1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội

Nhân viên ngân hàng “dỏm” chiếm quyền truy cập tài khoản để rút tiền

(Dân trí) - Nhóm đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện cho các chủ tài khoản, lừa đảo, chiếm quyền quản trị tài khoản của nạn nhân, sau đó rút hết tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) vừa bàn giao nhóm đối tượng có hành vi phạm tội bằng hình thức sử dụng công nghệ cao đến Công an tỉnh Quảng Nam để điều tra theo thẩm quyền.

Nhân viên ngân hàng “dỏm” chiếm quyền truy cập tài khoản để rút tiền - 1
Các đôi tượng trong vụ án.

Trước đó, nhận thông tin nhiều khách hàng của các ngân hàng bị chiếm quyền quản trị tài khoản, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhanh chóng xác minh, khoanh vùng được địa điểm khởi phát các cuộc “tấn công” đều ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Quá trình điều tra, cảnh sát làm rõ, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại cho các chủ tài khoản bất kỳ để thông báo rằng họ đã may mắn trúng thưởng các chương trình khuyến mãi của ngân hàng, hoặc đang có khoản tiền mới chuyển nhưng do lỗi nên đang bị treo hệ thống.

Để được hỗ trợ xác minh thông tin và xử lý, khách hàng cần phải truy cập vào website của ngân hàng để cung cấp số CMND, thông tin tài khoản…Thực chất, website mà các đối tượng hướng dẫn chủ tài khoản truy cập đều là giả mạo.

Sau khi “con mồi” đã làm theo hướng dẫn, với thông tin có được, đối tượng đăng nhập user/số điện thoại của người bị hại trên website hoặc thiết bị di động và thực hiện các thao tác chiếm quyền quản trị tài khoản của nạn nhân. Khi truy cập tài khoản, hệ thống tự động của ngân hàng sẽ gửi tin nhắn đến số điện thoại của nạn nhân đăng ký trên hệ thống.

Lúc này, đối tượng hoặc website giả mạo sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP. Nhiều người do thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết đã nhắn mã OTP theo yêu cầu của đối tượng. Có được mã OTP, chúng lập tức thao tác để đổi mật khẩu truy cập tài khoản ngân hàng, chiếm quyền quản trị của người dùng đối với tài khoản của mình.

Từ lúc này, các đối tượng có thể dễ dàng đăng nhập tài khoản internet banking và thực hiện các giao dịch rút tiền trong tài khoản của nạn nhân thông qua hai hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc nạp tiền vào tài khoản ví điện tử.

Cơ quan công an đã xác định, triệu tập các đối tượng Nguyễn Văn Ân, Đỗ Văn Điệp, Nguyễn Sỹ Lành, Đinh Văn Hà, Đinh Công Cường (đều trú tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đến làm việc, làm rõ hành vi của từng đối tượng.

Theo đó, với thủ đoạn trên, tháng 7/2019, Đỗ Văn Điệp giả mạo nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của chị Mai (trú tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) 140 triệu đồng. Số tiền này được chuyển đến tài khoản mang tên Đặng Văn Quảng, thực chất là của Đinh Công Cường. Sau đó, Cường đã rút tiền mặt cho Điệp với thỏa thuận được hưởng lợi 20% số tiền chiếm đoạt được.

Cũng trong tháng 7/2019, Điệp đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị Lan (trú ở xã Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) 60 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của chị vào 3 tài khoản ví điện tử MoMo.

Đối với Nguyễn Văn Ân, ngày 9/7/2019, Ân giả mạo nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của chị Lệ (quê Trực Ninh, Nam Định) 20 triệu đồng. Ngày 22/7/2019, Ân tiếp tục chiếm đoạt được của chị Minh (quê Nam Trực, Nam Định) số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, Ân còn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại khác.

Đối tượng Nguyễn Sỹ Lành thông qua tài khoản zalo “Huỳnh Thanh Tâm” và tài khoản facebook “Văn Tưởng”, từ tháng 6/2019 đến khi bị bắt đã thực hiện trót lọt 3 vụ việc, chiếm đoạt được 41 triệu đồng.

Đối tượng Đinh Văn Hà, từ đầu năm 2019, Hà tạo lập tài khoản facebook “Hùng Hải Hưng”, đăng bài rao bán tiền giả để chiếm đoạt tài sản của những người đặt cọc mã thẻ điện thoại giá trị từ 500.000 - 1.000.000 đồng/vụ. Bằng phương thức này, Hà đã gây ra 40 vụ việc, chiếm đoạt được 40 triệu đồng.

Đến tháng 6/2019, Hà thay đổi phương thức rao bán xe máy nhập lậu qua facebook “Hùng Hải Hưng” để chiếm đoạt tiền đặt cọc chuyển khoản mua xe của người có nhu cầu. Từ tháng 6/2019 đến khi bị bắt, Hà đã thực hiện trót lọt 4 vụ việc, chiếm đoạt được số tiền 70 triệu đồng.

Tiến Nguyên