1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Nhà báo Hoàng Khương: "Bị cáo sơ suất trong nghiệp vụ"

(Dân trí) - “Bài báo của bị cáo viết cơ bản đúng, có tình tiết… và theo tuyến bài đã có sự chỉ đạo. Bị cáo sai ở chỗ đã can thiệp sâu vào việc đưa tiền. Số tiền 15 triệu đồng ở đây là để nhờ CSGT đóng phạt dùm để lấy xe chứ không lo lót”.

Đó là lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Khương, phóng viên báo Tuổi trẻ, bút danh Hoàng Khương trước HĐXX trong phiên thẩm vấn chiều nay, 6/9. Ngay khi được vị chủ toạ gọi lên thẩm vấn và hỏi cảm nhận của bị cáo như thế nào về bản cáo trạng của VKS, Hoàng Khương cho rằng không đồng ý với nội dung cáo trạng. Hoàng Khương cho rằng cáo trạng chưa hội đủ các dấu hiệu cơ bản để buộc bị cáo vào tội: “Đưa hối lộ”.
 
Động cơ của bị cáo là tác nghiệp báo chí theo chủ trương của toà soạn báo Tuổi trẻ. “Bản chất của vụ việc không đúng. Bị cáo không có vụ lợi cá nhân mà là tác nghiệp theo đề tài toà soạn giao. Cơ quan tố tụng đã cắt ráp, nối ghép thời gian không đúng trình tự. Hơn nữa, số tiền 15 triệu đồng là đưa cho CSGT Huỳnh Minh Đức đóng phạt dùm rồi lấy xe ra chứ không phải là lo lót”, Hoàng Khương khai.

Với thái độ nhã nhặn, lời nói từ tốn và lập luận logic, Hoàng Khương cho biết, khi được toàn soạn phân công thực hiện tuyến bài về an toàn giao thông, anh đã tận dụng các mối quan hệ, doanh nghiệp, bạn bè để tìm kiếm thông tin. Khương có mối quan hệ thân quen với Tôn Thất Hòa (Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Duy Nguyên) và đã nhiều lần được Hoà đưa đi tác nghiệp các đề tài điều tra về mặt trái của giao thông.
 
Bị cáo Nguyễn Văn Khương trước HĐXX
Bị cáo Nguyễn Văn Khương trước HĐXX

Khi được phân công đề tài, Khương gọi cho Tôn Thất Hoà hỏi có vụ tai nạn nào để viết bài thì Hoà nói để hỏi bạn bè rồi trả lời. Một lát sau, Hoà gọi lại nói có vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn xảy ra đêm 23/6/2011. Sau đó, Khương xin đi theo Hoà trong các buổi làm việc với CSGT để nắm quy trình xử lý tai nạn giao thông.

Trong quá trình tác nghiệp vụ xử lý xe đầu kéo này thì Tôn Thất Hoà đứng ra dàn xếp giúp Trần Anh Tuấn. Hoà đưa cho Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh số tiền 3 triệu đồng. Sau đó, Trần Anh Tuấn được nhận lại xe, giấy tờ xe, giấy phép lái xe. Cũng trong “phi vụ” này, Tôn Thất Hòa đã đặt tiếp vấn đề trả xe gắn máy của Trần Minh Hòa (trước đó Minh Hoà đua xe và bị giam xe) và được Đức đồng ý với giá 15 triệu đồng.

Biết được thông tin này, Hoàng Khương mới nảy sinh ra thêm một đề tài mới. Trong quá trình thâm nhập tìm hiểu vụ việc, Hoàng Khương đi theo Tôn Thất Hoà và được Hoà giới thiệu với Huỳnh Minh Đức. Lúc đó, Hoàng Khương đóng vai là “Hùng tài xế” của Hoà. Trong quá trình tiếp xúc, Khương, Đức, Hoà có lần gặp ở quán café gần bãi xe, quán nhậu… Trong một lần Hoà thương lượng với Đức về việc giải cứu chiếc xe máy, Khương đã đưa máy ghi âm nhờ Hoà cất vào túi, ghi âm toàn bộ cuộc đối thoại. Sau đó Hoàng Khương đã gọi điện thoại cho người đem hồ sơ xe vi phạm (xe của Trần Minh Hòa) và 15 triệu đồng đến cuộc nhậu. Hoàng Khương đưa biên bản vi phạm cho Đức xem còn Tôn Thất Hòa cầm 15 triệu đồng đưa cho Đức. Chiếc xe gắn máy được lấy ra nhưng giấy tờ vẫn còn bị cơ quan CSGT giữ.

Khi có đầy đủ thông tin, Hoàng Khương lần lượt viết bài đăng trên báo Tuổi trẻ với tựa đề: “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”.
Nguyên nhà báo Hoàng Khương chỉ thừa nhận sai sót nghiệp vụ
Nguyên nhà báo Hoàng Khương chỉ thừa nhận sai sót nghiệp vụ

Trả lời chủ toạ về mục đích đưa tiền cho CSGT Đức, Hoàng Khương khai: “Khi chưa có bản kiểm điểm trước tổ dân phố thì người vi phạm đua xe không được lấy xe. Vì vậy, mục đích bị cáo đưa tiền là để biết quy trình đóng phạt có đúng không”. Ngay sau khi bài báo “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” đăng, theo chỉ đạo của cơ quan, Hoàng Khương tiếp tục phỏng vấn lãnh đạo Đội CSGT Bình Thạnh. Sau cuộc phỏng vấn, cảm thấy có dấu hiệu bao che, nên Khương mới gọi cho Trần Minh Hoà bảo cất xe, không trả cho Huỳnh Minh Đức, vì xe là tang chứng của vụ việc. Nếu xe bị thu lại về tay Huỳnh Minh Đức thì sự việc không còn nữa.

Đại diện VKS hỏi Hoàng Khương: “Bị cáo nói do sai sót nghiệp vụ, vậy tại sao ban đầu không khai báo cho cơ quan điều tra biết?”. Hoàng Khương khai rằng: “Ban đầu, không khai vì cơ quan điều tra mời lên làm việc nhưng không biết với vai trò như thế nào. Hơn nữa, bị cáo không nhận thức được việc tác nghiệp của mình là vi phạm pháp luật, không nghĩ nghiêm trọng như thế. Sau đó, bị cáo đã khai báo rõ ràng hành vi của mình chỉ đơn thuần là tác nghiệp theo nghiệp vụ báo chí”. Nhận xét về hai bài báo của mình viết, Hoàng Khương khẳng định: “Bài báo cơ bản đúng, có tình tiết. Sai ở chỗ bị cáo sơ suất trong nghiệp vụ”.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đức Đông Anh cũng khẳng định số tiền 15 triệu đồng là đưa cho Huỳnh Minh Đức đi đóng phạt dùm chứ không phải tiền lo lót, hối lộ.

Phiên toà chuyển sang phần hỏi đáp của luật sư Phan Trung Hoài với các bị cáo. Tuy nhiên, do hết thời gian làm việc phiên buổi chiều nên chủ toạ đã tuyên báo tạm dừng.

Sáng mai, 7/9, phiên toà tiếp tục.

Công Quang