1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Định:

Nhức nhối nạn “khủng bố” đòi nợ, người dân liên tục cầu cứu

(Dân trí) - Nhiều người dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) liên tục cầu cứu cơ quan chức năng vì bị “khủng bố” bằng các hình thức như: tạt sơn, ném chất bẩn, đập phá tài sản... để đòi nợ.

Vợ cũ liên tục bị “khủng bố” đòi nợ sau ly hôn

Sau gần 2 năm ly hôn, chị Đào Thị Ngọc Hải (38 tuổi, ở tổ 37B, khu vực 4, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định) liên tục bị một phụ nữ dẫn theo nhiều người đến nhà, thậm chí kéo đến trước công ty chị Hải làm việc để bắt ép trả số tiền mà chồng cũ của bà vay mượn.

Nhức nhối nạn “khủng bố” đòi nợ, người dân liên tục cầu cứu - 1
Nhà chị Hải liên tục bị nhóm đòi nợ đe dọa, ném chất bẩn dù chị không hề biết khoản nợ của chồng cũ.

Gửi đơn đến báo Dân trí, chị Hải trình bày: Trước khi ly hôn, vợ chồng chị sống cùng nhà với cha mẹ chị Hải. Tại thời điểm ly hôn, vợ chồng chị cũng không có tài sản gì lớn để phân chia. Trong quyết định giải quyết ly hôn, về phần tài sản, TAND TP Quy Nhơn cũng không đề cập đến việc nợ nần của người chồng.

Tuy nhiên, vài tháng gần đây, gia đình chị bị một số người lạ mặt tìm đến nhà đe dọa, “khủng bố”, ném chất bẩn như mắm thối, sơn, nhớt, trứng… để đòi món nợ của chồng cũ vay họ mà chị không hề hay biết. Mặc cho chị nhiều lần đã trả lời rằng vợ chồng đã ly hôn và không hay biết gì về số tiền nợ, nhưng vẫn bị nhóm người này đe dọa…

Nhức nhối nạn “khủng bố” đòi nợ, người dân liên tục cầu cứu - 2
Chị Hải bị nhóm người chặn giữa đường để đòi nợ.

Theo chị Hải, liên tiếp nhiều ngày trong khoảng thời gian tháng 3 và tháng 4/2020, nhà chị Hải không chỉ bị tạt chất bẩn mà nhóm đối tượng này còn nhiều lần kéo  đến công ty nơi chị làm việc để gây áp lực, hăm dọa, sỉ nhục...

“Nhiều lần tôi bị bao vây, những công nhân làm cùng thấy nhóm người hung hãn nên gọi báo Công an phường Quang Trung đến giải thoát. Khi có sự xuất hiện của công an, nhóm đòi nợ mới dừng, nhưng vài ngày sau lại tiếp tục”, chị Hải lo lắng.

Gần đây nhất, sáng 4/5, vì lo lắng bị nhóm đòi nợ đe dọa, chị Hải đón taxi đi làm. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi làm việc thì bị nhóm người này giữ lại, không cho vào công ty. Sau đó, Công an phường Quang Trung đến, bà Hải mới được giải thoát.

“Sự việc xảy ra rất nhiều lần, tôi trình báo thì công an phường nói không có yếu tố hình sự nên không xử lý được. Tôi rất bất an, lo lắng, áp lực. Mới đây, tôi có đơn trình báo các vụ việc với Công an tỉnh Bình Định”, bà Hải bức xúc.

Người dân sống trong… bất an

Khác với trường hợp chị Hải, bà Ban Gia Quý (trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cũng gửi đơn kêu cứu kèm theo clip, hình ảnh về việc gia đình mình bị tạt sơn, ném trứng thối, đập vỡ tủ kính...

Nhức nhối nạn “khủng bố” đòi nợ, người dân liên tục cầu cứu - 3
Nhà bà Ban Gia Quý bị ném chất bẩn, đập vỡ tủ kính.

Theo bà Quý trình bày, từ cuối tháng 2/2020, khi con trai của bà Quý bỏ nhà đi cũng là lúc gia đình bà liên tiếp bị nhiều băng nhóm đến gây áp lực, buộc phải trả nợ thay cho con trai.

“Suốt 2 tháng liền gia đình tôi bị các băng nhóm đe dọa, khiến ai cũng khủng hoảng tinh thần, lo ngại không dám ra khỏi nhà vì sợ những đối tượng này chặn đánh. Con trai thì đã bỏ đi, không liên lạc được. Lực lượng công an đã đến làm việc nhưng vẫn chưa ngăn chặn được”, bà Quý lo lắng.

Một nạn nhân khác là bà Mai Thị Thu Hằng (42 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân) cũng trình bày việc liên tiếp bị bà Ngô Thị Hướng (40 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt) nhiều lần kéo người đến nhà riêng và đến công ty của bà Hằng “khủng bố” đòi nợ bằng cách sử dụng loa phát âm thanh công suất lớn để la lối, chửi bới. Thậm chí, đốt nhang vái lạy, ngăn cản hoạt động bình thường của công ty... để gây áp lực đòi nợ.

Nhức nhối nạn “khủng bố” đòi nợ, người dân liên tục cầu cứu - 4
Những hình ảnh kèm đơn của bà Hằng tố cáo bà Hướng "khủng bố" nhà riêng và công ty.

Sau nhiều trình báo lên cơ quan chức năng, Công an TP Quy Nhơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Ngô Thị Hướng về tội gây rối trật tự công cộng.

Công an địa phương phải chịu trách nhiệm

Theo thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, Công an TP Quy Nhơn đã điều tra làm rõ 11 vụ với 33 người vi phạm về trật tự xã hội, trong đó có nhiều người hoạt động phạm pháp theo băng nhóm, bắt giữ người trái phép để đòi nợ...

Đại tá Trần Huy Giáp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, xác nhận: Thời gian gần đây, tình hình “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh rất nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Nhóm cho vay “tín dụng đen” thường gắn với nhóm đâm thuê, đòi mướn rất hung hăng, gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân. Công an tỉnh Bình Định xác định vấn đề này là đầu vào của tội phạm nên quán triệt phải tổ chức xử lý nghiêm.

“Hầu hết các vụ vay mượn ban đầu đều là thỏa thuận dân sự. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, công an phường lập tức chuyển hồ sơ lên Công an TP Quy Nhơn, thậm chí lên Công an tỉnh để điều tra, xử lý ngay”, đại tá Trần Huy Giáp khẳng định.

Xung quanh vấn đề trên, thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cũng đã có văn bản chỉ đạo thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm và phải chịu trách nhiệm nếu hành động thiếu quyết liệt, để xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách có tội phạm hoạt động lộng hành, thách thức pháp luật, tội phạm hoạt động theo băng, ổ nhóm, theo kiểu “xã hội đen”, gây bức xúc dư luận.

Doãn Công