1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên Chủ tịch HĐTV TCty Thủy sản Việt Nam bị bắt

Ngày 15.6 tại TPHCM, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã bắt giam ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Thủy sản Việt Nam - Cty TNHH MTV - về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo điều tra ban đầu, do nắm giữ nhiều chức, nhiều quyền lực nên ông Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1958, tiến sĩ kỹ thuật đóng tàu, quê Cam Ranh, Khánh Hòa, thường trú Q.7, TPHCM) cùng các “cộng sự” đã tự tung tự tác và gây ra nhiều sai phạm cực kỳ nghiêm trọng.

Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho hay: Trong thời gian ông Lộc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TCty Hải sản Biển Đông đã làm mất vốn nhà nước lên tới 150 tỉ đồng. Cùng với ông Lộc, còn có ông Trần Vũ Dũng - Giám đốc Cty CP Biển Tây (ngụ quận 7, TPHCM) - cũng bị bắt giam.

TCty Hải sản Biển Đông (quận 1, TPHCM) có Cty “con” là Cty CP công nghiệp thủy sản (Seameco) cũng do ông Lộc làm chủ tịch HĐQT. Tháng 4.2007, Seameco tham gia góp vốn vào Cty CP Biển Tây và cử ông Lộc làm đại diện vốn, tham gia vào HĐQT Cty này.

Đến tháng 6.2007, Seameco lại tiếp tục góp vốn vào Cty CP Aquafeed Cửu Long chuyên SX thức ăn thủy sản (KCN Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) và cũng cử ông Lộc làm đại diện vốn, đồng thời nắm giữ luôn chức chủ tịch HĐQT Cty CP Aquafeed Cửu Long.

Do nắm giữ nhiều chức, nhiều quyền lực nên ông Lộc cùng các “cộng sự” đã tự tung tự tác và gây ra nhiều sai phạm cực kỳ nghiêm trọng. Cụ thể là Cty CP công nghiệp thủy sản chuyển tiền về các Cty CP Biển Tây, Cty CP Aquafeed Cửu Long bằng cách ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá nhưng không có văn bản báo cho HĐQT.

Hậu quả này dẫn đến việc Cty CP Aquafeed Cửu Long nợ Cty CP công nghiệp thủy sản đến nay là 113 tỉ đồng (gồm nợ gốc và lãi suất) không có khả năng chi trả, bởi Cty CP Aquafeed Cửu Long đã ngừng hoạt động hơn một năm nay và đang chờ làm thủ tục phá sản.

Theo sổ sách kế toán, đến cuối năm 2011, tổng số nợ phải thu của Cty CP Aquafeed Cửu Long là hơn 135 tỉ đồng, nhưng tổng số nợ phải trả lên đến gần 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra ban đầu, đây mới chỉ là phần xác định được vì số lượng nguyên liệu, chứng từ nhập kho, xuất kho và việc thanh toán tiền như thế nào trong 4 năm mua bán nguyên liệu giữa Cty CP công nghiệp thủy sản với Cty CP Biển Tây và Cty CP Aquafeed Cửu Long với tổng số tiền lên đến 800 tỉ đồng vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, TCty Hải sản Biển Đông còn cho Cty CP công nghiệp thủy sản vay gần 21 tỉ đồng, nhưng thủ tục cho vay không đầy đủ và không hợp pháp. Các hợp đồng vay vốn không có phương án sử dụng vốn cũng không có việc thẩm định cho vay vốn.

Khoản nợ này hiện tại cũng không có khả năng thu hồi vì tình hình tài chính của Cty CP công nghiệp thủy sản cũng đang trong giai đoạn “kiệt quệ” khó khăn. Tổng số nợ mà Cty này đang gánh trên 140 tỉ đồng, nhưng khoản nợ phải thu chỉ có 137 tỉ đồng mà hầu hết đều là “nợ xấu”.

Ông Lộc và tay chân của mình đã bất chấp quy định của Nhà nước, tự ý giảm tỉ lệ vốn nhà nước từ 59% xuống còn 46% tại Cty CP công nghiệp thủy sản. Việc giảm vốn này dẫn đến Nhà nước không còn chi phối, nên Cty CP công nghiệp thủy sản hoạt động chệch hướng chiến lược của TCty, kéo theo nhiều sai phạm nghiêm trọng khác.

Việc ông Lộc bị bắt tạm giam, dư luận hy vọng cơ quan điều tra sẽ mở ra nhiều “khoảng tối” khác đang gây bức xúc dư luận trong TCty Thủy sản VN hiện nay.

Theo Cao Hùng
Lao động