1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng

(Dân trí) - Tại phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại TAND tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Phước nguyên Chánh án TAND tỉnh này cho rằng mình không tham ô và chia chác hàng trăm triệu đồng như thuộc cấp đã khai.

Ngày 25/12, phiên tòa xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng - 1

Bốn bị cáo trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại TAND tỉnh Phú Yên

Bốn bị cáo được xét hỏi đều là cựu cán bộ TAND tỉnh Phú Yên, gồm: Lê Văn Phước (nguyên chánh án), Trương Công Lộc (phụ trách kế toán), Ngô Thị Phương Thảo (kế toán viên), Huỳnh Thị Nhã Nhàn (thủ quỹ).

Cựu chánh án không thừa nhận việc tham ô hàng trăm triệu đồng

Tại phần xét hỏi chiều ngày 25/12, bị cáo Lê Văn Phước cho rằng cáo trạng truy tố ông tham ô 5 khoản: tiền ngân sách tỉnh Phú Yên, ngân sách TAND tối cao, ngân sách trung ương chi thanh toán lương, tiền thanh toán may trang phục và tiền tiêu vặt khi đi tập huấn ở nước ngoài là "chưa đúng".

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng - 2

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên không thừa nhận việc tham ô hàng trăm triệu đồng của mình

“Ngay sau khi tôi nghe về việc ông Lộc kê khống lương của một chánh án tòa hình sự về hưu, tôi đã bảo kế toán Thảo kiểm tra và phát hiện ông Lộc có sai phạm hơn 1 tỷ đồng.

Ngay lúc đó, tôi đã báo cáo ban cán sự đảng, cấp ủy TAND tỉnh Phú Yên, để lập các đoàn thanh, kiểm tra tài chính, vì sợ bị cáo Lộc tẩu tán tài sản chiếm đoạt. Do đó, cáo trạng truy tố tôi thông đồng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng tiền lương sai phạm là chưa đúng”.

Nói về ngân sách chi bồi dưỡng công tác hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động do trung ương cấp và UBND tỉnh Phú Yên cấp, bảng lương của cán bộ cơ quan, ông là chủ tài khoản của TAND tỉnh Phú Yên nên ký duyệt từ các chứng từ, văn bản do kế toán trình.

"Tôi đã kiểm tra nhưng không thể nhớ hết được, ông Lộc là kế toán có đầy đủ kinh nghiệm và làm lâu năm nên tôi tin tưởng mà ký", ông Phước nói.

Bị cáo Phước nói để xảy ra việc ông Lộc, bà Nhàn, Thảo lấy tiền của Nhà nước thì ông thiếu trách nhiệm. Ông khẳng định không chỉ đạo cấp dưới làm sai, tham ô rồi chia tiền cho mình.

Tuy nhiên trước đó, bị cáo Trương Công Lộc lại khai rằng, đối với khoản tiền lương kê khống, khi ông V.X.H (Chánh tòa Hình sự nghỉ hưu từ ngày 1/6/2013), bị cáo Lộc biết sai nên đã báo cáo với ông Phước về khoản tiền lương này. Nếu không làm nữa thì sẽ bị Kho bạc Nhà nước phát hiện, nên bị cáo Lộc đề xuất với bị cáo Phước tiếp tục lập khống để chiếm đoạt tiền lương.

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng - 3

Ông Lộc lại cho rằng, việc kê khống lương hưu của một chánh tòa có bàn bạc thống nhất với ông Phước

“Lúc này, bị cáo Phước dặn làm cho cẩn thận”, bị cáo Lộc khai tại tòa. Chính vì thế, từ tháng 6/2013 đến 8/2017, số tiền lương khống bị chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng. Bị cáo Lộc khai đưa cho bị cáo Phước mỗi tháng từ 6 - 10 triệu đồng. Do sợ bị cáo Ngô Thị Phương Thảo phát hiện nên bị cáo Lộc đã chuyển cho bị cáo Thảo mỗi tháng 2 triệu đồng.

Thuộc cấp khai nhận việc lập khống và chia nhau

Khai trước tòa, bị cáo Trương Công Lộc và bà Huỳnh Thị Nhã Nhàn khai nhận đã cùng nhau lập khống chứng từ từ năm 2010 đến 2012 và chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, đến năm 2013 thì mới chia cho bị cáo Phước.

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng - 4

Bị cáo Huỳnh Thị Nhã Nhàn 

“Việc tham ô ngân sách xảy ra đầu tiên vào năm cuối năm 2010. Tôi và ông Lộc tham gia lập khống để chia nhau số tiền hơn 170 triệu đồng, trong đó năm 2011 là 28 triệu đồng và 2012 là 142 triệu đồng. Số tiền này tôi được chia ít hơn ông Lộc vì ông là sếp.

Đến năm 2013 thì bắt đầu chia cho ông Lê Văn Phước - Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, nhưng ông Phước không trực tiếp nhận tiền từ tôi, mà thông qua ông Lộc” bà Nhàn khai.

Theo bị cáo Nhàn, việc lập khống chứng từ để tham ô tài sản, xuất phát từ bị cáo Phước ứng tiền mà không trừ ứng nên dẫn quỹ âm. Bị cáo Phước được chia mỗi năm 100 triệu đồng, bị cáo Lộc cũng 100 triệu đồng, riêng bị cáo Nhàn chỉ được chia 50 triệu đồng nên bị cáo thắc mắc và từ năm 2015 mới được thêm 50 triệu đồng nữa.

Nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bác cáo buộc tham ô hàng trăm triệu đồng - 5

Bị cáo Thảo khai có từng phát hiện kê khống lương của ông Lộc và báo cáo ông Phước xử lý

Tại tòa, bà Nhàn khẳng định các phần tiền tham ô từ ngân sách mà ông Phước được chia, đều thông qua ông Lộc và chính tay bà là người chuẩn bị các phong bì chứa nhiều tờ tiền 500.000 đồng.

Việc nhận và đưa tiền cho ông Phước, ông Lộc cũng khai nhận tại tòa.

“Bị cáo là người trực tiếp đưa cho bị cáo Phước. Tiền được bọc lại rồi đưa cho bị cáo Phước. Bị cáo đưa xong tiền thì nói lại với bị cáo Nhàn ngay”, bị cáo Lộc khai.

Trả lời câu hỏi của các luật sư về việc khi đưa tiền cho bị cáo Phước có chứng từ gì không, ghi âm, ghi hình không, bị cáo Lộc nói: “Tiền tham ô, hối lộ không thể viết giấy tờ mà chỉ đưa ngầm thôi, chứ làm gì có giấy tờ”.

Phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra, dự kiến sẽ tuyên án vào cuối tuần này.

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 8/2017, Lê Văn Phước, Trương Công Lộc, Ngô Thị Phương Thảo, Huỳnh Thị Nhã Nhàn, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt số tiền hơn 2,8 tỷ đồng mà các bị cáo có trách nhiệm quản lý.

Hai ông Phước và Lộc cùng chiếm đoạt tiền chi thanh toán qua lương (từ tháng 7/2013 - tháng 8/2017) với số tiền 1,1 tỷ đồng (làm tròn số); Bốn bị cáo Phước, Lộc, Nhàn, Thảo chiếm đoạt tiền ngân sách địa phương là 703 triệu đồng và tiền ngân sách trung ương 984 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Lộc còn lập khống chiếm đoạt riêng tiền chi thanh toán qua lương (tháng 6/2013) với số tiền 15 triệu đồng và chi 2 lần khoản tiền may trang phục để chiếm đoạt 43 triệu đồng.

Trung Thi