Nhiều Cảnh sát giao thông Hà Nội bị "tống tiền" hơn 700 triệu đồng
(Dân trí) - Các đối tượng cố tình vi phạm giao thông để CSGT xử lý, sau đó dùng điện thoại di động bí mật ghi hình nhằm đe dọa, ép các cán bộ trên phải đưa tiền.
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm xét xử 10 bị cáo "tống tiền" nhiều Cảnh sát giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Cưỡng đoạt tài sản" gồm: Vũ Thanh Hải (SN 1989), Nguyễn Văn Cương (SN 1997), Phạm Kim Long (SN 1992), Phạm Văn Thịnh (SN 1992), Vũ Thanh Hà (SN 1992), đều trú tại huyện Xuân Trường, Nam Định; Đào Vũ Hùng (SN 1986, trú tại Hải Dương), Mai Khoa Phong (SN 1986, trú tại huyện Hưng Hà, Thái Bình), Nguyễn Trí Dũng (SN 1992, trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương), Lý Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Văn Giang, Hưng Yên), Nguyễn Mạnh Quý (SN 1969, trú tại Đống Đa, Hà Nội).
Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, Đào Vũ Hùng là quản trị viên của nhóm (diễn đàn) "Luật giao thông và An toàn giao thông" trên mạng xã hội facebook. Thông qua diễn đàn này, Hùng quen biết các bị cáo khác.
Khi tham gia diễn đàn, các đối tượng biết Hùng là người thường xuyên đi khiếu nại về những vi phạm của CSGT hoặc nhận các video clip có hình ảnh của CSGT được cho là vi phạm để gửi đơn đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền. Từ đó, các đối tượng bàn bạc nhau cách chiếm đoạt tiền của CSGT.
Các đối tượng đi xe máy trên các tuyến phố, khi thấy CSGT làm nhiệm vụ sẽ cố tình điều khiển phương tiện vi phạm để CSGT dừng xe, kiểm tra xử lý. Quá trình CSGT xử lý vi phạm, các đối tượng dùng điện thoại di động bí mật ghi hình, sau đó lưu vào USB gửi đến các đơn vị CSGT rồi dùng sim "rác" liên lạc, yêu cầu đưa tiền thì mới xóa các video clip đó. Các bị cáo đe dọa, nếu CSGT không chi tiền, những đoạn video clip trên sẽ bị đăng tải lên mạng xã hội.
Sau khi thỏa thuận, các bị cáo sẽ đi khảo sát trên các tuyến đường để tìm vị trí thuận lợi, yêu cầu CSGT đặt tiền vào vị trí đó. Vị trí đặt tiền thường là những nơi không có camera giám sát, gần khu vực có đường gom hoặc cầu chui dân sinh để thuận tiện cho việc di chuyển bằng xe máy.
Khi chọn được vị trí, các bị cáo liên lạc qua điện thoại, yêu cầu CSGT cầm tiền đến vị trí đã chọn rồi đến lấy tiền chia nhau.
Theo cáo buộc từ ngày 18/5/2019 đến ngày 5/6/2019, các bị cáo trên đã thực hiện 8 vụ cưỡng đoạt tiền của CSGT - Công an TP Hà Nội, chiếm đoạt 722 triệu đồng.
Trong đó, Hải tham gia 5 vụ, chiếm đoạt 580 triệu đồng; Nguyễn Văn Cương tham gia 4 vụ, cưỡng đoạt 540 triệu đồng; Long tham gia 4 vụ, chiếm đoạt 540 triệu đồng; Hà, Thịnh tham gia 2 vụ, chiếm đoạt 300 triệu đồng; Hùng tham gia 3 vụ, chiếm đoạt 132 triệu đồng; Dũng tham gia 3 vụ, cưỡng đoạt 92 triệu đồng; Phong tham gia 2 vụ, chiếm đoạt 104 triệu đồng; Tuấn Anh và Quý tham gia 1 vụ, chiếm đoạt 40 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xác minh các trường hợp CSGT có mặt trong các video clip mà nhóm bị cáo ghi lại và xác định có 33 cán bộ thuộc Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) và các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, những người này đều xác nhận không có việc nhận tiền của người vi phạm giao thông để không xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh các CSGT trong video clip đều là khi các cán bộ này đang lập biên bản nộp phạt tại chỗ. Video không có ngày tháng cụ thể, không có hình ảnh người vi phạm, do đó không xác định được CSGT đang xử lý trường hợp nào, không có căn cứ để xác định các cán bộ CSGT trong video clip này nhận hối lộ. Do đó, cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Đối với những video clip liên quan những vụ việc xảy ra tại Vĩnh Phúc, Hải Dương, do xác định không thuộc thẩm quyền xử lý nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tách tài liệu, chuyển đơn vị có thẩm quyền để giải quyết.
Đưa các bị cáo ra xét xử, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Vũ Thanh Hải 10 năm tù; Phạm Kim Long và Nguyễn Văn Cương cùng 8 năm tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 15 tháng tù treo đến 4 năm tù giam theo đúng tội danh truy tố.