Người đàn bà dùng mìn “đoạn tuyệt” với chồng để đi theo nhân tình

Từng có gia đình êm ấm nhưng rồi lại tự biến mình thành gái “nạ dòng”, Hoàng Thị Nhàn đã cùng nhân tình lập mưu hại chồng. Giờ đây, sau nhiều năm cải tạo nhưng phạm nhân này vẫn không vơi đi sự ân hận và oán trách bản thân vì tội lỗi đã gây ra trong quá khứ.

Đó là nữ phạm nhân Hoàng Thị Nhàn (SN 1969, quê Thái Bình), thụ án 12 năm tù về tội “Giết người”.

Người đàn bà phản bội chồng

Vừa cạo mủ cao su trở về, phạm nhân Nhàn lau mồ hôi, rụt rè chào chúng tôi. Gần 7 năm thụ án tại Trại giam Đắk Trung, phạm nhân Nhàn chưa 1 lần được thổ lộ về câu chuyện lỗi lầm của mình ngày trước. Phạm nhân Nhàn nói đầy chua chát: “Có một vài người hỏi chuyện của tôi nhưng đó là chuyện buồn, mỗi lần kể ra chỉ muốn khóc, mà khóc chẳng dừng được. Tôi đã mất tất cả chỉ vì một phút nông nổi. Cái nết của người đàn bà mà ngoại tình rồi còn hại chồng như tôi, người đời chắc chẳng bao giờ hết chê bai được”, để mở đầu cho câu chuyện của mình.

Hoàng Thị Nhàn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo đông anh em. Bố mẹ mất sớm, chị em Nhàn phải chia nhau ở đợ họ hàng thân thích. Lớn lên một chút, Nhàn theo chân gia đình người chú vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Vốn chăm chỉ, chịu khó làm nên nên Nhàn được mọi người rất quý mến.

Đến tuổi cập kê, nhiều chàng trai thương thầm, nhớ trộm Nhàn nhưng cô gái mới lớn quyết định chọn anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1962, trú tại thôn Quỳnh Tân 2, xã Buôn Trấp, huyện Krông Ana) làm bạn đời vào năm 1988. Hơn Nhàn 7 tuổi, sự chín chắn và yêu thương vợ con hết mực của anh Sơn khiến bà con thôn Quỳnh Tân 2 ai cũng phải khen.

Cuộc sống cứ ngỡ sẽ êm đềm hạnh phúc khi Nhàn lần lượt sinh 3 người con (2 gái, 1 trai) cho chồng. Vậy mà, cuộc đời của Nhàn đảo lộn khi xuất hiện người thứ ba chen ngang, đó là Bùi Sỹ Tuyên (SN 1968, quê Thanh Hóa, ngụ thôn Tur 2, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana).

Tuyên cũng theo chân họ hàng vào Đắk Lắk lập nghiệp. Thường ngày, thanh niên này đi hái cà phê, cuốc đất hoặc phát rẫy thuê kiếm sống qua ngày. Tuyên cũng có một mái ấm cho riêng mình với 3 con nhỏ.

Một lần Tuyên nghe người hàng xóm giới thiệu nên đã tìm đến nhà Nhàn để xin chặt thuê gốc cà phê. Vào làm công cho gia đình anh Sơn, thi thoảng Tuyên được vợ chủ nhà rót nước mời những lúc trưa nắng.

Vốn không đẹp mã nhưng Tuyên được “trời phú” cho khoản ăn nói. Thế nên, bằng sự quan tâm nho nhỏ và vài lời khen cũng đủ khiến người phụ nữ đã có tới 3 mặt con bỗng chốc “xiêu lòng”, nảy sinh tình ý. “So với anh Sơn, Tuyên thua kém nhiều mặt nhưng lại thường quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho tôi những khi trò chuyện. Có lẽ vì thế mà tôi đã không làm chủ được lý trí của mình nên đã đồng ý qua lại với Tuyên”, Nhàn nhớ lại.

Có nhân tình mới, việc nhà Nhàn bỏ mặc cho anh Sơn lo liệu. Nhàn thường lấy cớ việc trên rẫy nhiều ra ngoài từ sớm, đi làm với lý do tránh nắng, có hôm ở lại chòi ngủ cũng không về nhà. Hiền lành, ít nói nhưng anh Sơn cũng lờ mờ đoán được vợ có điều khuất tất nhưng không tiện hỏi. Người đàn ông này vẫn chịu khó xoay sở công việc và chăm sóc, nuôi nấng 3 đứa con học hành.

Có lần thấy Nhàn tất tưởi về nhà chẳng kịp ăn cơm lẫn nhìn mặt 3 đứa con rồi lại đi luôn, anh Sơn to tiếng dẫn đến hai vợ chồng cãi nhau. Do đang đắm chìm trong men tình ái với Tuyên, Nhàn yêu cầu anh Sơn ký vào đơn ly hôn với lý do “không còn đem lại hạnh phúc cho nhau thì đường ai nấy đi”.

Đến lúc này, anh Sơn càng tin rằng vợ mình đang ngoại tình. Vậy là những lời đồn thổi bấy lâu nay của người dân trong thôn là có căn cứ. Tuy nhiên, nghĩ đến 3 đứa con còn đang tuổi cắp sách đến trường, đã nhiều lần anh Sơn đặt bút định ký ly hôn nhưng rồi lại thôi. Anh nghĩ cần thêm thời gian cho các con trưởng thành.

Có ai ngờ được rằng, chính việc anh suy nghĩ cho các con đã vô tình trở thành cái gai trong mắt Tuyên và Nhàn khi hai người muốn đến với nhau. Cả hai bàn bạc cùng nhau hãm hại anh Sơn. Ban đầu, Nhàn định dùng thuốc trừ sâu bỏ vào đồ uống của chồng nhưng Tuyên gạt đi bảo như vậy dễ bị phát hiện. Tuyên cho biết, trên rẫy của nhà Nhàn một số nơi còn sót lại bom mìn thời chiến tranh nên cách tốt nhất để “trừ khử” cái gai trong mắt chúng là đặt mìn hại anh Sơn. Nhàn nghe vậy thì đồng ý.

Phạm nhân
Hoàng Thị Nhàn tại Trại giam Đắk Trung


Phạm nhân Hoàng Thị Nhàn tại Trại giam Đắk Trung

Âm mưu hại chồng bất thành

Sau khi thống nhất, Tuyên đến nhà ông Bùi Văn Trưởng mua 200gram thuốc nổ về nhà tán nhỏ rồi cho vào bình đựng dung dịch axít cũ. Tuyên đặt kíp nổ vào rồi quấn chặt bằng một đoạn xăm xe đạp. Chế xong quả mìn, Tuyên đưa cho Nhàn cất giấu rồi dặn Nhàn mua một đoạn dây điện (loại dây đôi-PV) dài khoảng 20m để làm dây dẫn kích nổ.

Ngày 3/12/2007, Nhàn đi làm rẫy cà phê tại khu xâm canh ở xã Băng Ađrênh (huyện Krông Ana) và mang theo quả mìn tự tạo mà Tuyên đã đưa. Trước khi đi, Nhàn hẹn Tuyên vào rẫy để đặt mìn. Khoảng 11h trưa cùng ngày, Tuyên đi xe máy mang theo dây điện đi vào rẫy gặp nhân tình. Tuyên dùng một chiếc cuốc chim đào một hố ngay cạnh một gốc cây mãng cầu để chôn quả mìn.

Sở dĩ cặp “gian phu dâm phụ” chôn quả mìn ở đây vì Nhàn cho Tuyên biết hai vợ chồng mình thường hay ngồi đây nghỉ giải lao mỗi khi làm việc mệt nhọc. Tuyên rải dây mìn từ hố chôn đến chân đồi, còn Nhàn dùng lá khô và đất ngụy trang chỗ đặt mìn và dây điện để không ai phát hiện ra. Cả hai lập kế hoạch xong rồi cùng nhau ra về.

Ngày 6/12/2007, Nhàn gọi điện cho Tuyên thông báo việc hai vợ chồng Nhàn đi làm rẫy. Tuyên phóng xe máy đến trước. Trên đường đi, gã mua hai cục pin đấu dây điện chờ đợi vợ chồng Nhàn đến. Khoảng 8h50 cùng ngày, hai vợ chồng Nhàn đi vào rẫy. Nhàn để bịch bánh rán ở dưới gốc cây mãng cầu rồi nói với chồng vào nhà anh Nguyễn Văn Ái mượn thêm chiếc cuốc để làm việc. Anh Sơn không hề mảy may nghi ngờ, cũng chẳng hay biết một âm mưu chết người đang rình rập mình, thản nhiên ngồi xuống gốc cây lấy bánh rán ra ăn.

Về phần Nhàn, khi vừa đi khỏi, thị liền móc điện thoại gọi cho Tuyên cho biết anh Sơn đã ngồi vào vị trí và dặn Tuyên quan sát, chuẩn bị hành động. Khi Nhàn đã đi khỏi khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi sức nổ, Tuyên bèn đấu hai đầu dây diện. Một tiếng nổ inh tai nhức óc vang lên khiến tất cả những hộ dân và người làm rẫy xung quanh giật mình kinh hãi.

Nghĩ kế hoạch đã thành công, Tuyên bỏ chạy về nhà. Sau khi khói tan, mọi người chạy đến thì phát hiện anh Sơn bị văng xa đến hơn 10m vẫn còn đang thoi thóp thở. Ngay lập tức, mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhàn lúc này cũng giả vờ quay lại nơi xảy ra vụ nổ, thấy chồng vẫn còn sống, thị vội vã chạy về nhà thông báo cho gia đình anh Sơn dẫm phải mìn nên bị thương phải đi viện cấp cứu.

Tại hiện trường, người thì cho rằng do anh Sơn ngồi phải chỗ còn sót lại bom mìn, người thì cho rằng anh Sơn bị ai đó hãm hại. Sau đó, Công an xã Băng Ađrênh đã lập tức có mặt để bảo vệ hiện trường. Họ nhanh chóng thu giữ một cuộn dây diện dài khoảng 20m. Nghi vấn về một kế hoạch giết người đã được trình báo lên Công an tỉnh Đắk Lăk.

Qua sàng lọc và truy xét nhanh những kẻ tình nghi, công an lần lượt bắt giữ Bùi Sỹ Tuyên ngay tại nhà y và Hoàng Thị Nhàn 3 ngày sau đó để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan điều tra, Nhàn cúi đầu thừa nhận mình có quan hệ bất chính với Tuyên nhưng bị bố mẹ anh Sơn phát hiện nên nảy sinh mâu thuẫn với gia đình chồng. Nhiều lần đòi ly hôn không được, Nhàn bàn bạc với Tuyên tìm cách hãm hại anh Sơn. Về phần nạn nhân, anh Sơn đã may mắn thoát chết kỳ diệu vì đúng lúc anh đứng lên để đi lấy nông cụ thì quả mìn mới phát nổ, nhờ vậy mà sức công phá chết người đã được giảm nhẹ phần nào. Theo kết quả giám định thương tật, anh Sơn bị thương tật 30% sức khỏe vĩnh viễn.

Anh Sơn không chết là ngoài dự tính của cả hai người Tuyên và Nhàn nên cả hai sau đó đều bị truy tố về tội “Giết người”, với tình tiết tăng nặng là có tổ chức và có tính chất đê hèn. Nhàn là người khởi xướng và lên kế hoạch để Tuyên thực hiện nên tại phiên tòa sau đó không lâu, thị phải nhận mức án 12 năm tù, còn nhân tình của Nhàn là Tuyên cũng phải nhận 11 năm “bóc lịch”.

Nhàn kể: “Lúc ra tòa, tôi mới thấm thía mình sao dại dột và nông nổi đến thế. Nhưng có lẽ lúc ấy đã quá muộn rồi. Tôi chẳng trách ai được, chỉ trách mình không ra gì mà thôi. Trong suốt cả phiên tòa, tôi và Tuyên chẳng ai nói với ai lời nào. Nhìn thấy chồng một bên tay vẫn còn băng bó khi ra tòa làm chứng, tôi không dám đối diện với anh ấy. Khi tòa cho phép nói lời sau cùng, tôi cũng chẳng biết phải nói sao cho nên lời. Nhìn mấy đứa con còn chẳng hỏi han tôi lấy một câu thì tôi biết cái giá phải trả cho hành động của mình đắt đến nhường nào rồi”.

Lá thư xin lỗi không dám gửi

Ngày đầu mới vào cải tạo tại Trại giam Đắk Trung, phạm nhân Nhàn cho biết mình chỉ khóc. Khóc nhiều đến nỗi hai mắt sưng húp cả lên, nhiều bữa còn bỏ cơm khiến cán bộ quản giáo phải thay nhau động viên, chia sẻ mới giúp tinh thần của nữ phạm nhân này khá dần lên. Bằng những câu chuyện, những cảm thông, quản giáo Nguyễn Hoàng Giang là người trực tiếp giúp đỡ, tạo điều kiện để phạm nhân Nhàn hòa nhập với môi trường mới, gắng cải tạo tốt để nuôi hy vọng phục thiện cho một ngày trở về.

Đại úy Giang nói: “Đọc qua hồ sơ của phạm nhân Nhàn, chúng tôi hết sức bất ngờ bởi phạm nhân này tuy mức án không quá nặng nhưng lại cùng nhân tình đặt mìn hại chồng. May mắn trong vụ việc là anh chồng đã thoát chết thần kỳ. Sau khi vào trại giam, sự day dứt về những lỗi lầm của đã khiến Nhàn có tâm lý bất ổn, chán chường”.

Bằng tất cả kinh nghiệm nhiều năm công tác, lại cùng là nữ giới, Đại úy Giang đã nhiều lần tranh thủ những lúc công việc có thời gian nghỉ ngơi để trò chuyện, động viên Nhàn nỗ lực phấn đấu. Cũng nhờ sự chuyển biến tích cực đó mà phạm nhân Nhàn đã được xếp vào diện được giảm án của Hội đồng cán bộ quản giáo Trại giam Đắk Trung. “Tôi được giảm án 3 lần rồi, tổng cộng là 11 tháng, chỉ cần cố gắng thêm một thời gian ngắn nữa là có thể trở về rồi. Nghĩ đến ngày về, vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì không còn khoác chiếc áo kẻ sọc này nữa, nhưng buồn vì không biết phải đối mặt với cuộc sống thực tại và chồng con ra sao. Nhưng tôi đã nghĩ rồi, cái gì đến sẽ đến, ai cũng có lỗi lầm cả nhưng tôi sẽ xin lỗi chồng và các con để có cơ hội được làm lại cuộc đời mình, dù biết nó chắc chắn sẽ không hề dễ dàng”, phạm nhân Nhàn tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi về việc xin không được viết thư xin lỗi người thân và người bị hại, phạm nhân Nhàn nói bằng giọng trầm buồn: “Người bị hại trong vụ án cũng là người chồng mà tôi từng gắn bó yêu thương. Tôi đã phản bội anh ấy, lại còn suýt hại chết anh ấy nữa nên mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ, tôi thấy mình không xứng đáng với tình cảm mà chồng con đã dành cho mình. Tôi đã xin không được viết thư xin lỗi nhưng các cán bộ quản giáo động viên, bảo tôi nói ra được lòng mình dù anh ấy có chấp nhận hay không cũng sẽ khiến tôi nhẹ lòng. Đến ngày cuối cùng của đợt viết thư, tôi mới thức trắng đêm viết một lá thư vừa đủ dài để xin lỗi chồng mình”.

Dừng lại một lát, phạm nhân Nhàn nói tiếp: “Nhưng mà sau đó tôi lại không gửi ngay, tôi viết một lá thư khác, dài hơn lá thư cũ và gửi hai lá thư cùng một lúc. Bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu đắng cay tủi hờn của những ngày tháng ân hận trong trại giam, tôi gửi cả vào trong đó. Tôi không mong mình nhận được lời chấp thuận của chồng nhưng tôi hy vọng anh ấy hiểu được tôi đã day dứt rất nhiều khi tự ném đi hạnh phúc mà chính mình gây dựng, vun đắp lên”.

Thời gian dần trôi, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, các con của Nhàn lần lượt trưởng thành và bước vào giảng đường đại học. Chúng dần hiểu ra câu chuyện và tha thứ cho Nhàn, có thời gian rảnh là lại lên thăm mẹ. Nhận từ con những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, không lúc nào Nhàn không quên hỏi thăm về anh Sơn và gia đình dù biết chồng mình vẫn còn chưa tha thứ cho chuyện cũ.

Nhàn gạt nước mắt kể: “Cách đây khoảng gần 1 năm, tôi bất ngờ khi thấy anh ấy lên cùng đứa con út thăm tôi. Tôi khóc ngay tại chỗ vì xúc động. Hai vợ chồng ngồi với nhau một lúc lâu mà chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi mở lời trước, hỏi thăm anh ấy và các con ở nhà. Rồi tôi nói xin lỗi anh ấy trực tiếp. Đáp lại tôi, anh ấy chỉ bảo: “Sao vợ chồng mà nông nổi vậy. Dù gì cũng là cái nghĩa, cái tình, tôi gắng nuôi các con để nhận lấy cho mình một quả mìn sao?”. Nghe thế, tôi lại khóc rồi nói với anh ấy: “Chuyện cũ qua rồi, em biết mình sai, một phút nông nổi nên phải chịu cơm tù áo số thế này, anh hãy tha thứ cho em”. Nhưng anh Sơn chỉ im lặng rồi về”.

Nhàn tâm sự: “Ai cũng có lỗi lầm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều nên sẽ cố gắng làm lại cuộc đời mình dù biết sẽ có vô vàn khó khăn chờ đợi. Nhưng các con động viên tôi nhiều lắm, các cán bộ quản giáo cũng vậy. Nếu không có lẽ tôi đã bỏ cuộc rồi. Ra tù, tôi sẽ về gặp chồng rồi quỳ xuống xin lỗi anh ấy một lần nữa, qua lời của các con kể thì tôi biết anh ấy vẫn còn thương tôi nhiều lắm”. Trước khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Nhàn nhờ chúng tôi nhắn nhủ tới chồng mình rằng: “Hãy giữ gìn sức khỏe anh ạ. Gắng chăm lo cho các con. Em rất ân hận về chuyện cũ, 7 năm qua chẳng lúc nào quên được nên dặn lòng mình phải cố gắng làm lại để trở về chuộc lỗi với anh và các con”.

Đôi mắt đỏ hoe, phạm nhân Nhàn chào chúng tôi rồi lủi thủi ra về khi ánh nắng chiều dần tắt nơi phía xa chân trời những dãy cao su thẳng hàng tít tắp... Câu chuyện buồn của Nhàn có lẽ là bài học sâu sắc cho mọi người trong cuộc sống khi hãy trân trọng những gì mình đang có, nhất là mái ấm và hạnh phúc đã vun đắp lên, đừng để khi nó vụt tan mới ân hận, tiếc nuối thì e lúc đó đã quá muộn màng...

Theo Minh Châu - Tố Uyên - Đình Khánh

Pháp luật Việt Nam