Nguyên giám đốc công ty dệt kim Đông Phương kêu oan bất thành
(Dân trí) - Ngày 16/5, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Thành Công (sinh năm 1954, nguyên giám đốc công ty dệt kim Đông Phương) 16 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Năm 2016, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt Lê Thành Công mức án 25 năm tù về các tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt Công phải chấp hành là 30 năm tù (tù có thời hạn không quá 30 năm tù).
Theo cáo trạng, ngày 29/10/2017, Lê Thành Công đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất lô đất số 10 Âu Cơ (là tài sản Nhà nước do Tập đoàn Dệt may làm chủ sở hữu). Công ty dệt kim Đông Phương là người sử dụng để bảo lãnh cho công ty Tấn Phát (công ty con của Dương Thanh Cường) vay 130 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh 6.
Ngày 9/5/2008, Lê Thành Công ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ từ công ty dệt kim Đông Phương sang công ty Đông Phương Pháp (công ty con của Dương Thanh Cường).
Sau khi ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ từ công ty Đông Phương sang công ty Đông Phương Phát, Lê Thành Công tiếp tục ký biên bản họp họp hội đồng thành viên đem quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ sang ngân hàng Phương Nam thế chấp, gán nợ (trong khi quyền sử dụng đất này đã thế chấp trước tại Agribank chi nhánh 6), tạo điều kiện cho “siêu lừa” Dương Thanh Cường thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt 170 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định Lê Thành Công phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới với Dương Thanh Cường về hành vi gây thiệt hại cho Agribank chi nhánh 6 hơn 134,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Công đã có hành vi trái luật và vượt thẩm quyền khi ký hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ cho doanh nghiệp bên ngoài khi không thực hiện các thủ tục định giá và đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Tập đoàn dệt may Việt Nam 33,8 tỉ đồng. Tổng cộng, Lê Thành Công phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thiệt hại 168,2 tỉ đồng.
Giám đốc lạm quyền kêu oan bất thành
Tại tòa, bị cáo Công khai khu đất số 10 Âu Cơ thuộc trường hợp di dời do ô nhiễm môi trường. Bộ Tài chính và UBND TPHCM đã phê duyệt phương án di dời, đồng thời cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu thương mại. Công ty Đông Phương được phép liên doanh để thực hiện dự án.
Tập đoàn đã cho phép, bị cáo Công thực hiện quyền góp vốn quyền sử dụng đất vào công ty Đông Phương Phát. Có nghĩa tập đoàn dệt may đã chấp nhận cho sự liên doanh này cũng như các thủ tục liên quan nhằm thực hiện dự án tại số 10 Âu Cơ.
Luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Lê Thành Công) cho rằng cáo trạng và lời luận tội nhận định bị cáo Lê Thành Công đã gây thiệt hại khi góp vốn vào công ty Đông Phương Phát 33 tỉ đồng cho tập đoàn dệt may là không có căn cứ.
Công ty Đông Phương là doanh nghiệp Nhà nước, không đủ năng lực tài chính để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nên công ty Đông Phương đã xin phép tập đoàn đấu thầu chọn lựa đối tác để ký kết hợp đồng liên doanh. Đây là một phương thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án Khu phức hợp mà công ty Đông Phương và Tập đoàn đã lựa chọn. Điều này đã thể hiện thông qua số tiền 30 tỉ đồng mà công ty Đông Phương mượn công ty Phương Nam nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ tài chính hoàn thành thủ tục định giá, thuê tư vấn trong công tác chuyển quyền sử dụng đât số 10 Âu Cơ. Từ đó, luật sư Công đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Lê Thành Công phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Bị cáo là người đủ năng lực nhận thức để biết hành vi của mình là sai trái nhưng vì động cơ vụ lợi Công đã thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, có quá trình công tác trong quân ngũ, có thành tích trong quá trình công tác là những tình tiết HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Xuân Duy