1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Nhật ký xét xử Việt Á: Kit test của Phan Quốc Việt vào CDC tỉnh như nào?

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong ngày xét xử thứ 2, chủ tọa phiên tòa đã tập trung chất vấn các bị cáo về cách mà Việt Á có thể "thâm nhập" kit test vào thị trường, đặc biệt là tại CDC các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Hải Dương

Phiên tòa sơ thẩm đại án Việt Á tại TAND TP Hà Nội đã trải qua 2 ngày xét xử với nhiều tình tiết, nội dung được HĐXX làm rõ trong phần xét hỏi.

Ở ngày thứ 2 (4/1), chủ tọa Trần Nam Hà vẫn tập trung chất vấn các bị cáo về cách mà Việt Á có thể "thâm nhập" kit test vào thị trường, đặc biệt là tại CDC các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Hải Dương...

Tại bục khai báo, đối diện với luật pháp, các cựu lãnh đạo cũng như những cựu nhân viên CDC bày tỏ sự hối hận, ăn năn. Song, sự nhận thức này có lẽ đã muộn màng.

Nhật ký xét xử Việt Á: Kit test của Phan Quốc Việt vào CDC tỉnh như nào? - 1

Toàn cảnh phiên tòa (Ảnh: N.P.).

CDC Nghệ An

Theo thỏa thuận, CDC Nghệ An và Công ty Việt Á ký kết 5 hợp đồng liên quan đến kit xét nghiệm. Tuy nhiên, một trong 5 hợp đồng đã chưa kịp thực hiện do Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt bị bắt. Dù vậy, 4 hợp đồng còn lại vẫn khiến CDC Nghệ An được xác định bị thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Cựu Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định khai vừa được bổ nhiệm vị trí "sếp" được một tháng thì phải đi chống dịch. 

"Do tình hình dịch bệnh" - cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong suốt 2 ngày xét xử được ông Định nói lại, để lý giải cho động cơ vay kit test Việt Á để sử dụng trước, rồi sau đó mới hợp thức hồ sơ để thanh toán.

Thừa nhận đây là sai phạm của bản thân, cựu Giám đốc CDC Nghệ An ngụy biện rằng bị cáo không quan tâm hay đề cập đến việc có được trích phần trăm hoa hồng hay không.

Nhật ký xét xử Việt Á: Kit test của Phan Quốc Việt vào CDC tỉnh như nào? - 2

Cựu Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định (Ảnh: Lâm Nam).

Dù vậy, thực tế chỉ ra, Việt Á 2 lần chuyển tiền cho CDC Nghệ An, riêng ông Định nhận gần 190 triệu đồng thông qua cựu kế toán trưởng Nguyễn Thị Hồng Thắm.

Thể hiện thái độ ăn năn, ông Định khai số tiền trên ông không sử dụng và đã nhờ Thắm trả lại cho Việt Á.

Để làm rõ vấn đề Việt Á trích phần trăm hoa hồng cho CDC Nghệ An, HĐXX đã chất vấn cựu kế toán trưởng Hồng Thắm. 

Nữ bị cáo này ngoài thái độ hối cải, còn bộc lộ đôi chút sự bối rối, lo sợ. Thắm nói CDC Nghệ An được Việt Á chiết khấu 15%. Trong đó, 2% dành cho giám đốc, 1% cho kế toán trưởng, 12% còn lại là của đơn vị.

Ngoài tiền được hưởng riêng trong cái chung, Thắm còn được Việt Á ưu ái thưởng ngoài 100 triệu đồng vì "thanh toán nhanh". Khi trả lời tình tiết này, Thắm lắp bắp, câu trước đá câu sau.

CDC Bắc Giang

Tại Bắc Giang, Việt Á không trực tiếp "ra mặt" mà thông qua một doanh nghiệp khác để đưa kit test vào địa phương này,.

Tương tự quy trình thực hiện như những tỉnh khác, CDC Bắc Giang vay sinh phẩm của Việt Á , sau đó tổ chức đấu thầu để hợp thức, thanh toán cho doanh nghiệp.

Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn bộc bạch bản thân không nghĩ cách làm trên là sai, nhất là khi mục đích để phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Tuấn nói trước tòa rằng đã thấy mình sai.

Nhật ký xét xử Việt Á: Kit test của Phan Quốc Việt vào CDC tỉnh như nào? - 3

Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn (Ảnh: Hải Nam).

Về phía công ty được Việt Á "gửi gắm" làm đại diện phân phối kit test tại Bắc Giang - Công ty Phan Anh - doanh nghiệp này được chiết khấu tới 40% giá trị hợp đồng.

44 tỷ đồng là số tiền mà Phan Anh được hưởng từ 10 hợp đồng cung ứng kit test Việt Á cho CDC Bắc Giang, tổng giá trị 193 tỷ đồng. Trong số này, 5 tỷ đồng được cất trong 2 sổ tiết kiệm, gửi tới tay của ông Lâm Văn Tuấn.

Tại tòa, 2 cuốn sổ tiết kiệm này được làm rõ là món quà của một chị gái Giám đốc Công ty Phan Anh tặng cho ông Tuấn, vì "thấy Tuấn vất vả chống dịch như sắp phát điên", chứ không phải của Việt Á đưa.

Sau khi lãnh đạo CDC Hải Dương bị bắt, ông Tuấn đã trả lại 2 sổ tiết kiệm trên. 

CDC Hải Dương

"Ai đề xuất để Việt Á tham gia chống dịch?", HĐXX hỏi.

"Ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương", cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến trả lời.

Tại bục khai báo, bị cáo này lắp bắp, trả lời ngập ngừng, không rành mạch. Cựu Giám đốc CDC Hải Dương nói rằng dịch Covid-19 đã khiến bộ máy của đơn vị, thậm chí cả "sứ giả" - 4 đơn vị của Bộ Y tế - phái xuống gặp rất nhiều khó khăn và "rối".

Và khi Ban chỉ đạo Phòng chống dịch đặt ra yêu cầu cần có một đơn vị độc lập xét nghiệm tức tốc tại chỗ, Việt Á đã trở thành "chủ công" trong phòng chống dịch tại Hải Dương.

Nhật ký xét xử Việt Á: Kit test của Phan Quốc Việt vào CDC tỉnh như nào? - 4

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (Ảnh: Như Ý).

Ông Tuyến khai dù không hiểu rõ quy trình nhưng với ý niệm khi đó là "làm và làm", ưu tiên tốc độ, CDC Hải Dương đã lấy kit test của Việt Á trước, sau đó thanh toán hơn 147 tỷ đồng thông qua 4 hợp đồng chỉ định thầu rút gọn.

Tự nhận quy trình trên là sai quy định, song ông Tuyến cũng giãi bày rằng tình thế chống dịch khi đó rất cấp bách, việc cứu người là trên hết.

Sau khi thanh toán lần một, Việt Á và ông Tuyến không nhắc gì đến việc "lại quả". 

Đến đợt 2 và 3, Việt Á có gợi ý về việc trích phần trăm hoa hồng cho CDC Hải Dương vì đã vất vả trong công tác chống dịch và cũng là quà cảm ơn. 

"Lúc đầu bị cáo nhận thấy việc chia sẻ lợi nhuận như vậy là không sai nhưng khi bị bắt, bị cáo mới biết đây là vi phạm pháp luật", ông Tuyến nói và khai rành mạch về việc 3 lần nhận tiền của Việt Á với tổng số tiền 27 tỷ đồng. 

Thời điểm nhận tiền, ông Tuyến suy nghĩ đây là tiền "được chia sẻ", sợ dùng tài khoản của Nhà nước sẽ phải giải trình và không thể rút được tiền mặt nên đã nhờ người thân, bạn bè mở tài khoản để Việt Á chuyển tiền. 

Ông Tuyến khai sau khi nhận tiền, ông đưa cho cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD; đưa cho Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, 7 tỷ đồng.