Những chiến sĩ áo trắng sau cánh cửa trại giam
"Biết phạm nhân bị HIV, nhưng tình huống quá nguy cấp, tôi không suy nghĩ nhiều, trực tiếp hô hấp nhân tạo mà không suy nghĩ đến chuyện bị phơi nhiễm..."- Đó chỉ là một trong những câu chuyện được Đại úy Nguyễn Thị Nhàn - hiện đang công tác tại bệnh xá trại giam Xuân Nguyên (Bộ Công an) tại Thủy Nguyên, Hải Phòng chia sẻ...
Đến thăm khu phân trại 1 của phạm nhân nữ vào một ngày thời tiết ẩm ương, vào những ngày như vậy, phòng y tế của phân trại không lúc nào là không bận rộn bởi nơi đây có không ít phạm nhân bị HIV, lao phổi... Phải đợi một lúc lâu sau, tranh thủ những phút nghỉ ngơi, chúng tôi mới có thể ngồi nghe các chị kể những câu chuyện đầy cảm xúc trong quãng thời gian công tác tại phân trại này.
Theo như Đại úy Nguyễn Thị Nhàn (SN 1979) cho biết, công tác của đội y tế thường khá bận rộn mà đơn vị còn thiếu người nên hầu như rất ít khi các cán bộ của đội được rảnh rỗi. Số lượng phạm nhân ở đây thường rất đông, ngay tại phân trại của phạm nhân nữ, số lượng phạm nhân hiện đang thụ án cũng lên tới con số hàng trăm người theo từng thời điểm. Hơn nữa, do công tác của trại giam rất đặc thù, nên các chị em cán bộ của đội y tế rất ít khi được nghỉ. Mỗi ngày sau giờ làm việc hành chính, 70% quân số còn phải ở lại để trực đêm đề phòng bất trắc. Như vậy cứ hai ngày các cán bộ trong đội mới được về nhà một buổi tối.
Do phạm nhân đông như vậy nên mỗi sáng sớm, các cán bộ của đội y tế phải có mặt đầy đủ để chuẩn bị kiểm tra sức khỏe một lượt cho các phạm nhân từ lúc 6 giờ. "Nhiều chị em nhà cách trại phải đến gần 20km, tối hôm trước về nhà lúc 7h thì sáng sớm hôm sau 5h đã phải dậy để chuẩn bị đến trại làm việc. Công việc của chúng tôi cứ tất bật từ ngày này qua tháng nọ như vậy", chị Nhàn chia sẻ.
Đối với nhiều phạm nhân, phòng y tế không chỉ là nơi khám chữa bệnh mà nó còn là nơi để chia sẻ những câu chuyện, những nỗi buồn. Có lẽ ở nơi đây, không có kẻ buôn ma túy, giết người... mà chỉ có bệnh nhân và bác sĩ nên sự chia sẻ ấy cảm giác dễ dàng hơn rất nhiều. Mỗi khi có bệnh nhân mới nhập trại, các cán bộ của đội y tế không chỉ là người khám chữa bệnh mà còn là người tư vấn tâm lý, an ủi họ sớm thích nghi được cuộc sống chốn lao tù. Chị Nhàn kể, đã có nhiều phạm nhân nhập trại trong trạng thái tâm lý bất ổn, nhiều ngày sau đó không chịu ăn uống khiến cơ thể suy nhược. Những phạm nhân này sau khi được đưa đến đội y tế, được các cán bộ của đội chăm sóc cẩn thận và nhận được sự động viên hết sức chân thành. Cũng vì thế mà sau khi khỏe lại, tâm thần của họ cũng ổn định hơn.
Với sự chân thành ấy, dường như sự giữa những phạm nhân nơi đây và cán bộ đội y tế có một thứ tình cảm không dễ nói bằng lời. Đại úy Nguyễn Thị Nhàn cho biết: "Nhiều phạm nhân trước khi ra trại đều xin được đến để chào từ biệt chị em chúng tôi. Họ còn xin số điện thoại và thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe và nhắn tin chúc mừng vào những ngày lễ tết. Nhiều người còn gửi thư, hoa, quà đến trại để cảm ơn các cán bộ của đội".
Chuyện những món quà nhỏ, những bức thư viết tay được gửi tới để cảm ơn các cán bộ trại là chuyện bình thường ở nơi đây. Có nhiều trường hợp đặc biệt, đó là phạm nhân sau khi ra trại gửi tặng những món quà rất đắt tiền, khi đó mọi người không ai dám nhận, phải gửi trả lại cho họ. Ngay như chính chị Nhàn cũng đã từng được gửi tặng một chiếc tivi có giá hơn chục triệu đồng. Sau khi được thông báo về món quà này, chị đã gọi điện cảm ơn và xin trả lại vì giá trị của nó quá lớn.
Những bức thư, món quà ấy là niềm vui của các cán bộ đội y tế bởi họ biết rằng sau khi rời trại, phạm nhân đã có một cuộc sống tốt. Tuy nhiên, cuộc đời đâu hẳn chỉ có những niềm vui, trong những phạm nhân rời trại vẫn giữ liên lạc với các cán bộ của đội, cũng có những người không thích ứng được với cuộc sống quá đỗi khó khăn.
Chị Nhàn ngậm ngùi kể: "Tôi còn nhớ trường hợp của chị Cảnh, một phạm nhân từng bị giam giữ, cải tạo tại đây. Chị này bị nhiễm HIV nên sau khi mãn hạn tù cuộc sống rất khó khăn, nhiều lần gọi điện để tâm sự với các cán bộ của đội và cũng chia sẻ rất thật lòng. Bỗng một hôm đang làm việc, một cán bộ là chị Nguyễn Thị Mai Châu nhận được cú điện thoại của người nhà chị Cảnh, họ cho biết chị đang dọa tự tử và muốn gặp chị Châu lần cuối. Sau cú điện thoại đó, chị Châu phải xin phép lãnh đạo và bắt xe đi thẳng lên Hải Dương tới nhà chị Cảnh. Phải mất mấy tiếng an ủi, chị em nói chuyện trên trời dưới biển, chị Cảnh mới bình tĩnh trở lại. Rất buồn là sau đó nhiều tháng, đội nhận được tin chị này lại tiếp tục tự tử do áp lực của cuộc sống. Lần đó chị Cảnh được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không kịp".
Đó là một câu chuyện buồn, một lời chia sẻ chân tình trong rất nhiều những câu chuyện mà các cán bộ của đội y tế đang làm ở trại gặp phải. Ngoài câu chuyện buồn ấy, chị Nhàn cũng kể về những mối nguy hiểm, những khó khăn mà chị em trong đội gặp phải. Gần đây nhất đó là trường hợp cấp cứu phạm nhân Nguyễn Thị Hương. "Lúc đó là vào khoảng 9h sáng, chúng tôi nhận được tin báo rằng phạm nhân này nằm bất động trong buồng giam. Ngay lập tức tổ y tế có mặt kịp thời và tiến hành cấp cứu. Phát hiện phạm nhân ngừng hô hấp, sau khi lấy dị vật trong mồm của Hương ra, tôi trực tiếp hô hấp nhân tạo rồi cả đội đưa bệnh nhân này đi bệnh viện", chị Nhàn cho biết.
Điều đáng nói ở đây là phạm nhân Nguyễn Thị Hương đang mang trong mình căn bệnh HIV, trong lúc đội y tế sơ cứu, miệng nạn nhân cũng có dính máu. Nhưng dù biết việc đó nguy hiểm, các cán bộ, đặc biệt là đại úy Nguyễn Thị Nhàn vẫn trực tiếp hô hấp nhân tạo bởi việc cấp cứu quan trọng hơn cả. Rất may ngay sau đó, khi kiểm tra lại sức khỏe, chị Nhàn không bị phơi nhiễm căn bệnh chết người kia.
Một trường hợp cấp cứu khác xảy ra gần đây, đó là phạm nhân tên Lương Kim Cúc bị tai biến lúc 3 giờ đêm. Khi đó, cả kíp trực đều phải có mặt cấp cứu để xử lý tránh phạm nhân bị nặng hơn. "Các chị em trong đội ai cũng lo lắng cho Cúc vì biết những trường hợp tai biến thường rất khó hồi phục. Phạm nhân này trước đây vào trại tâm lí không ổn định, phải mất nhiều năm mới có thể thích nghi được nên chúng tôi cũng thường xuyên trò chuyện để trấn an tâm lí. Những đồng chí đưa Cúc đi bệnh viện cấp cứu lại phờ phạc sau một đêm lo lắng không được chợp mắt", chị Nhàn cho biết.
Đó chỉ là số ít trong những ca cấp cứu mang tính chất nguy hiểm mà chị Nhàn gặp phải. Theo như lời kể, ở chốn lao tù này, những phạm nhân sức khỏe yếu, tâm lí không ổn định rất nhiều. Vì thế mà các chiến sĩ túc trực luôn trong trạng thái căng như dây đàn, sẵn sàng cho những ca cấp cứu bất ngờ nhất. Nhưng sau những ca cấp cứu, công việc vẫn chưa dừng ở đó. Với những phạm nhân bị bệnh nặng cần đưa đi viện, các chiến sĩ của đội y tế cũng phải túc trực đi cùng để tiện theo dõi tình hình sức khỏe. Và với công việc bận rộn như vậy, nhiều chị em của đội y tế luôn canh cánh trong lòng vì mình chưa thể hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, người mẹ.
Như đã nói ở trên, cứ hai ngày các cán bộ trong đội y tế lại được về nhà một lần, người ở gần không nói nhưng người ở xa chỉ có thể ở nhà chưa đầy 10 tiếng. Ở nơi đây mọi người thường có câu nói vui với nhau rằng, phạm nhân có thể ốm chứ đội y tế thì không bởi với công việc bận rộn như vậy, một người nghỉ gánh nặng sẽ phải dồn nhiều lên vai người khác và không ai muốn điều đó. Và đối với nữ cán bộ của đội y tế thì điều đó còn khó khăn hơn khi mọi công việc gia đình đành phải giao cho chồng gánh vác.
Chia sẻ về việc này, chị Nhàn cho biết: "Một số chị em trong đội chưa lập gia đình còn đỡ, như mình đã có gia đình lại không thường xuyên chăm sóc chồng con được, đôi khi nghĩ cũng buồn. Nhưng công việc đã vậy thì phải cố gắng, mình may mắn cũng được sự ủng hộ của gia đình để hoàn thành tốt công tác".
Cũng vì sự nhiệt thành bỏ qua tất cả nỗi lo cuộc sống để dốc sức mình cho công việc, nhiều năm qua các cán bộ y tế của Trại giam Xuân Nguyên đã cứu được nhiều phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Không chỉ vậy, các cán bộ y tế nơi đây cũng đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp là người dân sống gần khu vực trại, đem lại khả năng sống cao hơn khi được đưa tới viện. Và với họ, quan niệm "lương y như từ mẫu" luôn được khắc cốt ghi tâm. Đến với đội y tế, chỉ có bệnh nhân và bác sĩ, chỉ có sự chăm sóc tận tình và những lời chia sẻ chân thật giúp các phạm nhân có thể cố gắng cải tạo làm lại cuộc đời.
Theo Lê Phong
Cảnh sát toàn cầu