1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nghệ An:

Người dân tố công ty “ma” lừa đảo XKLĐ?

(Dân trí) - Tin lời “đường mật” về một đường dây XKLĐ nước ngoài chi phí rẻ, thu nhập cao, thủ tục dễ dàng, hàng trăm người dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An) đã nộp tiền cho công ty…“ma” nhưng bị công ty này nhiều lần hoãn bay và khất hứa trả tiền.


 
Sáng ngày 12/1/2013, hàng chục người dân đã kéo đến “vây” dãy nhà trọ số 58, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An) để đòi lại số tiền mà họ đã nộp vào cho công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đóng tại địa chỉ này.
 
Nhiều người cho biết, họ được môi giới, nạp tiền để đi xuất khẩu lao động Đài Loan từ tháng 6/2012 và được hứa hẹn vào tháng 8/2012 sẽ hoàn tất thủ tục bay để sang lao động. Tuy nhiên, đã hơn nửa năm trôi qua mà công ty XKLĐ này liên tục hoãn bay và khất hứa hoàn trả lại tiền. Để có tiền nạp cho công ty XKLĐ, nhiều người đã phải vay “nóng” ngân hàng, thậm chí cầm cố, bán cả lợn, xe máy…mà vẫn chưa được công ty giải quyết.

Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên ông Lê Văn Tĩnh (SN 1949), trú tại xóm 4, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) muốn con trai là Lê Văn Công (SN 1977) đi XKLĐ nước ngoài để thoát nghèo. Tháng 5/2012, thông qua người bạn thân tên Dũng, ông được giới thiệu một đường dây XKLĐ nước Đài Loan với chi phí rẻ, thủ tục dễ dàng mà lại thu nhập cao. Nghĩ bạn thân giới thiệu nên ông Tĩnh cũng tin tưởng và “tư vấn” cho con vay mượn tiền để đi nước ngoài. 

Ông Lê Văn Tĩnh đi đòi tiền XKLĐ cho con trai
Ông Lê Văn Tĩnh đi "đòi" tiền XKLĐ cho con trai

Ngày 20/5/2012, anh Công đóng 10,3 triệu đồng tiền học phí và thủ tục hồ sơ cho Nguyễn Chiêu Dương (có địa chỉ thường trú tại khối 1, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu). Anh Công được Dương hứa hẹn, sau khi khám sức khỏe xong thì ngày 28/8/2012 sẽ bay sang Đài Loan, nếu 1 tuần mà không đi được thì Dương sẽ hoàn lại tiền.
 
“Chờ đến hẹn nhưng thằng Công vẫn chưa được công ty đưa đi nên tôi cũng sốt ruột lắm. Khi hỏi thằng Dương thì nó bảo sang tháng 10/2012 sẽ bay được, nhưng cứ hết lần này đến lần khác nó đều bảo do trục trặc nên chưa đưa được người lao động sang bên đó”, ông Tĩnh cho biết.

Phiếu thu tiền của anh Lê Văn Công
Phiếu thu tiền của anh Lê Văn Công

Cũng trong khoảng thời gian anh Công đưa tiền cho Dương để đi XKLĐ, 3 người cháu họ hàng với ông Tĩnh là Lê Văn Đức, Lê Văn Lực và Lê Văn Điệp cũng tin tưởng vào đường dây này nên đã đóng tiền làm thủ tục, mỗi người từ 13-17 triệu đồng.
 
Ông Tĩnh bức xúc: “Số tiền vay nợ ngân hàng lãi suất cao đến tháng phải trả mà chúng tôi vẫn chưa lấy đâu ra. Nếu không đi được thì họ phải hoàn tiền lại cho chúng tôi chứ họ cứ khất hết lần này đến lần khác làm chúng tôi hoang mang, lo lắng”. Chờ đợi để đi Đài Loan không được, anh Lê Văn Lực đành phải vay tiền để đi Malaysia còn anh Lê Văn Công lại sang Lào để làm thuê kiếm tiền trả lãi ngân hàng.
 
Gửi hai đứa cháu nhỏ cho bà nội trông, chị Hồ Thị Lý (1987) xóm Thọ Thắng, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cùng mấy chị em trong xóm tất tả đánh xe máy vào Vinh, “bám trụ” trước số nhà 58 để đòi tiền XKLĐ.
 
Chị Lý cho biết: “Nghe mấy người trong xã bảo có đường dây đi XKLĐ Đài Loan chi phí rẻ, thủ tục nhanh gọn nên tôi bảo chồng bán đi đàn lợn, vay mượn thêm để đủ tiền. Tôi đã đưa cho bà Trần Thị Đức (mẹ vợ của Nguyễn Chiêu Dương - PV) 17 triệu đồng tất cả. Ngày 20/6/2012, chồng tôi được đưa đi khám sức khỏe ở một bệnh viện ngoài Hà Nội và được hứa hẹn tháng 8/2012 là đi sang Đài Loan”. Cũng như gia đình anh Công, gia đình chị Lý liên tục nhận được thông báo “hoãn bay” từ tháng 8 đến tháng 12/2012.

Giờ tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ vay đi XKLĐ, chị Hồ Thị Lý cho biết
"Giờ tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ vay đi XKLĐ", chị Hồ Thị Lý cho biết

Trong khi đó, gia đình chị Trần Thị Thọ (SN 1967) ở xóm 1, xã Diễn Thọ, Diễn Châu (Nghệ An) cũng đang “sống dở, chết dở” với khoản vay 19 triệu đồng cho con đi XKLĐ. Đầu tháng 6/2012, chị được anh Hồ Anh Hùng (40 tuổi, xóm 12, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) giới thiệu một đường dây đi Đài Loan cần số lượng lao động lớn vào làm việc tại các nhà máy ở Đài Loan với tiền lương 17 triệu đồng/tháng, chưa kể làm tăng ca.
 
Chi phí để đi hết 120 triệu đồng, trước mắt chỉ nộp 20 triệu đồng. Lúc vào làm việc ổn định thì công ty sẽ trừ dần 3 triệu đồng/tháng. Nghe vậy, chị Thọ gọi con trai là Nguyễn Bá Thắng (SN 1991) đang làm việc ở Hà Nội về quê để làm thủ tục đi XKLĐ. Chị Thọ cho biết, chị đã phải vay 19 triệu đồng từ anh em, bà con và đưa cho Hùng vào các ngày 18/6, 19/6, 22/6/2012.

Đơn tố cáo của chị Trần Thị Thọ (trái) và Danh sách những người nộp tiền cho bà Trần Thị Đức
Đơn tố cáo của chị Trần Thị Thọ (trái) và Danh sách những người nộp tiền cho bà Trần Thị Đức

“Sau khi khám sức khỏe, làm hộ chiếu xong xuôi tất cả nhưng con tôi chờ mãi vẫn không được họ đưa đi sang Đài Loan làm việc. Khi tôi sang hỏi số tiền đã nộp thì anh Hùng nói đưa cho anh Nguyễn Chiêu Dương và bà Trần Thị Đức. Bây giờ gia đình tôi không biết xoay đâu ra tiền để trả nợ cho bà con, hàng xóm còn thằng con tôi phải đi kiếm việc nơi khác để trả nợ”, chị Thọ cho hay.

Trước đó, ngày 28/12/2012, hàng trăm người dân ở huyện Quỳnh Lưu cũng đã kéo đến phòng trọ bà Trần Thị Đức để “hỏi cho ra nhẽ” và yêu cầu hoàn lại tiền. Trước áp lực của người dân, bà Trần Thị Đức hẹn đến 12/1/2013 sẽ hoàn trả tiền và giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, khi người dân đến nơi thì bà Đức lại một lần nữa “khất hứa” khiến nhiều người bức xúc. Trung tá Nguyễn Lâm Huệ - Trưởng CA phường Trường Thi (TP Vinh) cho biết: “Bà Trần Thị Đức hiện đang tạm trú tại số nhà 58, đường Trần Quang Diệu. Sau khi xảy ra sự việc nhiều người dân tập trung tại số nhà trên, chúng tôi đã có mặt để giữ trật tự”.

Hàng chục người dân quây số nhà 58, Trần Quang Diệu, TP Vinh để đòi lại tiền XKLĐ
Hàng chục người dân "quây" số nhà 58, Trần Quang Diệu, TP Vinh để đòi lại tiền XKLĐ

Chiều ngày 12/1/2013, con gái bà Trần Thị Đức tên Hạnh đến trụ sở CA phường Trường Thi để giải thích và hứa đến 16/1/2013 thì công ty XKLĐ sẽ giải quyết cho người dân. Tuy nhiên khi người dân “truy” tên công ty nào thì Hạnh không trả lời được. Đến cuối buổi chiều ngày 12/1/2013 người dân vẫn chưa đồng tình với cách giải quyết này và kiên quyết tiếp tục ở lại TP Vinh để đòi lại tiền.

Nhiều người cho biết, vì “tin tưởng” được “người quen” giới thiệu nên họ cũng không biết được thông tin về công ty XKLĐ cũng như trụ sở công ty này đóng ở đâu. Số tiền mỗi người đóng cho đường dây này từ 10-19 triệu đồng. “Nghĩ đường dây đi XKLĐ Đài Loan dễ dàng lại có thu nhập cao nên chúng tôi đóng tiền và chờ để được đi nhưng nào ngờ giờ vẫn chưa đi được mà tiền thì họ lại không trả. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc để giúp chúng tôi lấy lại tiền”, một người dân ngậm ngùi cho biết.

Nguồn tin chúng tôi có được, hiện nay đã có hàng trăm người dân tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc…viết đơn tố cáo lên cơ quan chức năng về việc lừa đảo đi XKLĐ của đường dây này. 


Video người dân "tố" công ty "ma" lừa đi XKLĐ (Thực hiện: Doãn Hòa)

Sáng ngày 14/1/2013, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng Lao động, Việc làm, tiền lương & Bảo hiểm LĐXH, Sở LĐTB&XH Nghệ An cho biết: "Sau khi nhận được thông tin người dân phản ánh chúng tôi đã cho người xuống kiểm tra. Việc người dân đóng tiền cho họ để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan chúng tôi cũng không biết và không thể kiểm tra được vì ở đấy không có công ty xuất khẩu lao động nào cả".

Ông Dương cũng cho biết thêm, hiện cơ quan công an đang vào cuộc để xác minh vụ việc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

Doãn Hòa - Lany Nguyễn