1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Người bán sim thẻ điện thoại hack Facebook của hàng loạt du học sinh

(Dân trí) - Có chút ít kiến thức về công nghệ thông tin, Phan Anh Tuấn tìm cách hack Facebook của các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Sau khi chiếm được quyền sử dụng Facebook, Tuấn mạo danh chủ tài khoản để lừa tiền người thân của họ.

Người bán sim thẻ điện thoại hack facebook hàng loạt du học sinh Nhật để chiếm đoạt tiền

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm Phan Anh Tuấn (SN 1997, trú xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Hack Facebook để lừa tiền

Học hết lớp 12, Phan Anh Tuấn tham gia một lớp học sửa chữa điện tử, máy tính. Có một chút vốn liếng về công nghệ thông tin, Tuấn kiếm sống bằng nghề buôn bán sim thẻ điện thoại, thẻ game… Tuy nhiên, công việc này chỉ đưa lại mức thu nhập phập phù, không ổn định.

Tuấn nghĩ cách đăng nhập vào Facebook của người khác nhằm mục đích lừa tiền. “Con mồi” mà Tuấn nhắm tới là các du học sinh đang học tập tại Nhật.

Ban đầu, Tuấn vào Facebook của những người này, nghiên cứu kỹ các thông tin cá nhân được đăng tải sau đó “dò” tên đăng nhập mật khẩu Facebook bằng những thông tin này. Với cách làm “thủ công” này, trong vòng chưa đầy 1 tháng, Phan Anh Tuấn đã đăng nhập, chiếm quyền sử dụng Facebook của 16 du học sinh Nhật và thực hiện kế hoạch của mình.

Người bán sim thẻ điện thoại hack Facebook của hàng loạt du học sinh - 1

Phan Anh Tuấn đã đăng nhập, chiếm quyền sử dụng Facebook của nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Sau khi đăng nhập được vào Facebook của những người này, bị cáo vào phần tin nhắn, đọc và nghiên cứu kỹ để tìm hiểu mối quan hệ, mức độ thân thiết của chủ Facebook với những người trong danh sách bạn bè. Bị cáo nhờ 2 người trong danh sách bạn bè của chủ Facebook làm thẻ ATM mang tên họ nhưng đăng ký bằng số điện thoại của mình (sim rác). Sau khi nghiên cứu kỹ, bị cáo sẽ vào chat và đóng vai chủ Facebook để “xin” tiền”, Phan Anh Tuấn khai tại tòa.

Để cho các bị hại tin tưởng, Tuấn thường nghĩ ra những lý do chính đáng để “người nhà” gửi tiền như cần đóng tiền học phí, mượn tiền cho bạn giải quyết việc riêng, đóng tiền thi hay đóng tiền visa, tiền bảo hiểm lao động…

Để các bị hại không nghi ngờ, Tuấn ít khi yêu cầu gửi số tiền chẵn mà căn cứ vào tỉ giá giữa đồng Yên và Việt Nam đồng để nhắn bị hại gửi tiền. Bởi vậy, số tiền mà các bị hại gửi cho Tuấn (thông qua 2 tài khoản ngân hàng mà Tuấn nhờ bạn của các chủ Facebook làm) thường là số tiền lẻ.

Ngày 16/4/2018, khi Tuấn vừa lừa chị Hoàng Thị N. (trú Nghi Lộc, Nghệ An) chuyển vào tài khoản mang tên người khác mà mình đang sử dụng số tiền 31,3 triệu đồng thì bị Công an huyện Nghi Lộc bắt giữ.

Cơ quan điều tra làm rõ, chỉ trong vòng 40 ngày (từ ngày 6/3-16/4/2018), Phan Anh Tuấn đã hack 16 Facebook, lừa đảo chiếm đoạt hơn 650 triệu đồng của các bị hại ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Phần lớn số tiền trên đã được Tuấn sử dụng cho mục đích tiêu xài cá nhân.

“Khi lừa được tiền, ngay lập tức bị cáo rút ra và ăn tiêu, bao bạn bè đi chơi. Có lần, chỉ trong vòng 2 ngày, bị cáo tiêu hết gần 100 triệu đồng”, Tuấn khai tại tòa nhưng không lý giải được tiêu những gì.

Cha mẹ cầm cố nhà cửa trả nợ cho con

Phan Anh Tuấn là con út trong gia đình có 3 anh em. Mặc dù bố mẹ đã rất cố gắng để Tuấn được ăn học bằng người ta nhưng cố lắm, Tuấn cũng chỉ học được hết lớp 12.

Từ Quảng Trị, ông Phan Văn V. bắt xe khách ra Nghệ An dự phiên tòa từ sớm. Ông ngồi khép nép phía sau các bị hại của con mình. Khi nghe vị Chủ tọa phiên tòa hỏi về việc khắc phục hậu quả cho các bị hại, ông V. đứng lên trình bày: “Sau khi học xong, cháu Tuấn vào Đà Nẵng học nghề rồi nói kiếm việc làm ở trong đó. Cháu ở xa, vợ chồng tôi cũng không thể quản lý được chặt chẽ. Khi nghe tin cháu phạm tội, chiếm đoạt của nhiều người hơn 600 triệu đồng, hai vợ chồng tôi choáng váng.

Con dại, cái mang, giận con đến tím ruột nhưng vợ chồng cũng bàn nhau vay mượn, cầm cố sổ đỏ để khắc phục một phần hậu quả do con gây ra. Gia đình đã khắc phục được số tiền 113 triệu đồng cho các bị hại. Hiện chúng tôi đã lâm vào cảnh khánh kiệt, không thể bồi thường được thêm nữa, mong các bị hại thông cảm để gia đình nghĩ cách”.

Nghe bố nói, Phan Anh Tuấn cúi đầu im lặng.

Trong quá trình công tác trong quân đội và tại địa phương, ông Phan Văn V. được tặng một số bằng khen, giấy khen. Đây là những tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho Phan Anh Tuấn. Tuy nhiên, trận lũ năm 1990 đã cuốn sạch những giấy tờ này của ông. 

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Phan Anh Tuấn 8 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân (trừ đi số tiền đã khắc phục trước đó).

Hoàng Lam