1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM khai gì trước khi trốn truy nã?

Xuân Duy

(Dân trí) - Trước khi bỏ trốn, bà Đào Thị Hương Lan khai đã không căn cứ vào Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM giai đoạn 2008-2011) cùng đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan tới vụ án, bị can Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948, giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM khai gì trước khi trốn truy nã? - 1
Ông Nguyễn Thành Tại lại bị truy tố.

Theo cáo trạng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước, không là thành viên Ban chỉ đạo 09 TPHCM nhưng ông Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng.

Việc ông Tài chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản dẫn tới việc không có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất số 57 Cao Thắng đã bị thế chấp, bị bà Dương Thị Bạch Diệp lừa dẫn đến thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 325 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định ông Tài là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Tuy nhiên cơ quan điều tra cũng xác định trong quá trình điều tra ông Tài thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là người từng có chức vụ, có nhiều đóng góp nên cần xem xét giảm nhẹ.

Một trong những đồng phạm với ông Tài là bà Đào Thị Hương Lan. Kết luận điều tra vụ án xác định, bà Đào Thị Hương Lan (nguyên Giám đốc Sở Tài chính, thường trực Ban chỉ đạo 09 TPHCM) đã thực hiện chỉ đạo của bị can Nguyễn Thành Tài đối với việc hoán đổi tài sản.

Cơ quan tố tụng xác định bà Đào Thị Hương Lan nhận thức được hoán đổi tài sản giữa công ty của bị can Dương Thị Bạch Diệp và trung tâm ca nhạc nhẹ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý tài sản.

Làm việc với cơ quan điều tra, bị can này khai đã không căn cứ vào Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và Luật quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Bà Lan chỉ dựa vào sự chấp thuận chủ trương thực hiện hoán đổi của lãnh đạo UBND TPHCM và thực tế “sự việc đã rồi” để đề xuất yêu cầu các bên liên quan cung cấp các thủ tục pháp lý cho đủ thủ tục nhằm hợp thức hóa hồ sơ theo trình tự, thẩm quyền giải quyết. Bà Lan nhận thức được việc hoán đổi trên là không đúng quy định. 

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM khai gì trước khi trốn truy nã? - 2
Bị can Đào Thị Hương Lan.

Bà Lan cũng nhận thức được quyền sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, thế chấp đối với nhà 57 Cao Thắng của Công ty bà Diệp là điều kiện tiên quyết bắt buộc để có thể thực hiện việc hoán đổi.

Tuy nhiên, bà đã không đề xuất chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất trên. Tin tưởng một cách không có căn cứ vào công ty Diệp Bạch Dương và Trung Tâm ca nhạc nhẹ. Từ đó đã không phát hiện được số nhà 57 Cao Thắng đã bị thế chấp.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, cơ quan tố tụng không xác định được Đào Thị Hương Lan có vụ lợi hay động cơ cá nhân khác trong việc giải quyết hoán đổi tài sản.

Với hành vi nêu trên, Đào Thị Hương Lan đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Đào Thị Hương Lan đã rời khỏi địa phương trước khi bị khởi tố nên cơ quan điều tra quyết định truy nã. Hiện nay, chưa bắt được bị can Lan nên cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, lúc nào bắt được thì sẽ phục hồi lại và xử lý sau.

Trong vụ án này, cấp dưới bà Lan, bị can Trần Nam Trang (cựu phó Giám đốc Sở Tài chính) cùng bị khởi tố, truy tố trong vụ án này thừa nhận thiếu trách nhiệm trong quá trình tham mưu, đề xuất hoán đổi tài sản…