơn 3.000 tiệm cầm đồ, không ít trong số này là “kho” chứa hàng gian. Anh Thanh, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh khẳng định, những người cầm đồ có chút ít kinh nghiệm sẽ dễ dàng phát hiện tài sản cầm cố có phải là đồ gian hay không. Do vậy mà đối với những người làm ăn chân chính sẽ tìm mọi cách khước từ, còn những kẻ hám lợi thì đây là một miếng mồi ngon vì cầm đồ gian thu lợi rất cao.

“Mấy thằng gian bước vào tiệm bao giờ cũng nhìn trước ngó sau, luôn vội vàng, gấp gáp và hầu hết chỉ bảo “cầm hết giá”. Khi mình ra giá, chúng kỳ kèo chút ít là đồng ý ngay”- anh Thanh nói.

Một laptop còn mới giá thị trường trên 20 triệu đồng thì cầm khoảng 5 triệu là mút khung; ĐTDĐ có giá trên 10 triệu mà cầm 2-3 triệu là “ok”. Như vậy, khi đến hết thời hạn cầm mà người thế chấp không chuộc lại (đối với kẻ gian điều này là chắc chắn) chủ tiệm mang đi tiêu thụ kiếm lời mỗi món vài triệu là cái chắc.

Đối với xe gắn máy loại đắt tiền như SH, Air Blade… kẻ gian thường làm giấy tờ giả rồi mang cầm. Các chủ tiệm biết hết nhưng hám lợi vẫn chấp nhận. Để đối phó với cơ quan chức năng, những loại tài sản là đồ gian, các chủ tiệm cất vào kho bí mật và không lưu lại trên sổ sách để tránh bị kiểm tra. Thế cho nên, trong thời gian qua, cơ sở cầm đồ bị phát hiện và xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Theo Mã Hải

Công an nhân dân