1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên trung tá công an thừa nhận tất toán khống 1.900 lượng vàng

(Dân trí) - Chiều 29/11, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) bị truy tố 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, nguyên trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TPHCM) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tất toán khống hàng nghìn lượng vàng

Trần Phương Bình và Nguyễn Hồng Ánh có mối quan hệ thân quen từ trước nên bị cáo Ánh và bị cáo Bình thống nhất vay vàng để được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền. Tháng 1/2008, bị cáo Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339 m2 đất ở quận Phú Nhuận, quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền, quận 2 cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.

46693469_267697080610196_6148438283442454528_n

Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh. (ảnh: Phạm Nguyễn).

Tháng 1/2008, Trần Phương Bình phê duyệt đồng ý cho Nguyễn Hồng Ánh vay 2.000 lượng vàng, Thời hạn cho vay là 12 tháng. Ngày 14/1/2008, bị cáo Ánh ký nhận nợ số vàng này.

Ngày 21/1/2009, bị cáo Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho DongABank. Nhưng thực chất, 2 bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DongABank vào ngày 24/1/2009.

Đến 26/1/2010, bị cáo Ánh chỉ trả được 100 lượng vàng nên trong cùng ngày, DongABank tiếp tục làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho ông Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng, từ ngày 28/1/2010.

Trần Phương Bình và Nguyễn Hồng Ánh đã bàn bạc, thống nhất để bị cáo Ánh nộp 32 tỉ đồng, là tiền tiết kiệm của Nguyễn Hồng Ánh tại DongABank, còn Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng của ông Ánh (tương đương 53 tỉ đồng).

Ngày 29/2/2012, cấp dưới của Trần Phương Bình đã làm phiếu thu khống 1.900 lượng vàng của Nguyễn Hồng Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay ngày 28/1/2010. Cùng ngày, Hội sở DongABank lập phiếu thu tiếp nhận điều chuyển khống 1.900 lượng vàng về hội sở, chịu âm quỹ số vàng này.

Tại tòa, bị cáo Ánh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Ánh cho rằng vì mối quan hệ bạn bè với bị cáo Bình nên đã lập khống hồ sơ gây thất thoát cho ngân hàng. Bị cáo Ánh cũng cho rằng, trong quá trình điều tra cơ quan tố tụng đã kê biên 1 lô đất với diện tích 567m2 đứng tên bị cáo, và một số cổ phiếu.

Vũ “nhôm” mua 50 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng

Trần Phương Bình khai khi bán cổ phần DongABank, Bình khai có một số hạn chế với thành viên và gia đình thành viên hội đồng quản trị nên Bình không thể bán cổ phần của mình và người thân đứng tên. Vì vậy, Trần Phương Bình giữ lại cổ phần của vợ và các con.

“Cổ phần đứng tên bị cáo thì bị hạn chế bán. Nếu thực hiện bán cổ phần đứng tên mình, vợ và con thì phải công bố trước công luận. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DongABank”, bị cáo Bình trả lời.

Đại diện Viện kiểm sát chất vấn có phải bị cáo Bình muốn thâu tóm quyền lực tại DongABank nên mới mua cổ phần lại cho vợ và con. Bị cáo Bình phủ nhận và cho biết tỷ lệ phần trăm cổ phần của bị cáo Bình và người thân đứng tên chưa bao giờ đạt đến con số 20%.

46822434_1881268431971778_2474714766740815872_n

Bị cáo Trần Phương Bình. (ảnh: Phạm Nguyễn).

Trần Phương Bình không thể xác định phần trăm bao nhiêu thì mới nắm quyền cao nhất, tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết. “Bị cáo nghĩ phải trên 30%”, Bình khai.

Ngoài ra, Trần Phương Bình khai trong khoảng thời gian từ 2007-2014, DongABank bán cho Vũ “nhôm” tổng cộng 50 triệu cổ phần với đơn giá 10.000 đồng.

“Giá cổ phần DongABank lúc đó xuống thấp, bán cho Vũ giá đó thì so với giá mua vào năm 2007 thì không những không cao hơn mà còn bị âm”, ông Bình trình bày.

Tổng số tiền thu được từ việc bán cổ phần cho Vũ “nhôm” là 500 tỉ đồng, Trần Phương Bình khai toàn bộ số tiền này sử dụng cho hoạt động DongABank để tất toán hồ sơ vay mang tên Ngọc Linh nhằm chống âm quỹ những năm trước và thanh toán các hợp đồng vay trước đó.

Cuối phiên tòa, chủ tọa thông báo sáng mai 30/11, công an hỗ trợ tư pháp sẽ dấn bị cáo Phan Văn Anh Vũ tới tham dự phiên tòa để HĐXX xét hỏi bị cáo này.

Xuân Duy