1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhận diện hoạt động "tín dụng đen" ở Cà Mau

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Cà Mau, rà soát trên địa bàn tỉnh trong một năm qua, phát hiện 9 tổ chức, 117 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Đang quản lý 4 tổ chức liên quan “tín dụng đen”

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hoạt động liên quan “tín dụng đen” trên địa bàn đa phần là các đối tượng bất hảo, có tiền án, tiền sự, không chỉ là người địa phượng mà còn có cả người ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh phía Bắc.

Số đối tượng này đến Cà Mau thuê mặt bằng để mở dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính hoặc thuê phòng trọ để hoạt động.

Thủ đoạn của các đối tượng này chủ yếu là quảng cáo cho vay tiền trên mạng xã hội, phát tờ rơi tại các nơi công cộng, đến từng hộ gia đình, dán trên cột điện, cây xanh hoặc gọi điện thoại trực tiếp để quảng cáo việc cho vay.

Hình thức cho vay tiền chủ yếu lập hợp đồng mua bán hàng trả góp, cho thuê xe, lập hợp đồng cho vay nhưng không ghi lãi suất; làm giả hợp đồng của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay; mua nợ xấu của các công ty tài chính, sau đó tiến hành đòi nợ.

Điều đáng nói, lãi suất cho vay rất cao (từ 145% - 450%/năm) nhưng do thủ tục đơn giản, nhanh chóng, nhận tiền ngay nên khi cần tiền gấp để giải quyết công việc, làm ăn… nhiều người vẫn chấp nhận vay. Nhiều trường hợp sau khi vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng cho vay đe dọa, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… phải bỏ trốn khỏi địa phương.

Nhận diện hoạt động tín dụng đen ở Cà Mau - 1

Hình thức quảng cáo cho vay qua tờ rơi, hoặc dán trên cột điện, được cho là kiểu hoạt động "tín dụng đen". (Ảnh minh họa)

Qua rà soát trong khoảng 1 năm qua, trên địa bàn Cà Mau phát hiện 9 tổ chức (3 cơ sở cầm đồ và 6 công ty), 117 đối tượng (có 43 đối tượng ngoài tỉnh) có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Cơ quan chức năng đã đấu tranh thanh loại 5 tổ chức (3 cơ sở cầm đồ, 2 công ty) và 73 đối tượng (29 đối tượng ngoài tỉnh).

Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đang quản lý 4 tổ chức (công ty tài chính) và 44 đối tượng (14 đối tượng ngoài tỉnh) liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Công an cũng đã khởi tố, điều tra 3 vụ, 2 bị can liên quan đến “tín dụng đen”. Điển hình như, 2 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (1 vụ xảy ra vào tháng 7/2019, liên quan đến 2 đối tượng từ tỉnh Ninh Bình và 1 vụ xảy ra tháng 2/2020, liên quan 1 đối tượng từ tỉnh Nghệ An và 1 đối tượng từ Hà Nội); 1 vụ hủy hoại tài sản và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (xảy ra tháng 3/2019, liên quan 2 đối tượng từ Ninh Bình vào Cà Mau thuê nhà để hoạt động cho vay).

Cơ quan chức năng cũng đang xác minh 1 vụ có dấu hiệu “cho vay lãi nặng” xảy ra tại TP Cà Mau, liên quan 3 đối tượng từ Hà Nội.

Cần cảnh giác với những thủ đoạn tinh vi

Theo UBND tỉnh Cà Mau, các đối tượng “tín dụng đen” dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động. Các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, tẩu tán khi bị phát hiện; thỏa thuận lãi suất vay thông qua facebook, zalo, tin nhắn, nếu bị phát hiện thì xóa tin nhắn, bỏ sim điện thoại, xóa tài khoản…

Trong khi đó, người vay không hợp tác với công an do sợ bị trả thù hoặc sợ lộ lý do không chính đáng trong việc vay tiền; các đối tượng đòi nợ không có mối quan hệ với người đi vay nên khó khăn trong việc xác định nhân thân, mời lên làm viêc, đấu tranh khai thác…

Nhận diện hoạt động tín dụng đen ở Cà Mau - 2

Người dân cần cảnh giác với những quảng cáo, tờ rơi với thông tin liên quan đến cho vay không rõ nguồn gốc. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Cà Mau nhận định, hiện nay tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục hoạt động với chiều hướng ngày càng phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Một bộ phận doanh nghiệp (vừa và nhỏ), các tổ chức, cá nhân, người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng nhưng không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng nên đã tìm đến các cá nhân, tổ chức cho vay không thế chấp, thủ tục nhanh gọn nhưng thực chất là “tín dụng đen” để vay tiền.

Còn những đối tượng hoạt động “tín đụng đen” thường lợi dụng mạng viễn thông, internet, cho dán, rải tờ rơi tại những nơi đông người qua lại, các cơ quan, trường học để quảng bá hoạt động và thu hút khách hàng; đồng thời, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ… nhằm tạo vỏ bọc, để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Thủ đoạn của các đối tượng cho vay rất tinh vi, trên giấy tờ vay tiền mà tính số tiền lãi phải trả hàng ngày hoặc ghi mức lãi suất thấp so với thực tế vay. Khi đến hạn chưa trả được thì con nợ phải viết giấy nợ cả gốc và lãi, nhập lãi vào gốc tính kỳ hạn mới (lãi chồng lãi).

Trong khi đó, hoạt động đòi nợ thuê có nhiều biến tướng, ngoài các thủ đoạn như đổ chất bẩn, chất thải, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, thì các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.

Huỳnh Hải